Thứ 5, 02/05/2024, 08:00[GMT+7]

Văn hóa tâm linh trong đời sống làng quê

Thứ 5, 01/03/2012 | 15:50:20
2,848 lượt xem
Từ xưa với niềm tin trong trời đất có thần linh, ma quỷ và truyền thống tri ân đối với tổ tiên, các anh hùng dân tộc, các vị tổ nghề- phường hội có công với làng nước, người xưa đã có tục thờ cúng và xây dựng nhiều đền đài, kiến trúc tôn giáo để cúng tế hàng năm cầu mong cuộc sống no ấm, thanh bình và hạnh phúc. Đến nay trên cả nước có đến hàng nghìn ngôi đình, đền, chùa, miếu, phủ vừa cổ kính, trang nghiêm vừa hòa nhịp với cuộc sống sôi động, muôn vẻ đem tới món quà tinh thần đa dạng

Do đời sống nông nghiệp, dựa vào thời tiết- khí hậu và người dân hãy còn ăn ngủ, giao hòa với thiên nhiên, đất trời cùng các phong tục- tập quán cổ truyền, các công trình kiến trúc tâm linh lâu đời nên làng quê là nơi thấy nhiều nhất các đối tượng thờ cúng cùng các công trình tín ngưỡng dân gian. Ở đây, mọi người thờ cúng rất đa dạng, bao gồm bất kể điều gì mà người ta kính sợ hoặc nhờ cậy như các hiện tượng mây- mưa- sấm- chớp, các loài cây- chim thú, các vị thần tiên- Phật- Mẫu và tùy đặc điểm địa phương như ở vùng núi thì thờ núi (sơn thần), ở biển thờ biển (hải vương), ở sông thờ sông (hà bá)...

Tùy điều kiện vật chất, công của mỗi làng chỉ lập một ban thờ đơn sơ hoặc xây dựng thành những kiến trúc nguy nga và trong phạm vi làng mình có một hay nhiều đền đài thờ cúng khác nhau, như miếu để thờ các vị nhiên thần thuộc tiểu thần như thổ thần, sơn thần, thủy thần, hỏa thần, thần Nông, linh vật, linh thú: hổ, khỉ, công, vẹt..., thần sầu - phụ nữ chết yểu, nam giới chết yểu vào giờ thiêng; điện và phủ thờ các nhiên thần tối cao thuộc thượng đẳng thần gồm ngọc hoàng, tam thanh, thánh mẫu...; đền thờ các vị tướng lĩnh anh hùng, các dòng họ, nhà giáo, người lập làng -nghề nắm vị trí quan trọng ở địa phương; đình thờ thành hoàng là thiên thần hoặc nhân thần có công lớn đối với xã tắc được triều đình phong tước và cho thờ phụng chính thống và chùa thờ Phật để hoằng dương đạo đức, phổ độ chúng sinh. Tuy nhiên, khi đạo Lão và đạo Nho du nhập, đạo Phật đã kết hợp hồn hậu với đạo Mẫu, Lão và Nho giáo tạo thành tam giáo đồng nguyên nên trong chùa cũng thấy cả các vị thần thánh và có cách bài trí nói chung là Tiền Phật - Hậu Thánh với ý nghĩa họ đều là các vị hộ quốc an dân. Ngoài ra, còn có các ban, bệ thờ bách linh ngoài trời.

Trước khi dựng kiến trúc tín ngưỡng, dân quê luôn chọn giờ lành tháng tốt và địa thế đẹp mà kiến thiết. Đó thường là thời điểm tinh tú trên trời sáng nhất, không khí mát lành, cây cỏ xanh tươi. Nơi xây dựng thoáng đãng, đằng sau có núi non hậu thuẫn, đằng trước có sông ngòi nuôi dưỡng, hai bên là các mảng rừng, đồng vườn, đôi khi xen kẽ nhà dân đảo bảo an sinh, sự thuận lợi và phong cảnh trù phú, tuy nhiên vẫn sự có cách biệt bởi các cổng và rào cao.

