Ngả nghiêng đất trời
Ngắm nhìn 24 chàng trai trẻ, khỏe (phu kiệu) vai đỡ 3 kiệu thánh (Song Loan, Long Đình và Kiệu Lễ) chạy băng băng trên đường làng, băng qua quãng đồng ngập nước đang kỳ đổ ải, lao xuống ao, hồ, lạch sông ngâm mình trong nước lạnh nhiều giờ để rước kiệu... dòng người trẩy hội hòa quyện trong âm thanh của trống, thanh la, nạo bạt, chũm chọe khiến ai cũng có cảm giác lâng lâng khi kiệu quay nghiêng ngả đất trời trong lễ hội làng Thọ Lộc, xã Minh Khai, huyện Vũ Thư được tổ chức mỗi năm một lần vào dịp năm mới, xuân về để tưởng nhớ công đức thiền sư Từ Đạo Hạnh.
Trải bao thăng trầm biến cố nhưng làng Thọ Lộc, xã Minh Khai, huyện Vũ Thư vẫn duy trì nét đẹp văn hóa của hội làng, đặc biệt là lễ rước kiệu quay độc đáo trong khi một số làng của tỉnh ta lễ hội đã lùi xa vào dĩ vãng. Một số làng khác người dân đang nỗ lực phục dựng lễ hội truyền thống từ các nguồn tư liệu cổ hoặc từ trí nhớ của những bậc cao niên... có làng nghi lễ được nhân dân “sáng tạo” mới hoặc du nhập về nhằm khôi phục lễ hội. Sự trở lại của lễ hội làng trong cuộc sống thời “bốn chấm không” nói chung và phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh ta đang có chuyển biến tích cực không hẳn phục dựng lại nét cổ xưa và cũng không trùng lặp, giống nhau đơn thuần, lễ hội làng ngày nay mang hơi thở của cuộc sống hiện đại có nhiều nét mới cân bằng giữa bảo tồn lễ hội, lễ hội truyền thống với thương mại hóa, giữa đời sống tâm linh gắn với lễ hội cùng lợi ích mà lễ hội mang lại cho cộng đồng về giá trị tinh thần... Sự phục hồi của lễ hội truyền thống nói chung và lễ hội làng Thọ Lộc với nghi lễ rước kiệu quay độc đáo trong đời sống dân sinh đương đại thực sự trở thành một hiện tượng văn hóa đa nghĩa, đa chiều và đa góc nhìn.
Có nhiều góc nhìn và cách giải thích đa chiều về hiện tượng “kiệu quay”, “kiệu bay” trong lễ hội làng Thọ Lộc.
Ông Nguyễn Minh Lệ, cựu giáo chức làng Thọ Lộc cho biết: Dòng họ Nguyễn làng Thọ Lộc vốn là dòng họ đến sinh cơ, lập nghiệp rất sớm ở đất Thọ Lộc. Nguồn gốc dòng họ từ Thọ Lộc (Thanh Hóa) di cư về đây mấy trăm năm trước nên mang theo tên đất đặt cho tên làng. Trong suốt hành trình lễ hội của làng, dòng họ có đóng góp lớn trong việc lập đội tế và tuyển chọn huấn luyện phu kiệu và luôn có người trong dòng tộc làm chủ hội. Mỗi dịp xuân về làng Thọ Lộc lại mở hội tưởng nhớ công đức tiền nhân đối với dân làng. Lễ hội có tục rước kiệu thánh từ làng ra chùa (thường gọi là chùa Múa hay Phượng Vũ), theo lời thuật của các bậc cao niên trong làng, kiệu rước trên đường từ làng ra chùa nhiều khi kiệu thánh “bay” qua các ao làng, lướt trên mặt nước qua khúc sông đầu làng, kiệu và người rước kiệu đang trên đường đi bỗng “bay xuống nước”, quay tròn trên mặt nước, xô dạt vào nhau, lúc chụm lại, lúc tỏa ra. Trên hai bờ sông hàng trăm người đứng chen chúc nhau xem “thánh múa”, tiếng trống, tiếng thanh la, mõ lộn, chũm chọe dồn dập, thôi thúc... Kiệu đang xoay tròn dưới nước bỗng dưng lao lên đường, bay xuống ruộng nước, các phu kiệu đỡ kiệu chạy rất nhanh qua cánh đồng vừa đổ ải ngập đầy nước, phu kiệu bước cao, bước thấp mà kiệu không đổ, phu kiệu cũng không hề vấp ngã, trượt chân hay dẫm phải đinh, mảnh chai... Cao trào “kiệu thánh” quay nghiêng ngả, bay trên mặt nước trước sự chứng kiến của đông đảo du khách thập phương và dân làng. Các bậc cao niên trong làng còn kể rằng kiệu rước di chuyển bình thường trên đường đột nhiên phu kiệu không ai bảo ai chạy rất nhanh, có người khẳng định nhìn thấy chân phu kiệu không chạm mặt đất và đồn đoán rằng “thánh nhập” kiệu nên kiệu bay trên mặt đất dân làng gọi đó là “kiệu bay”. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho rằng đây là hiện tượng văn hóa tâm linh có từ lâu đời và thường xảy ra ở lễ hội làng đầu xuân và không ai khẳng định được đâu là câu trả lời đúng hay sai mà chỉ đưa ra các giả thuyết. Từ nghi thức rước kiệu quay của làng Thọ Lộc cho thấy lễ hội nói chung và lễ hội làng Thọ Lộc nói riêng đều xuất phát từ nhu cầu thực hành tín ngưỡng dân gian ngày càng trở nên cần thiết trong đời sống thụ hưởng văn hóa của cộng đồng dân cư gắn với lễ hội nông nghiệp, lễ hội trình nghề và đặc biệt vấn đề tam nông “nông nghiệp, nông thôn và nông dân”. Lễ hội truyền thống được phục hồi ở nhiều làng quê, nhiều vùng miền trong tỉnh tạo nên xu hướng và là nhu cầu xã hội không thể phủ nhận trong bức tranh đa văn hóa hiện nay.
Ông Nguyễn Minh Lệ cho biết thêm: Làng Thọ Lộc xưa có 5 giáp, theo lệ làng, mỗi giáp để một mẫu ruộng nuôi lợn hỗng (lợn nuôi để tế thánh), nhà nào đến phiên nuôi lợn hỗng thì mọi việc làm ăn đều phải “chững” lại dành thời gian chăm “ông lợn”. Ngày làng mở hội, các gia đình được giao chăm “ông lợn” sẽ đưa ông ra tắm cho sạch sẽ sau đó cho ông lợn vào cũi, “cờ rong, trống mở” rước ông ra đình dự thi. Thi xong các giáp đem về “hóa kiếp” ông lợn để tế thánh. Lễ hội làng Thọ Lộc còn lưu giữ được nhiều nét đẹp văn hóa trong đó có trò thi đấu vật tự do. Hội thi vật tự do làng Thọ Lộc thu hút nhiều đô vật từ các xã trong vùng và cả đô vật tỉnh ngoài đến dự. Ngoài giải nhất, nhì, ba trao tặng cho các đô vật thắng cuộc, ban tổ chức hội thi còn trao cho các đô vật thắng cuộc các danh hiệu: “chép vàng”, “voi xô”, “ngựa hồng”... để biểu thị tinh thần thượng võ. Hội làng Thọ Lộc tổ chức vào dịp đầu xuân khi tiết trời sang xuân còn dư âm của không khí lạnh và có thể gặp lại cảnh “Giêng Hai mưa phùn, gió bấc” nhưng không năm nào làng bỏ lệ rước kiệu và kiệu bay trên sông. Có năm nhiệt độ xuống thấp 8 - 10°C nhưng không một phu kiệu nào bỏ cuộc vì mệt, vì rét. Các bậc cao niên trong làng cho rằng các phu kiệu đã được “Thánh phù hộ”. Đoàn rước kiệu thu hút rất đông du khách thập phương có đủ các lứa tuổi. Kiệu rước có 3 kiệu là Song Loan, Long Đình, Kiệu Lễ. Đoàn rước đủ cờ, trống, dàn nhạc tế rước. Kiệu được rước từ đình làng ra chùa làng (ở ngoài đồng), đoàn rước đi qua đoạn đường dài khoảng 2km. Trên đoạn đường rước thánh, nhiều khi kiệu dừng hẳn lại, chân phu kiệu đồng loạt quỳ xuống đất, vai vẫn đỡ kiệu, du khách cùng dân làng theo đoàn rước phải chắp tay khấn vái... đến khi tiếng trống, tiếng thanh la... dồn dập nổi lên, các phu kiệu mới đỡ kiệu đứng thẳng lên và kiệu tiếp tục di chuyển. Khi kiệu ra khỏi làng đến dòng sông đầu làng vốn là nơi các “ngài” trút bỏ bụi trần, lúc đó kiệu quay nghiêng ngả và thánh “bay” xuống dòng sông, kiệu lại quay tròn trên mặt nước, tiếng trống, tiếng thanh la... lại dập dồn thôi thúc, kiệu lại càng quay nhanh hơn nhưng dịch chuyển chậm chạp về phía chùa làng.
Đoạn sông không dài nhưng kiệu thánh “bay” rồi “múa” trên sông nước nghiêng ngả cả đất trời trong khoảng thời gian hai tiếng (từ khoảng 9 giờ sáng cho đến chính Ngọ (12 giờ trưa) mới vượt qua đoạn sông, khi các “ngài” đã tẩy sạch bụi trần, kiệu được rước lên bờ di chuyển về chùa. Từ nghi lễ rước kiệu bay, kiệu quay trong lễ hội làng Thọ Lộc cho thấy nhiều nghi lễ cổ đã được người dân gìn giữ, thực hành trong lễ hội với sự hồn nhiên mong muốn đặt niềm tin “kéo” thần, thánh... về gần với cuộc sống đời thường. Xét cho cùng đó cũng là những nhu cầu hết sức đời thường của người dân.
Ông Nguyễn Văn Lơn, trưởng tộc họ Nguyễn, làng Thọ Lộc, xã Minh Khai, huyện Vũ Thư Dòng tộc họ Nguyễn được dân làng ghi nhận có công lao đóng góp lớn cho việc duy trì và phát triển lễ hội làng Thọ Lộc mà đặc trưng nổi bật trong lễ hội là rước kiệu quay. Dòng tộc họ Nguyễn có công thành lập đội tế nam quan, nữ quan; tuyển chọn và bồi dưỡng phu kiệu và luôn có người trong họ đảm nhiệm vai chủ hội. Ông Nguyễn Minh Lệ, cựu giáo chức làng Thọ Lộc, xã Minh Khai, huyện Vũ Thư Lễ hội làng Thọ Lộc được tổ chức hàng năm vào dịp xuân mới để tưởng nhớ công ơn của các vị thành hoàng làng và thiền sư Từ Đạo Hạnh có công giúp dân trị thủy, dựng làng. Kiệu quay dưới nước, phu kiệu ngâm mình xuống ao, kiệu băng qua cánh đồng... có thể là tích đánh đuổi giặc xâm lăng hoặc hành động giúp dân làng của thiền sư. Ông Nguyễn Văn Tuynh, làng Thọ Lộc, xã Minh Khai, huyện Vũ Thư Tục rước kiệu và kiệu bay, kiệu quay trên sông nước có những chi tiết huyền bí, được “thần thánh hóa” song từ lâu nghi lễ này đã đi vào đời sống tâm linh của người dân Thọ Lộc. Hội rước kiệu quay là một sinh hoạt văn hóa dân gian đậm chất văn hóa không chỉ với dân làng Thọ Lộc mà với cả dân các làng trong vùng. |
Quang Viện
Tin cùng chuyên mục
- Táo quân 2025 sẽ đến trong đêm Giao thừa năm nay! 26.12.2024 | 10:56 AM
- Đêm Gala “Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn”: Đoàn kết là sức mạnh 21.12.2024 | 09:16 AM
- Vũ Thư tổ chức đêm hội hoa đăng tưởng niệm 1.008 năm ngày Thánh đản (1016 - 2024) 17.10.2024 | 10:47 AM
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 09.10.2024 | 21:15 PM
- Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI tại tỉnh Ninh Thuận, năm 2024 16.09.2024 | 21:16 PM
- Thiếu Văn Sơn - Chân dung một người cầm bút 03.06.2024 | 17:14 PM
- Ghé thăm ngôi đình hơn 130 tuổi nơi Bác Hồ trò chuyện cùng người dân Thái Bình 19.05.2024 | 17:35 PM
- Liên hoan Bé làm quen với làn điệu chèo truyền thống quê hương 19.04.2024 | 15:43 PM
- 37 thí sinh, nhóm thí sinh dự thi vòng bán kết cuộc thi tài năng nghệ thuật trẻ tỉnh Thái Bình 07.04.2024 | 17:52 PM
- Hưng Hà: Dâng hương tưởng niệm 790 năm ngày Đức Thái Tổ Trần Thừa băng hà 27.02.2024 | 16:14 PM
Xem tin theo ngày
- Năm mới, vững tin bước vào kỷ nguyên mới
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra, động viên công tác khóa sổ ngân sách năm 2024
- Xây dựng đội ngũ cán bộ cơ quan nội chính “chắc - sắc - đắc”
- Công bố các quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh về công tác cán bộ
- Gắn nhiệm vụ công tác công an với thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội
- Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025
- Kiểm điểm công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2024 của tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Hơn 34.000 đại biểu tham dự hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt chuyên đề năm 2025
- Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Công bố quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