Thứ 3, 23/07/2024, 19:16[GMT+7]

Đống rơm chất chứa hồn quê

Thứ 2, 24/06/2019 | 08:50:29
11,817 lượt xem
Trở về với bất cứ một miền quê nào ta cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh thân thuộc của những đống rơm được chất đâu đó nơi góc sân, cạnh con ngõ, hay ở góc vườn.

Ảnh minh họa.

 Rơm là phụ phẩm từ cây lúa sau khi đã tuốt sạch thóc, được phơi khô đánh đống và dùng để làm chất đốt trong nấu nướng, trong sinh hoạt hàng ngày. Rơm khô còn là nguồn thức ăn chính, là vật dụng ủ ấm của trâu, bò trong những ngày tháng mùa đông giá rét, hoặc trong những năm gần đây rơm chính là nguồn nguyên liệu để sản xuất nấm rơm - một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng mang lại giá trị kinh tế cao…

Quê tôi ở một vùng quê thuần nông của vùng đồng bằng Bắc Bộ nên làng tôi cũng như các làng khác nhà nào cũng có đống rơm to tướng. Nhà tôi cũng không là ngoại lệ khi cứ sau mùa gặt là đống rơm mới lại to cao ngất ngưởng, có khi còn chất cao hơn cả mái nhà vì nhà tôi làm hơn một mẫu ruộng nên lượng rơm thu hoạch là rất nhiều. Ngày trước, cứ nhà nào có đống rơm to là thể hiện sự no đủ, giàu có bởi lẽ có làm nhiều ruộng, cấy nhiều lúa thì đống rơm mới to, thóc mới đầy bồ, đầy hòm và dĩ nhiên là sẽ có gạo ăn quanh năm, không lo thiếu đói. 

Đống rơm nhà tôi luôn to, cao nhất xóm và hầu như chẳng mấy khi nhà hết chất đốt, mặc dù tất tật các thứ đun nấu đều sử dụng đến rơm. Một năm có hai mùa lúa và cũng tương ứng với hai lần đống rơm được chất mới lên. Đống rơm nhà tôi được chất ở góc sân trước nhà. Mẹ tôi kể rằng, từ thời ông bà nội tôi còn sống chỗ đó đã được sử dụng làm chỗ chất rơm, bởi nó gần gian bếp, giếng nước và khá thuận tiện cho việc lấy rơm mang vào bếp để đun nấu. Khoảng sân dùng để chất đống rơm khá rộng, ở giữa cắm xuống một cây cột tre to, chắc chắn cao chừng gần chục mét. Tác dụng của cái cột tre ở giữa đó là làm cho đống rơm luôn đứng vững, không bị đổ xuống, kể cả khi gió bão hay việc rút rơm không đều ở các phía. 

Tôi còn nhớ, cứ mùa gặt đến, sau khi những bó lúa gặt ở ngoài đồng về được tuốt sạch những hạt thóc, thì rơm được mang ra ngõ phơi. Công việc phơi rơm khá vất vả khi phải rắc rối rơm đều ra khắp mặt ngõ. Cứ một khoảng thời gian nhất định, tùy theo trời nắng to hay râm mát mà dùng gậy lật mặt dưới của các mảng rơm sao cho rơm khô đều. Nếu trời nắng to mà phơi ở những chỗ không có bóng cây che thì mẻ rơm chỉ hai nắng là khô và mang chất lên đống được. Nếu là những hôm râm trời, ít nắng thì có khi phải mất 3, 4 hôm mới phơi xong một mẻ. Chỗ phơi rơm ở thời điểm mùa gặt cũng luôn là vấn đề nan giải, vì nhà nào cũng gặt cùng một lúc nên nhiều khi con ngõ phía trước nhà luôn bị “chia” phần khoảng không gian cho từng hộ. Chẳng vậy mà nhiều bữa gặt rộ, gặt nhiều diện tích một lúc, mẹ thường bàn với bố tôi mang máy tuốt, mang bạt dứa ra đồng làm… sân gặt và tuốt luôn tại ruộng. Việc gặt lúa ngoài đồng tuy có tiện thật đấy, không phải khuân vác lúa về nhà, phơi rơm nhanh khô, thế nhưng cũng có điều bất tiện là, khi rơm khô phải mang về nhà chất đống mà công việc dọn rơm khô khá vất vả, rất ngại khi da thịt luôn bị rơm cọ sát vào ngứa ngáy hết cả người... 

Hình ảnh đống rơm quê nhà đã gắn liền và trở nên thân thuộc với tôi suốt cả một thời tuổi thơ, khi không có ngày nào là tôi không phải ra đống rơm để rút rơm mang vào bếp nấu nướng. Gian bếp nhà tôi chật chội nên chỗ chứa rơm chỉ đủ cho việc đun nấu bữa một, vì vậy mà cứ khi nào bắc nồi niêu xong là phải ra cây để rút rơm vào nấu. Đó còn chưa kể, những buổi tối trước khi đi ngủ mẹ thường sai tôi ra rút một ôm rơm to mang vào cho trâu ăn, hay rải ổ cho đàn lợn nằm ở những tháng mùa đông giá rét… Rồi nữa, trò chơi trốn tìm buổi tối quanh chân đống rơm của trẻ con làng quê cũng đã là kỷ niệm đẹp khó mờ phai trong tôi. Ôi, có lẽ chẳng bao giờ tôi có thể quên được những đêm trăng cùng lũ trẻ trong xóm nấp sau chân đống rơm để chơi trò à, ập trốn tìm (một trò chơi dân gian của trẻ con đồng bằng Bắc Bộ mà người đóng vai đi tìm thấy phải đập tay vào vai người đi trốn mới gọi là bắt được). Những sợi rơm khô từ đống rơm cũng là thứ mà chúng tôi dùng bện mồi mang lửa ra đồng trong các buổi chăn trâu. Lửa từ mồi rơm giúp chúng tôi sưởi ấm, giúp chúng tôi có những đống lửa đốt đồng để nướng ngô, khoai và những con cua, con cá tươi rói vừa bắt ở dưới mương lên… Rồi nữa, rơm khô gắn bó không chỉ với tôi, với gia đình tôi mà hầu như hết thảy người dân quê của một thời nghèo khó vẫn thường dùng rơm để lót ổ làm nệm chống lạnh trong những ngày mùa đông giá buốt! 

Xã hội phát triển, kinh tế gia đình ngày một khấm khá và khi tôi học lên cấp III thì đống rơm của nhà cũng như của những hộ nông dân khác trong làng không còn to nữa, thậm chí có nhà không còn có đống rơm, bởi lẽ mọi người không chú trọng mấy về việc tích cóp rơm để làm chất đốt cũng như làm thức ăn cho gia súc. Mọi nhà đã đun bằng than tổ ong, bằng gas, bằng điện… 

Thời nay đống rơm vẫn là hình ảnh thân thuộc ở nhiều vùng nông thôn Việt Nam, thế nhưng với làng quê tôi thì hiện tại nó đã xa vời và chỉ còn trong ký ức mà thôi. Những cánh đồng lúa khi xưa giờ đã là khu đô thị, khu công nghiệp nên mùa màng không còn nữa và việc đống rơm bị xóa sổ là điều hiển nhiên. Vẫn biết rằng, làng quê trong đà đô thị hóa đã đủ đầy, sung túc hơn là điều mừng. Thế nhưng, khi trở về quê nhà không nhìn thấy đống rơm nơi góc sân trước nhà tôi như thấy thiêu thiếu một cái gì đó, bởi hình ảnh của nó là không bao giờ có thể mờ phai trong ký ức, vì nó quá đỗi thân thuộc và đã đi cùng tôi suốt những năm tháng tuổi thơ khi gia đình còn nghèo khó… Bởi thế khi xa nhà nhớ về quê, trong tôi luôn mường tượng hay liên tưởng tới hình ảnh của những đống rơm thân thương chất chứa hồn của quê hương cùng những người nông dân mộc mạc chất phác.

Thạch Bích Ngọc


(Thành phố Hồ Chí Minh)