Do chỉ thờ oai linh, tà thần hoặc các tiểu tiên nên kiến trúc của miếu thường rất mộc mạc, nhỏ thì là một ban có mái che, vừa thì là một căn nhà một gian và lớn thì ba gian hoặc năm gian, hai chái ngăn mành. Trước miếu cũng không có tam quan, sân chầu tổ chức lễ tiệc nhưng lại có những khoảng đất rộng bao quanh cho việc ngắm cảnh. Vì kích thước khiêm nhường, miếu thường nằm ẩn giữa đồng bãi, đầu làng hoặc cuối làng, xa cụm dân cư, thường thấy miếu sơn thần ở gò cao bên sườn núi, miếu thủy thần ở chỗ ngã ba, ngã tư sông.

Đền có kiến trúc quy mô hơn, thường là một căn nhà lớn nhiều gian, gian giữa thờ các vị tướng, thánh mẫu, ngọc hoàng và hai bên thờ tiểu thần. Nhiều đền có sân rộng cho dân gian tế lễ, dâng hương hàng năm nhân các ngày giỗ chạp hay ghi nhận chiến tích của các vị.

Đình lớn hơn đền, thường có năm, bảy gian trở lên, được nối kết theo kiểu trùng thiềm điệp ốc hoặc chồng bát. Nhiều gian, đặc biệt là phần mái làm hoàn toàn bằng gỗ mộng ngậm. Nói chung, đình có hai phần, các gian bên ngoài đặt hương án và tượng linh thú, trống chiêng, cho nhân dân bái vọng và làm lễ, phía trên thường ghi chữ Viễn chi hữu vọng và các gian bên trong là hậu cung, nơi nghỉ ngơi của thành hoàng, ghi chữ Thánh cung vạn tuế. Trước đình có sân rộng bày các hàng chấp kích trong ngày lễ và hạ kiệu thánh. Ngoài cùng có tam quan với ba vòm cổng chào lớn, hướng về phía đông nam là hướng của ánh sáng và trí tuệ.

Chùa có lẽ là kiến trúc lớn và đa dạng nhất vì được xây dựng theo thể mở, có thể thu nhận thêm nhiều kiến trúc tâm linh khác. Thường thấy chùa có các dạng như đuôi vồ, chữ T, đinh, công, tam, quốc hoặc nội công ngoại quốc. Tựu chung, một chùa gồm có ba tòa nhà sau: Chùa hạ, chùa trung và chùa thượng. Chùa hạ còn gọi bái đường hay nhà thiêu hương là tòa nhà phía trước đầu tiên của chùa, hai bên thường đặt các tượng hộ pháp, ở giữa bày hương án và trải chiếu cho nhân dân ngồi nghỉ, sửa soạn lễ vật cúng Phật. Chùa trung là tòa nhà ở giữa còn gọi chính điện hay Đại Hùng Bảo điện, nơi bày phần lớn hệ thống tượng Phật, cờ phiên. Chùa thượng là tòa nhà sau cùng và cao nhất nơi tọa ba pho tượng Tam Thế Phật, Phật tọa sơn, Phật nằm (nhập cõi Niết Bàn). Phía sau nữa là hậu cung, với điện thờ Mẫu, các nhà thờ tổ, vườn cây, tháp và bia ký. Có ba loại tháp thường gặp gồm tháp chuông, tháp thờ tượng và tháp thờ cốt. Tháp chuông ở lối vào chùa thường nằm trên tam quan. Tháp thờ tượng ở hai bên sân chùa. Tháp thờ cốt ở ngoài vườn, cạnh ao hồ là nơi chôn cất các vị sư, trụ trì. Về ý nghĩa tháp chính là một ngôi chùa và là một phần thân thể Phật. Hai bên chùa thường có dãy hành lang dài có mái che để du khách tản bộ thưởng ngoạn. Chùa thường quay về hướng tây nam - hướng trí tuệ bát nhã và cực lạc Niết bàn.

