Thứ 4, 27/11/2024, 13:51[GMT+7]

Đại vương sinh thần

Thứ 2, 21/10/2019 | 08:53:00
3,151 lượt xem

Đình Việt Yên được dựng lại sau năm 1954 quy mô nhỏ bé đang xuống cấp nghiêm trọng.

sapo "Theo ngọc phả lưu trữ tại Viện Hán Nôm, miếu làng An Việt, trang An Việt, đạo Sơn Nam nay là đình làng Việt Yên, xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà thờ “Thiên Bồng chủ tể Đại vương” thời Lý Cao Tông (1176 - 1210). Mặc dù được tấn phong “Thiên Bồng” nhưng “thiên thần” này lại là “nhân thần” có thật, huân công lớn dẹp loạn, chặn giặc Chiêm Thành. Ông quê châu Thu Vật, đạo Tuyên Quang được vua Lý Cao Tông phong là “Quan chủ tể đạo Sơn Nam” và sắc cho dân làng An Việt phụng thờ. Khi ông mất, dân làng An Việt tạc thần hiệu “Thiên Bồng Chiêu Dương tướng quân chủ tể Đại vương” thờ trong đình làng. Đình Việt Yên cũng phối thờ “Tứ vị Đại vương” họ Trịnh phò giúp vua Đinh dẹp loạn 12 sứ quân..."

Ngọc phả đình Việt Yên, xã Điệp Nông nguyên bản Hán Nôm (tạm dịch) chép: Đời Ngô Vương (Ngô Quyền 939 - 944) suy vi, triều thần Dương Tam Kha làm phản, 12 sứ quân nổi loạn, cát cứ, xưng hùng, xưng bá, đất nước lâm cảnh loạn ly. Ở trang Tranh Vanh, huyện Đường An, châu Hồng (Hải Dương nay) có nhà họ Trịnh, húy Thông làm ăn lương thiện. Hai ông bà Trịnh Thông và Hoàng Thị húy Ngoạn muộn đường con cái nhưng vẫn chăm làm việc thiện giúp người nghèo khổ. Một lần bà Hoàng Thị húy Ngoạn nằm mộng vớt được ánh sao sa, từ đó mang thai rồi sinh hạ được nam nhi, đặt tên là Trịnh Minh Công. Minh Công lớn lên cũng là lúc bà Hoàng thị lâm bệnh qua đời. Hai cha con Trịnh Thông bồng bế nhau chạy loạn đến trang An Việt, đạo Sơn Nam (nay là làng Việt Yên, xã Điệp Nông) thì dừng lại, xin dân làng cho nương nhờ. Ngẫm cảnh cha con côi cút, dân làng An Việt giúp công, giúp của dựng mái nhà tranh cho hai cha con Trịnh Thông cư ngụ.

