Thứ 3, 23/07/2024, 21:18[GMT+7]

Hồng Triệu Nam Bang

Thứ 2, 07/10/2019 | 08:59:20
1,986 lượt xem
Làng Hậu Trung nay và Thái ấp Thần Hậu thời Tiền Lý Nam Đế là vùng đất trù mật, trong lành, là hậu cứ của nhà Tiền Lý phục vụ công cuộc chống thế lực đô hộ phương Bắc, cụ thể là nhà Lương (Trung Quốc) thế kỷ VI, di tích lịch sử văn hóa đình, miếu Hậu Trung rất cần được khai thác cho các hoạt động du lịch tâm linh của tỉnh và quốc gia.

Cụm đình, miếu Hậu Trung, xã Bạch Đằng, huyện Đông Hưng.

Sử cũ nước ta chép: mùa xuân năm Giáp Tý (544), sau khi đánh bại hoàn toàn quân Lương, Lý Bí xưng đế, lên ngôi vua, đặt niên hiệu là Thiên Đức, lập trăm quan, đặt tên nước là Vạn Xuân, đóng đô ở Ô Diên, dựng điện Vạn Thọ làm nơi triều hội, thành lập triều đình với hai ban văn, võ. Lấy Triệu Túc làm Thái phó, Tinh Thiều đứng đầu ban văn, Phạm Tu đứng đầu ban võ. Tấn phong Đỗ thị phu nhân làm Hoàng hậu, lấy đất Tây Để (làng Hữu Lộc, xã Xuân Hòa, huyện Vũ Thư nay) để phụng dưỡng Quốc trượng Đỗ Công Cần; lấy đất Thần Hậu (nay thuộc thôn Hậu Trung, xã Bạch Đằng, huyện Đông Hưng) làm Thái ấp Hoàng hậu…

Mối “thiên duyên” giữa Lý Bí (Lý Bôn 503 - 548) vốn là quan chức nhỏ “Giám quận” - (kiểm soát quân sự) trong chính quyền đô hộ của nhà Lương (thời kỳ Bắc thuộc) ở Cửu Đức, Đức Châu (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh nay) với trang thục nữ Đỗ thị con gái cụ Đỗ Công Cẩn, một trang hào kiệt ở hương Màn Để (Hiệp Hòa, Vũ Thư nay) có đủ công, dung, ngôn, hạnh trong một lần hành binh về hương Màn Để xây dựng căn cứ quân sự chống nhà Lương. Thời còn làm quan trong chính quyền đô hộ nhưng Lý Bí đã chất chứa lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, bất bình với bè lũ đô hộ nên ông sớm bỏ quan, về quê ở huyện Thái Bình, phủ Long Hưng rồi liên kết với các hào kiệt, tù trưởng các châu thuộc miền đất Giao Châu nước ta, phối hợp nổi dậy chống nhà Lương. 

Theo sử cũ, thủ lĩnh Chu Diên (quận Long Biên, Hà Nội nay) là Triệu Túc và con là Triệu Quang Phục, phục tài đức Lý Bí đã đem quân theo cùng với Phạm Tu vốn là một tướng tài của Lý Bí từ buổi đầu khởi nghĩa về đầu quân cho Lý Bí. Cuộc khởi nghĩa nhanh chóng tỏa rộng khắp địa bàn. Thấy tinh thần cuộc khởi nghĩa như lửa cháy lan nhanh vì có sự liên kết giữa các tù trưởng, hào kiệt của các địa phương, thứ sử Giao Châu là Tiêu Tư khiếp vía kinh hồn, không dám chống cự đem quân chạy về Việt Châu (bắc Hợp Phố - Quảng Châu, Trung Quốc). Sau khi xây dựng xong đồn lũy và hành cung tại hương Màn Để, đất nước tạm yên hàn, Lý Bí nhường quyền chỉ huy đồn lũy ở hương Màn Để cho Đỗ phu nhân rồi dẫn đại quân lên đường tiếp tục chiêu binh, mộ tướng, mở rộng căn cứ chống giặc phương Bắc lâu dài.