Dù nhỏ hay lớn các công trình tín ngưỡng dân gian đều được trang trí rất đẹp, thể hiện thẩm mỹ của dân gian và quan niệm về sự giao hòa giữa trần thế với tiên giới. Thường thấy trên nóc và cạnh sườn các đền, phủ, miếu hình ảnh của rồng chầu mặt trời, mặt trăng, nhả ngọc, phun châu quấn quýt trong mây và nước. Cũng thấy các con lân, hổ, công, phượng, cá chép, cua tôm trong các cử động nhảy múa vui tươi. Ở đền lớn, hai bên cửa còn có các thần hộ pháp đứng canh hoặc đại tự, câu đối có ý nghĩa khuyến thiện trừ ác, viết bằng chữ Nôm, chữ Nho và quốc ngữ. Trong các kiến trúc tâm linh đình là nơi trang trí đẹp, nhiều và tinh xảo nhất. Các mảng hoa văn được thấy từ mái, rui, mè, xà cột cho đến vách tường, ban, bệ và đồ thờ cúng ở đình. Đầu tiên, thấy trên mái đình 12 đao loan phụng trổ ra tứ phương, giữa các góc mái có các dải hoa lá, cá hóa rồng, lân, rùa đùa giỡn, bầu rượu, túi thơ... Ở các cột trụ của cổng đình trên đỉnh cũng đắp tứ loan, nghê, lân và trong các ô trống của cột trang trí hoa lá, chim thú, cảnh tiên. Thế nhưng những trang trí ấy vẫn chưa thấm vào đâu khi so với nội đình. Trên mỗi cột kèo, mảnh tường, cửa võng, y môn, mành che của đình đều có nhiều loại mô típ đặc sắc miêu tả cuộc sống dân dã, sôi động. Chỗ này người ta vui chơi như đánh cờ, chọi gà, đấu vật... chỗ kia ăn uống nấu nướng, gánh nước, quạt thóc, thậm chí làm chuyện ân ái. Góc này có cảnh nhà dân, góc kia lại khắc họa nhà quan, đoạn này có các con vật bình thường như trâu bò, lợn gà đoạn kia có các sinh vật truyền thuyết. Tất cả như thể một ngày hội lớn.

Hằng năm vào xuân, thu hoặc hè ở các công trình tín ngưỡng tôn giáo dân quê đều tổ chức lễ hội, gồm các nghi lễ dâng hương cầu mùa, tạ ơn trời đất, Phật Thánh và hội để vui chơi, tăng thêm phần linh thiêng của chùa chiền, đền đài cho người ta nhớ hơn về ngày giỗ chạp của các vị thành hoàng, Phật, bồ tát và thu hút du khách về với địa phương. Trong phần lễ, trước đó vài tháng làng đã phải lập ban tế tự gồm rất nhiều chấp sự và các tráng đinh, thanh nữ từ các giáp cùng tham gia tế lễ. Những người này phải trai giới và ở luôn trong chùa nhiều ngày, đến hôm lễ hội mới ra mặt. Trước hội một ngày, ban tế tự sẽ cử hành lễ rước tượng từ cấm cung ra ngoài giếng làng và dùng nước giếng trong pha với tinh dầu hoa thơm tắm tượng. Những nam nữ được chọn sẽ có trách nhiệm: nam khiêng kiệu, bê tượng nữ pha nước và vận linh phục cho tượng. Cùng đó một người giỏi văn nhất trong làng sẽ soạn một bài văn tế lễ, cũng có khi mang các bản chiếu, sắc phong của triều đình trước đó ra lau rửa, đợi khi tắm tượng xong thì cùng rước văn về đình, chùa. Ngày hội, pháp sư, ông từ và ban tế tự cùng toàn thể nhân dân sẽ làm lễ dâng hương trước linh sàng, đọc văn tế cũng như chiếu phong cho toàn dân chiêm ngưỡng.