Trong chuyến điền dã về làng Việt Yên, xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà sưu tập tư liệu dấu tích vua Đinh thời dẹp loạn 12 sứ quân thống lĩnh sơn hà, nhóm nghiên cứu chúng tôi được ông Nguyễn Quang Lượng, nguyên Bí thư Chi bộ thôn Việt Yên 3 và ông Nguyễn Công Hoan, Bí thư Chi bộ thôn Việt Yên 5 dẫn tham quan dấu tích “Tứ linh miếu” trấn ải 4 góc làng An Việt (cũ) nay là Việt Yên. Theo truyền ngôn 4 ngôi miếu cổ linh thiêng vốn là bốn tiền đồn ở vườn mơ thuộc trang An Việt (cũ) của 4 vị Đại vương họ Trịnh có công lao phò giúp vua Đinh dẹp loạn 12 sứ quân là Trịnh Minh Công, Trịnh Lương, Trịnh Nguyên, Trịnh Khang. Người làng Việt Yên từ xưa khi đặt tên cho con phải kiêng 8 “húy danh” là: Thông, Ngoạn, Hạnh, Minh, Lương, Nguyên, Khang và Bồng (Thiên Bồng). Để lý giải điều kiêng húy này, nhóm nghiên cứu chúng tôi đọc kỹ các bản thần phả, ngọc phả còn lưu giữ được về sự tích đình Việt Yên. Thần phả, ngọc phả chép: Trịnh Thông (người trang Tranh Vanh, huyện Đường An, châu Hồng) đến nương nhờ An Việt, lưu lại dạy học cho con trẻ trong làng. Năm tháng trôi đi, các học trò lớn lên, cảm thấu tình nghĩa của thầy bèn họp nhau lại tìm cách giúp thầy bớt cảnh cô đơn. Hồi ấy, xứ Khả Lang, tổng Hà Lý (nay là thôn Khả Lang, xã Dân Chủ) có thôn nữ họ Trần, húy Hạnh, hiệu là Từ Chất, mới 20 tuổi đã góa bụa. Hạnh nương có nhan sắc, quán trà Hạnh nương bên sông lúc nào cũng nườm nượp khách. Các đệ tử trường môn nói với thầy Thông kết mối tơ duyên cùng Hạnh nương. Thầy Thông đồng ý, các môn sinh ướm hỏi Hạnh nương cũng đồng ý. Chọn ngày lành, tháng tốt, hôn lễ được tổ chức, Trịnh Thông và Trần Hạnh nương duyên hài cầm sắt, uyên ương lữ hợp. Một đêm, Hạnh nương dựa án chiêm bao thấy ba con rồng trên trời bay xuống, đậu trước hiên nhà biến thành ba con chim Khổng Tước. Từ đấy, Hạnh nương thai nghén. Sau 13 tháng mang thai, chọn ngày Dần, tháng Chạp, năm Nhâm Tý sinh hạ một bọc, bọc nở ra ba hài nhi. Trịnh Thông và Hạnh nương vui mừng khôn xiết, đặt tên con là Trịnh Lương, Trịnh Nguyên và Trịnh Khang. Ba người con trai lớn nhanh như thổi, tướng mạo phi phàm, 10 tuổi học một biết mười, thông thạo cung kiếm. Năm 17 tuổi song thân phụ mẫu của Minh Công (anh cùng cha khác mẹ), Lương, Nguyên, Khang bỗng dưng bạo bệnh qua đời. Bốn anh em thương xót an táng song thân phụ mẫu rồi thỏa chí tang bồng mộ binh cát cứ, uy thanh đại chấn, anh hùng hào kiệt bốn phương tìm theo. Truyền rằng thuở ấy, Ngô sứ quân (trong loạn 12 sứ quân) cát cứ Trường Châu nghe tin uy danh của bốn anh em liền đem binh đến dụ quy hàng. Bốn anh em họ Trịnh bất hợp tác liền bị Ngô sứ đem quân vây ráp, càn quét, phá phách xóm làng. Bốn anh em chia nhau thiết lập đồn doanh bốn nơi chống trả Ngô sứ quân. Minh Công lập đồn lũy cửa Chùa, Lương Công lập đồn lũy cửa Triệu, Nguyên Công lập đồn lũy cửa Kình còn Khang Công lập đồn lũy bến Bên. Ngô sứ quân dấy binh chinh phạt đều thất bại. Liên tục nhiều ngày không thắng nổi, Ngô sứ quân đành rút quân, xóm làng trở lại bình yên, nhân dân biết ơn bốn anh em họ Trịnh. Tiếng lành đồn xa, Đinh Bộ Lĩnh ở Hoa Lư (Ninh Bình nay) nghe tiếng bốn anh em họ Trịnh đánh bại Ngô sứ quân cát cứ Trường Châu mừng lắm bèn sai Đinh Điền đến chiêu mộ. Bốn anh em họ Trịnh nghe tiếng thủ lĩnh cờ lau đã lâu, nay có đại thần Đinh Điền trực tiếp đến chiêu mộ liền nghe theo. Đinh Bộ Lĩnh phong Trịnh Minh Công là Quân giới Nguyên soái tướng quân, Trịnh Lương Công làm Thống Soái tướng công, Trịnh Nguyên Công làm Giám sát tướng quân, Trịnh Khang Công làm Thượng dũng sứ. Bốn ông nhận lệnh dẫn quân đến Châu Phong nghênh chiến với Kiều Công Hãn, qua vài trận giao chiến đã chém được đầu Kiều Công Hãn, quét sạch tàn quân. Dẹp xong loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh thu quân về Hoa Lư lên ngôi Hoàng Đế, mở tiệc khao quân, gia phong tướng sĩ. Bốn ông được Đinh Tiên Hoàng phong chức: Chưởng Thiên Quan, gia phong “Đại Vương Sinh thần” (Được thờ phụng ngay khi còn sống), ban cho trang An Việt làm nơi hương hỏa phụng thờ Tứ vị Đại vương họ Trịnh khi bốn ông mất. Đất nước ca khúc khải hoàn, bốn anh em họ Trịnh dâng biểu xin vua Đinh cho về trang An Việt xây dựng sinh từ, Đinh Tiên Hoàng chuẩn y, ban hơn trăm cân vàng, bạc, châu báu. Bốn ông về An Việt mở hội khao dân làng, truyền cho xây dựng bốn sinh từ, lập hội đồng cung chính giữa cung doanh. Việc xây dựng xong xuôi, bốn ông lại mở tiệc ba ngày mừng công, ban cho dân làng 50 hốt vàng, sai mua ruộng, ao làm của công. Bữa tiệc cuối, bốn ông cùng ngồi uống rượu, ngâm thơ, bỗng dưng trời nổi giông gió, mây đen kéo đến ùn ùn, mưa như trút nước. Đến đêm, mưa tạnh gió ngưng, trời quang trăng sáng, dân làng không thấy bốn ông đâu, chỉ còn khăn áo ở lại. Dân làng kinh hãi tấu lên Đinh Tiên Hoàng. Đinh Tiên Hoàng vô cùng thương xót nghĩ đến huân lao của bốn ông liền phong “Tứ vị Đại vương”, Trịnh Minh Công là “Thiên Quan đương đình” sắc kiếm “Kiêm nghị Thượng đẳng thần Quản giới nguyên súy Tướng quân Đại vương”; Lương Công làm “Thiên ứng Trung Quốc thanh cảnh tự nhiên Thống suất Tướng quân Triết Việt Đại vương”; Nguyên Công làm “Thiên quan Long Kiều Giám sát Tướng quân Nghiêm nghị Đại vương”; Khang Công làm “Thiên quan Hùng tài Đại lược Thượng dũng Tướng quân An quốc Đại vương”; vua sai sứ đón Thần sắc về xã Việt Yên làm lễ tế long trọng, ban cho dân làng Việt Yên ghi Thần hiệu để phụng thờ.

