Thứ 2, 06/01/2025, 21:00[GMT+7]

Làng không cấy lúa

Thứ 2, 11/11/2019 | 09:21:33
3,712 lượt xem
Làng Quang Lang có tên nôm là làng Góp, dân gian truyền tụng Quang Lang là “làng nguyên chất” của ngư dân ven biển của cả nước bởi có nét đặc trưng nghề truyền thống là diêm nghiệp và ngư nghiệp, tuyệt nhiên làng không cấy lúa.

Làm muối, đánh bắt cá tôm, chế biến hải sản là “sinh nghệ” của nhân dân làng Quang Lang.

“Mang tiếng” là làng ở tỉnh thuần nông nhưng đôi bàn tay người dân Quang Lang, xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy chỉ quen với mái chèo khua sóng dữ mà chẳng hề biết nâng đọt mạ cấy xuống cánh đồng đất bãi ven sông, họ lấy sinh nghệ chắt vị mặn mòi của biển làm muối, đánh bắt cá tôm làm mắm, theo con nước đu thuyền trong lộng ngoài khơi... Người dân Quang Lang có đời sống tinh thần phong phú, hầu như quanh năm làng có lễ hội, đặc biệt lễ hội phồn thực “Ông Đùng, bà Đà”; rước “Cầu vọng”; “Rước nước, reo ống”; “Vật trâu ba đình” và tục thờ bà chúa Muối..."

Làng Quang Lang có tên nôm là làng Góp, dân gian truyền tụng Quang Lang là “làng nguyên chất” của ngư dân ven biển của cả nước bởi có nét đặc trưng nghề truyền thống là diêm nghiệp và ngư nghiệp, tuyệt nhiên làng không cấy lúa. Diêm nghiệp gắn với tục thờ bà chúa Muối, bà chúa có tên thật là Nguyễn Thị Nguyệt Ảnh, đệ tam cung phi nhà Trần. Ngư nghiệp chủ yếu là đánh bắt và chế biến hải sản. Diêm nghiệp và ngư nghiệp có cội nguồn hình thành và phát triển gắn chặt với lịch sử của làng cùng các tục lệ kiêng kỵ và những lễ hội làng đặc sắc.

Từ thời nhà Lê, thế kỷ XV, làng Quang Lang được chia làm 3 thôn (thôn Đông, thôn Đoài và Tam Đồng), trải qua bao thăng trầm của lịch sử, làng Quang Lang vẫn giữ “nguyên chất” một làng quê của biển, tuy vẫn mang hình thái của làng nhưng Quang Lang không có bất cứ hoạt động nào liên quan đến sản xuất nông nghiệp. Quang Lang đất không rộng nhưng dân số khá đông vì thế diện tích nhà ở cho mỗi hộ dân ở Quang Lang rất khiêm tốn. Đi trong làng có cảm giác như đang len lỏi trong phố cổ chật hẹp. Đặc trưng lao động dễ nhận thấy là đàn ông đi biển, phụ nữ, trẻ em ở nhà tham gia chế biến hải sản... Trong chuyến điền dã mới đây về làng Quang Lang tìm hiểu về một số tục lệ kiêng kỵ đi biển của ngư dân, tôi được bà Tạ Thị Thảo, 86 tuổi, thôn Quang Lang Đông, người dành nhiều tâm sức đóng góp cho hoạt động phục dựng các lễ hội làng Quang Lang như tục thờ bà chúa Muối, lễ hội ông Đùng, bà Đà và nhiều nghi lễ dân gian khác... dẫn đi tham quan các di tích lịch sử đền bà chúa Muối, chùa Hưng Quốc, miếu Ba Thôn, từ đường Nguyễn Hữu, Nguyễn Khắc... Đến thăm từ đường Nguyễn Hữu ở thôn Quang Lang Đông, nơi phụng thờ tổ nghề cá Quang Lang nổi bật giữa từ đường là đôi câu đối tạm dịch là:

Mở đất khai trang xây nhất miếu
Đóng thuyền, truyền nghiệp dựng tam thôn

Truyền ngôn, thời kỳ loạn 12 sứ quân, ông tổ nghề cá Quang Lang là Nguyễn Hữu Thắng vốn là “con độc” trong gia đình nho giáo trấn Sơn Tây, chẳng may bố mẹ mất sớm, ông thả thuyền trôi theo dòng sông rồi dạt vào vùng đất bên bờ biển này. Đêm ấy trên thuyền, ông nằm mộng chiêm bao thấy thần linh hiện lên mách bảo dựng nghiệp đất này sẽ “đa đề phúc lộc”. Sáng dậy, ngắm vùng đất bồi trù mật, ông bèn theo lời chỉ dạy của thần linh dựng lều mưu sinh. Vài ngày sau, dân chài ở khắp nơi nườm nượp kéo đến quần tụ cùng ông thành xóm vạn chài. Vốn có chút kinh nghiệm đánh bắt cá thuở còn bên cha theo học nghề ở làng cũ, ông truyền dạy cho mọi người. Thiên nhiên ưu đãi, cá tôm có thừa, khổ nỗi mọi người trong làng vẫn đói vì không có gạo ăn, ông liền chặt thân cây Báng (tên chữ là Quang Lang) đập dập, lấy bột trong thân cây làm bánh ăn thay cơm gạo. Mọi người học theo ông và cái tên Quang Lang cũng hình thành từ ngày ấy. Theo tài liệu khảo cứu về tục thờ bà chúa Muối, thời nhà Trần, đời vua Trần Anh Tông (1293 - 1314), ở trang Quang Lang có gia đình bốn đời làm nghề muối, chồng là Nguyễn Văn Minh, vợ là Tạ Thị Kiều, gia đình hòa thuận, “xóm dưới, làng trên” tôn kính, hiềm nỗi đã ngoại tứ tuần mà chưa có con. Một đêm, gió đông thổi nhẹ, trăng dát vàng đáy nước, bà Kiều ngủ mơ nuốt được ánh trăng vàng. Từ đó bà mang thai, đến kỳ mãn nguyệt, bà sinh hạ một nữ nhi gương mặt sáng như trăng rằm, mắt lá răm, lông mày lá liễu, môi đỏ như son. Nhớ lại giấc mộng, bà liền đặt tên con là Nguyệt Ảnh (ánh trăng). Nguyệt Ảnh càng lớn càng xinh đẹp, mỗi khi cô ra đồng muối cùng mẹ cha, mây trắng kết trên đầu thành chiếc lọng khổng lồ che kín ruộng muối. Không có nắng, nước biển không kết tinh thành muối nên dân làng oán thán. Cha mẹ Nguyệt Ảnh biết chuyện ngày đêm sầu não, thương con phải quanh quẩn trong nhà, chỉ biết giấu trong lòng. Một ngày nọ, cha Nguyệt Ảnh đóng chiếc thuyền để Nguyệt Ảnh mang muối đi bán ở các trấn thành cho khuây khỏa. Rồi một ngày, thuyền muối của Nguyệt Ảnh đến kinh đô Thăng Long, trời đang vàng nắng bỗng đám mây ngũ sắc kéo đến che kín thuyền của Nguyệt Ảnh, thuyền đi đến đâu, lọng mây đi theo đó, đám trẻ đang chơi đùa bên sông thấy lạ liền hát khúc đồng dao: “Ông Trời năm sắc/Che đóa phù dung/Đợi bến Triều Đông/Trần vương biết hay không?”. Khúc hát đồng dao của lũ trẻ cứ lặp đi lặp lại, vang đến tận cung đình. Vua Trần Anh Tông đang thiết triều nghe thấy khúc đồng dao cũng thấy làm lạ, liền sai thị vệ ra ngoài nắm tình hình. Thị vệ thấy cảnh đám mây ngũ sắc lạ lùng che thuyền cho người con gái bán muối, gương mặt đẹp tựa Hằng Nga cùng khúc đồng dao đầy ý nhắn gửi nhà vua mà lũ trẻ đang hát râm ran liền về cung bẩm báo. Vua Trần Anh Tông bèn sai kiệu rồng ra bến sông rước người con gái về cung. Chợt nhìn thấy nhan sắc Nguyệt Ảnh đẹp tựa trăng rằm, tiếng oanh tựa chuông vàng, vua lấy làm ưng ý liền lập làm đệ tam cung phi. Nguyệt Ảnh hầu cận vua Anh Tông trong ngọc ngà, nhung lụa nhưng chốn phồn hoa chẳng làm Nguyệt Ảnh vui. Tiếng oanh vàng như thưa nhạt bởi nỗi lòng khắc khoải nhớ quê, nhớ cánh đồng muối Tam Đồng chiều tà đổ bóng nhuộm vàng khay muối trắng. Bỗng nghe tin thân phụ Nguyệt Ảnh bạo bệnh qua đời, Nguyệt Ảnh xin vua cho về quê chịu tang. Cha mất, tóc mây Nguyệt Ảnh biếng chải, trâm ngọc biếng cài, oanh vàng lặng im, thấy vậy thân mẫu lo lắng, liền cho tiền lũ trẻ mục đồng bày trò cho Nguyệt Ảnh vui. Một chiều, lũ trẻ chăn trâu bày trò “mặt trắng, mặt đỏ” đứa cầm gốc dứa, đứa cầm mo cau chơi trò “tinh, tinh... phập”. Nguyệt Ảnh đang buồn bỗng thấy vui, cười ngất ngây cho đến lúc lịm đi... Hương chức trang Quang Lang thấy vậy liền tức tốc về kinh báo tin dữ cho vua. Vua Trần Anh Tông vô cùng thương xót liền sai bộ Lễ về trang Quang Lang làm lễ an táng, lại sai bộ Công về xây lăng mộ, đền thờ, vua sắc phong “Nhất truy phong Từ ý Thái hòa Đệ tam cung phi Linh ứng Tôn thần”, sắc cho làng Quang Lang hương khói phụng thờ “bà chúa Muối”...

