Thứ 5, 02/01/2025, 02:51[GMT+7]

Hệ thống thư viện công cộng cần phải làm gì trong công tác giảm nghèo về thông tin

Thứ 5, 14/03/2019 | 10:15:30
1,956 lượt xem
Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ xác định rõ một số mục tiêu, nhiệm vụ liên quan tới lĩnh vực truyền thông và giảm nghèo về thông tin.

Bà Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội và đoàn công tác về khảo sát 15 năm thực hiện Pháp lệnh Thư viện tại tỉnh Thái Bình, tháng10/2018.

Những năm qua Đảng và Nhà nước đã thực hiện nhiều chiến lược, chương trình xóa đói giảm nghèo nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận các dịch vụ cơ bản như: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh và tiếp cận thông tin…

Hệ thống thư viện công cộng của Việt Nam đã có những đóng góp to lớn trong việc lưu giữ, tuyên truyền phổ biến rộng rãi, kịp thời tinh hoa văn hoá và thành tựu khoa học - công nghệ của nhân loại. Các hoạt động thư viện đều hướng vào việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có thế giới quan khoa học, từng bước thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hoá giữa các vùng miền, giữa các giai tầng xã hội, giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Trong nền kinh tế tri thức, thông tin tạo ra sự thay đổi và để đạt được những mục tiêu kể trên, sự đóng góp của hệ thống thư viện công cộng vào hoạt động của đời sống xã hội là không thể phủ nhận. Ở những vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, sự hiện diện của thư viện xã - thư viện cơ sở gần gũi nhất với người dân, với vốn tài liệu dù vẫn còn khiêm tốn, cũng sẽ phần nào đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân. Quan tâm, đầu tư cho các thư viện xã ở Việt Nam là một chủ trương đúng đắn và chiến lược trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Báo, tạp chí trên đảo Tiên nữ. Ảnh: Thanh Thưởng

Tuy nhiên, hoạt động của các thư viện công cộng cấp xã ở Việt Nam, những thư viện  gần với người dân nhất lại ít có sự quan tâm của các cấp, ngành. Theo thống kê của vụ Thư viện, số lượng các thư viện cấp xã trên toàn quốc đang có xu hướng giảm. Nếu như vào năm 2013, cả nước có hơn 4.000 thư viện cấp xã thì đến hết năm 2018 giảm xuống còn 2.970. Các thư viện cấp xã hầu hết đang đối mặt với những khó khăn không nhỏ: Không có trụ sở độc lập, chủ yếu được đặt trong khuôn viên hội trường ủy ban nhân dân xã, tài liệu nghèo nàn do thiếu kinh phí bổ sung sách mới. Đội ngũ nhân viên thư viện xã đa phần là kiêm nhiệm, ít được tập huấn về nghiệp vụ, chuyên môn,…Với nhiều cái “khó” cái “thiếu” như vậy hệ thống thư viện công cộng cần làm gì để người dân có thể tiếp cận vốn tài liệu và các dịch vụ thư viện một cách hiệu quả nhất?

Thiết nghĩ các thư viện công cộng cần đa dạng hóa các hoạt động của mình, có các biện pháp thiết thực nhằm gia tăng số lượng người dân được tiếp cận với thông tin, tri thức, phục vụ nhu cầu học tập, mở rộng tầm hiểu biết và tăng cường thực hiện khẩu hiệu “sách đi tìm người”, “cho mỗi cuốn sách có bạn đọc phù hợp của nó”. 

Đó là: Phát triển hơn nữa các hoạt động truyền thông, tiếp cận cộng đồng; Tăng cường các dịch vụ thư viện lưu động. Tăng số lần luân chuyển sách xuống cơ sở; Phối hợp với các tổ chức cộng đồng khác trong việc cung cấp thông tin một cách chủ động cho người nghèo, thiết lập các trang thông tin, các nền tảng truyền thông xã hội trực tuyến để chia sẻ cập nhật thông tin về các hoạt động của thư viện, cũng như những thông tin chính sách liên quan trực tiếp đến người dân, những hoạt động xóa đói giảm nghèo do các cơ quan địa phương tổ chức. Tăng cường công tác xã hội hóa, vận động các cấp chính quyền, các tập thể cá nhân quan tâm cùng chung tay xây dựng thư viện, tủ sách ở cơ sở nơi gần gũi và thuận tiện với các sinh hoạt của người dân nhất; Thường xuyên tổ chức các lớp hướng dẫn sử dụng, tra cứu, tìm kiếm, chọn lọc thông tin phù hợp với trình độ, năng lực người sử dụng; Cập nhật, phổ biến kiến thức khoa học phổ thông cho người dân, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Chiến sỹ đảo Trường Sa đọc báo Thái Bình. Ảnh: Thanh Thưởng

Cuộc chiến chống đói nghèo thông tin đang được thực hiện rộng khắp. Các thư viện công cộng nên đầu tư hơn nữa cho các hoạt động hỗ trợ cộng đồng cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Nếu thư viện công cộng làm tốt việc trang bị kỹ năng thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tiếp cận với thông tin và nhận thức được quyền được tiếp cận thông tin của họ, thu hẹp dần khoảng cách công nghệ trong xã hội thì chắc chắn tư duy sẽ được thay đổi, góp phần tích cực vào việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần trong cộng đồng dân cư, xây dựng xã hội giàu mạnh, văn minh.

Lê Thị Thanh
( Phó Giám đốc Thư viện KHTH tỉnh)