Trải các triều đại Đinh, Lý, Trần, Lê, Nguyễn... các bậc đế vương đều gia phong mỹ tự Thượng đẳng phúc thần cho “Tứ vị Đại vương Trịnh công” để dân làng Việt Yên bốn mùa hương hỏa muôn đời...


Ông Nguyễn Công Hoan, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận thôn Việt Yên 5, xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà
Theo các bậc cao niên, đình Việt Yên trước năm 1954 là một công trình kiến trúc nghệ thuật chạm khắc gỗ độc đáo, quy mô đồ sộ từng là nơi hoạt động của cán bộ cách mạng, do vậy thực dân Pháp đã nã pháo từ bên Hưng Yên sang phá hủy hoàn toàn. Sau hòa bình lập lại năm 1954, nhân dân làng Việt Yên góp công, góp của dựng lại ngôi đình hương hỏa phụng thờ “Thiên Bồng Chiêu Dương tướng quân chủ tể Đại vương” và “Tứ vị Đại vương họ Trịnh” như hiện trạng.

Ông Nguyễn Quang Lượng, nguyên Bí thư Chi bộ, nguyên Trưởng ban công tác mặt trận thôn Việt Yên 3, xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà
Làng Việt Yên rất rộng, hiện được chia thành 5 thôn. Đình Việt Yên nằm giữa làng Việt Yên có khu vườn mơ, bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc có 4 ngôi miếu cổ linh thiêng. Nhân dân Việt Yên rất mong các cấp chính quyền quan tâm, con em trong làng, ngoài xã tâm đức phục dựng lại đình Việt Yên cho xứng với truyền thống lịch sử, văn hóa của trang An Việt xưa.

Ông Nguyễn Duy Sim, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà
Khi giặc Pháp nã pháo hủy diệt ngôi đình nhân dân Việt Yên đã khuân bia đá, cột đá, bậc thềm đá... ném xuống ao để bảo tồn. Sau này, ao đình bị san lấp lấy đất làm nhà ở cho người dân nên hệ thống bia đá, cột đá, bậc thềm đá khắc ghi bi ký vẫn còn nằm dưới đáy ao.

Quang Viện

  • Từ khóa