Theo tài liệu khảo cứu, Lý Bí lãnh đạo nghĩa quân nhanh chóng kiểm soát toàn bộ Giao Châu, Châu Hoan, Châu Ái (bắc Trung Bộ nay), quận Hợp Phố (Quảng Đông, Trung Quốc nay). Mùa xuân năm Nhâm Tý (542) Lý Bí xuống lệnh cho quân sĩ về hương Màn Để (xã Hiệp Hòa, xã Xuân Hòa, Vũ Thư nay) và thực ấp Thần Hậu (xã Bạch Đằng, huyện Đông Hưng nay) hội quân, khao thưởng binh sĩ rồi xuất quân tiến đánh Châu Thanh. Sử cũ ghi đại quân thủy bộ của Lý Bí đi tới đâu cờ xí rợp trời, binh khí chói trời, chiêng trống lay động chín tầng mây, ngựa thuyền trùng trùng, điệp điệp. Dẹp giặc ở Châu Thanh xong, đại quân của Lý Bí tiến về thủ phủ Giao Châu (thành Luy Lâu thuộc tỉnh Bắc Ninh ngày nay), chỉ trong một trận mà tướng giặc Lương là Lâm Vũ Hầu bạt vía, kinh hồn phải vứt áo mũ trà trộn trong đám lính bại trận tháo chạy về phương Bắc. Mùa xuân năm Giáp Tý (544), sau khi đánh bại hoàn toàn quân Lương, Lý Bí xưng đế, lên ngôi vua, đặt niên hiệu là Thiên Đức, lập trăm quan, đặt tên nước là Vạn Xuân, đóng đô ở Ô Diên (nay là xã Hạ Mỗ, Đan Phượng, Hà Nội), dựng điện Vạn Thọ làm nơi triều hội, thành lập triều đình với hai ban văn, võ. Lấy Triệu Túc làm Thái phó, Tinh Thiều đứng đầu ban văn, Phạm Tu đứng đầu ban võ. Tân phong Đỗ thị phu nhân làm Hoàng hậu. Đoán trước mưu mô phương Bắc vẫn rình rập xâm chiếm, đô hộ Vạn Xuân nên Lý Nam Đế tiến hành xây dựng nhiều căn cứ trên toàn lãnh thổ chống giặc Lương, lấy đất Cổ Trai (nay thuộc xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà) xây dựng hậu cứ lâu dài chống quân xâm lược phương Bắc đồng thời ban tặng đất Tây Để (làng Hữu Lộc, xã Xuân Hòa nay) làm điền hiếu phụng dưỡng Quốc trượng Đỗ Công Cần, lấy thực ấp Thần Hậu (nay thuộc thôn Hậu Thượng, xã Bạch Đằng, huyện Đông Hưng nay) làm Thái ấp Hoàng hậu Đỗ thị. Lý Nam Đế cũng trọng thưởng cho nhân dân hương Màn Để và Thái ấp Thần Hậu rất hậu, ban tặng bạc vàng, thóc gạo, lụa là, châu báu cho các bô lão và miễn sưu thuế cho dân. Ngày 20 tháng 3 năm Mậu Thìn (548) Lý Nam Đế băng hà ở động Khuất Lão (thuộc tỉnh Phú Thọ nay) sau nhiều ngày cầm cự chống giặc Lương. Nhân dân các làng Cổ Trai (Hồng Minh, Hưng Hà), Sòi, Bản, Hương, Hậu Lộc, Cự Lâm (xã Xuân Hòa nay), An Để (xã Hiệp Hòa), Thượng Hộ (xã Hồng Lý, huyện Vũ Thư), Kim Bôi (xã Hoa Lư), An Lễ, Thọ Vực (xã Hoa Nam), Thần Hậu (xã Bạch Đằng, huyện Đông Hưng)… vô cùng thương xót đã xây miếu, đền thờ vua Lý. Khảo tả di tích lịch sử văn hóa đình, miếu Hậu Trung thờ Đức Tiền Lý Nam Đế (Lý Bí, người đã có công đánh đuổi giặc Lương ra khỏi bờ cõi lập lên nhà nước Vạn Xuân), thôn Hậu Thượng 1, xã Bạch Đằng, huyện Đông Hưng, di tích lịch sử văn hóa được cấp bằng công nhận cấp quốc gia năm 1989. Đình và miếu Hậu Trung được xây dựng theo kiến trúc chữ “Đinh”, tòa đại bái 5 gian tường xây bằng gạch, mái lợp ngói mũi, hệ thống rường cột, xà… được chạm khắc nổi hình nhiều linh vật, nhiều hoa văn tinh xảo. Phía trước là 5 gian nhà tiền tế (tòa Bái đường) kết cấu có 24 cột gỗ lim được chia đều thành 4 hàng, mỗi hàng có 6 cột tạo thế vững chãi; mái được dàn bằng gỗ. Phía trong là hậu cung gồm 3 cung, cung cấm ở vị trí trong cùng. Đình, miếu thôn Hậu Trung nằm ở vị trí thôn Hậu Trung 1, xã Bạch Đằng, huyện Đông Hưng. Khuôn viên khu di tích đã được quy hoạch 1.700m² gồm có đình và miếu chung một sân gạch khá rộng. Đình, miếu Hậu Trung còn lưu giữ được nhiều sắc phong của các triều đại sắc phong Tiền Lý Nam Đế: “Hồng Triệu Nam Bang Kinh Dương Vương thiên tử Lý Nam Đế thánh tổ nhân Hoàng đế Nam Hải Đại Vương Tiền Lý Nam Đế linh nhâm Hoàng Thái Hậu”.

Lý Bí (Tiền Lý Nam Đế) sinh ngày 12 tháng 9 năm Quý Mùi (17-10-503), có tài liệu ghi ông sinh ở huyện Thái Bình, phủ Long Hưng. Cuối năm 541, Lý Bí khởi binh chống nhà Lương, nhận được sự hưởng ứng của rất đông dân nghèo nên lực lượng của Lý Bí lớn mạnh không ngừng. Theo các tài liệu khảo cứu Tù trưởng Chu Diên (Hải Dương) là Triệu Túc cùng con là Triệu Quang Phục đã đem quân nhập với đạo quân của ông. Tinh Thiều, một người xuất chúng từng đến kinh đô nhà Lương xin được làm quan, nhưng nhà Lương khinh miệt chỉ cho chức “gác cổng thành” nên bỏ về Giao Châu theo Lý Bí. Ngoài ra, trong lực lượng của Lý Bí còn có các võ tướng là Phạm Tu, Trịnh Đô, Lý Công Tuấn… Những địa danh gắn với cuộc trường chinh của Tiền Lý Nam Đế đều có đền, miếu, đình thờ ông, những nơi thờ tự linh thiêng này đều có câu đối:

“Nam Đế Lý triều quốc hiệu Vạn Xuân, diên đình lưu tích thánh
Ô Diên cảnh thắng đô thành nhất thế, quán tự hiển thần linh”
Tạm dịch nghĩa:
(Triều Lý Nam Đế, tên nước là Vạn Xuân, ngôi đình lớn ghi lại tích của đức thánh
Thắng cảnh đất Ô Diên một thời là Kinh đô, tất cả sự thờ tự rạng rỡ về sự linh thiêng của thần linh).


Ông Nguyễn Thế Liên, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, trưởng ban quản lý di tích lịch sử văn hóa quốc gia đình, miếu Hậu Trung, thôn Hậu Trung 1, xã Bạch Đằng, huyện Đông Hưng
Đình, miếu Hậu Trung thờ Tiền Lý Nam Đế, vùng đất này xưa kia là Thái ấp Hoàng hậu Đỗ thị, hiện nay ngôi miếu rường cột đang xuống cấp nghiêm trọng, cột chính mọt rỗng nghiêng 5O, nhân dân Hậu Trung rất mong muốn các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện đầu tư, tu bổ đình, miếu Hậu Trung để xứng tầm di tích lịch sử quốc gia.

Cựu chiến binh Nguyễn Duy Thụ, Trưởng thôn Hậu Trung 1, xã Bạch Đằng, huyện Đông Hưng
Do nằm sát bên sông Trà Lý lại xa trục đường chính như quốc lộ 39, các trục đường tỉnh lộ, huyện lộ nên du khách thập phương rất khó tìm đến tham quan, nghiên cứu lịch sử, văn hóa của di tích. Chúng tôi mong các cấp có thẩm quyền quan tâm đặt các biển báo, chỉ dẫn tuyến đường đến khu di tích nhằm phát huy giá trị lịch sử văn hóa và giáo dục truyền thống của di tích.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Lư, thành viên ban quản lý di tích lịch sử văn hóa quốc gia đình, miếu Hậu Trung, xã Bạch Đằng, huyện Đông Hưng
Làng Hậu Trung nay và Thái ấp Thần Hậu thời Tiền Lý Nam Đế là vùng đất trù mật, trong lành, là hậu cứ của nhà Tiền Lý phục vụ công cuộc chống thế lực đô hộ phương Bắc, cụ thể là nhà Lương (Trung Quốc) thế kỷ VI, di tích lịch sử văn hóa đình, miếu Hậu Trung rất cần được khai thác cho các hoạt động du lịch tâm linh của tỉnh và quốc gia.


Quang Viện 

  • Từ khóa