Làng Quang Lang tuy nhỏ về quy mô nhưng đậm đặc thiết chế và tầng sâu trầm tích văn hóa. Làng có miếu Ba Thôn (di tích lịch sử cấp quốc gia) thờ Nguyễn Quảng Lại một tướng tài triều Đinh đã từng cùng các tướng tài giỏi khác phò Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân thống nhất “Tĩnh hải quân” (tên gọi nước ta thời Bắc thuộc) và được phong giữ chức Thủy đạo đại tướng quân. Trong một lần cùng Đinh Bộ Lĩnh truy đuổi tàn quân của Kiều Công Hãn ông đã mất tích; vài ngày sau, thi thể ông trôi về cửa biển Diêm Hộ rồi được người dân làng chài trang Quang Lang vớt lên chôn cất và thờ cúng. Theo thần phả, Nguyễn Quảng Lại là con trai duy nhất của gia đình họ Nguyễn tên húy cha là Đạo và thân mẫu Dương Thị Hòa, người trang Thịnh Liệt, huyện Tiên Phong, tỉnh Sơn Tây.

Bà Tạ Thị Thảo, 86 tuổi, thôn Quang Lang Đông, xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy

Trong quá trình sưu tầm tư liệu dân gian về các tục lệ thờ cúng bà chúa Muối từ năm 1990 đến năm 2000, tôi cùng nhiều cán bộ văn hóa của huyện, của tỉnh đã dày công phục dựng lễ hội, trò diễn xướng dân gian múa “Ông Đùng, bà Đà”, rước nước, reo ống... và nhiều nghi lễ thực hành tín ngưỡng khác liên quan đến tục thờ bà chúa Muối, Đệ tam cung phi của vua Trần Anh Tông.

Ông Nguyễn Khắc Hồi Xuân, hậu duệ đời thứ 23, đại diện dòng tộc Nguyễn Khắc, thôn Quang Lang Đoài, xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy

Mới đây, bằng nguồn vốn xã hội hóa, từ đường Nguyễn Khắc thờ song thân phụ mẫu bà chúa Muối Đệ tam cung phi Nguyễn Thị Nguyệt Ảnh tại thôn Quang Lang Đông cũng được xây dựng mới trên nền đất từ đường cũ vốn nhỏ hẹp và xuống cấp, góp phần khôi phục, phát huy lịch sử văn hóa truyền thống của làng Quang Lang nói riêng và xã Thụy Hải nói chung.

Ông Nguyễn Hữu Nam, trưởng tộc họ Nguyễn Hữu, thôn Quang Lang Đông, xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy
Cụ tổ Nguyễn Hữu chúng tôi chính là người có công phát hiện khúc gỗ trôi dạt trên sông Diêm Hộ có thi thể đại tướng quân Nguyễn Quảng Lại bám vào, cụ hô hào dân làng ra vớt và làm lễ an táng cho đại tướng quân. Khúc gỗ được tạc tượng đại tướng quân thờ trong miếu Ba Thôn.


Quang Viện


  • Từ khóa