Ngoài việc dâng hương, trước hương án còn diễn ra nhiều màn ca múa, hát hò, đấu võ... ca ngợi và diễn lại các chiến tích, công đức của các vị thần tiên, Phật Thánh đã phù hộ, độ trì cho dân gian. Sau đó là lễ rước kiệu Phật Thánh do trai tráng khiêng từ chính điện, và dân làng cổ xúy lũ lượt đi quanh làng. Với tín ngưỡng bách thần nên nếu làng thờ nhiều vị thành hoàng thì đám rước sẽ đến từng nơi một, hạ kiệu, tế và mời các vị về đình cả hoặc chùa thượng để cùng nghe dân vạn bái, cúng xong lại rước một vòng trở về chốn ấy, trên đường đi đám rước cũng có thể dừng lại vài lần nhằm phát lộc, hương hoa, oản quả cho dân chúng hoặc làm một số nghi thức nông nghiệp. Ở những làng ven sông thì người dân còn có lễ rước kiệu ra sông- lễ rước nước với ý nghĩa phồn thực cầu mùa, cầu nước. Sau khi đưa kiệu ra sông, đi một vòng du khảo, ông từ múc một chóe nước trong về để thay nước trên ban thờ, tắm tượng và làm cỗ của làng trong các ngày hội. Sau phần lễ, là phần hội. Dân quê biểu diễn rất nhiều trò vui ngay trước sân chùa đình, trong đó có các màn hát đúm, tuồng, chèo, ca trù cùng các cuộc thi đấu vật, kéo co, chọi gà, đấu cờ, tổ tôm, đi kheo…

Vì cảnh quan tươi xanh, tĩnh lặng và linh thiêng, vì sùng kính tiên nhân, Phật Thánh công đức vô biên, mỗi ngày có rất nhiều người đến với đình chùa- đền miếu, trong đó có không ít các bạn trẻ muốn tá túc lâu dài nhằm tìm hiểu lối sống tu hành và tích lũy cho mình các phẩm chất tốt đẹp. Hàng ngày, mọi người đều ăn chay và dậy sớm theo nhà đền, nhà chùa thực hành đạo pháp. Những người ở chùa đều dậy từ ba giờ sáng, theo các chú tiểu đi thỉnh chuông, gõ từ 9, 18, 33 hoặc 108 hồi chuông. Vừa thỉnh chuông vừa cầu nguyện, nhưng không cầu cho mình mà cho những người khác, đặc biệt là phát tâm nguyện ước giải thoát chúng sinh khỏi bể khổ.

Trong Phật giáo, chuông là một trong bốn bảo pháp khi vang lên sẽ xuyên trời xuyên đất, dội đến cả địa ngục cảnh tỉnh người mê, lầm lỗi quay về với chính đạo. Sau đó, mọi người vào chính điện niệm Phật, xưng danh Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật 1000 lần. Theo lời nguyện của Đức Phật thì hễ ai niệm đến tên của Ngài, người ấy sẽ được cứu rỗi, giảm trừ những tội lỗi trong cuộc đời. Mọi người sẽ theo các nhà sư tụng kinh, niệm Phật ít nhất mỗi ngày ba lần trong chính điện vào ba giờ rưỡi sáng, 11 giờ trưa và sáu giờ tối. Ngoài niệm Phật, họ còn cúi lạy trước ban thờ Phật 108 lần. Theo niềm tin Phật giáo thì mỗi đời người đều phải trải qua 108 giai đoạn cực khổ, và qua mỗi lần lạy người ta sẽ giảm bớt được một nỗi cực khổ. Mọi người cũng được tham gia các hoạt động thiền gồm ngồi thiền và đi thiền để có tâm thế bình an, vô ưu đặc biệt tập thiền với khí công nhằm hóa giải ba nghiệp: thân, khẩu, ý để khai mở tuệ nhãn, nhìn xa trông rộng. Ngoài thanh dưỡng vào đền, chùa ai cũng phải lao động, làm việc như thường. Đây là một cách rèn luyện tính kiên nhẫn và kỷ luật, cũng nhắc nhở mọi người nếu không lao động sẽ không có cái ăn.

Tín ngưỡng dân gian và các công trình kiến trúc tâm linh giữ một vai trò vô cùng to lớn trong đời sống dân gian Việt Nam. Đó là di sản quý giá vừa cho những hiểu biết về vùng miền- dòng họ- danh nhân, về bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống chống ngoại xâm, lao động cần cù, các phong tục tập quán vừa nuôi dưỡng thiện tâm, tình yêu quê hương đất nước, tinh thần dân tộc và khối đoàn kết toàn dân.

Chu Mạnh Cường 

(Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội)

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày