Thứ 4, 24/07/2024, 20:17[GMT+7]

Phụ nữ quê lúa Giữ gìn phát huy phẩm chất đạo đức “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”

Thứ 6, 06/07/2012 | 15:58:02
9,878 lượt xem
Bước vào thời kỳ CNH, HĐH đất nước, do tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường, ảnh hưởng tiêu cực của mở cửa, hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, quan niệm về các giá trị đạo đức truyền thống đang dần bị phai mờ trong nhận thức và lối sống của một bộ phận phụ nữ. Tuy nhiên, trên quê lúa, chị em phụ nữ luôn nhận được sự giáo dục, vận động của tổ chức Hội, không ngừng giữ gìn, phát huy phẩm chất đạo đức “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”.

Phụ nữ xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương với nghề chạm bạc truyền thống. Ảnh: Ngọc Linh

Trong tiến trình lịch sử của dân tộc, với thiên chức làm mẹ, “nội tướng” trong gia đình, phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ Thái Bình nói riêng đã có những đóng góp đáng kể chiến thắng giặc ngoại xâm, thống nhất hai miền Nam - Bắc, xây dựng đất nước đẹp giàu, kết tinh nên những phẩm chất đạo đức truyền thống của người phụ nữ: Yêu nước, anh hùng, đảm đang, nhân ái, nghĩa tình, thủy chung và giàu đức hy sinh.

Bước vào thời kỳ CNH, HĐH đất nước, do tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường, ảnh hưởng tiêu cực của mở cửa, hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, quan niệm về các giá trị đạo đức truyền thống đang dần bị phai mờ trong nhận thức và lối sống của một bộ phận phụ nữ. Tuy nhiên, trên quê lúa, chị em phụ nữ luôn nhận được sự giáo dục, vận động của tổ chức Hội, không ngừng giữ gìn, phát huy phẩm chất đạo đức “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”.

Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang là những phẩm chất đạo đức truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Tuy nhiên, bước vào thời kỳ CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế, các phẩm chất đạo đức ấy được bổ sung những nội dung mới với các biểu hiện cụ thể, phù hợp với yêu cầu của giai đoạn hiện nay. Theo đó, tự tin, nghĩa là tin vào bản thân mình, sẵn sàng vượt lên trên định kiến giới, dám nghĩ, dám làm, dám tin vào khả năng thành công. Tự trọng là coi trọng phẩm giá, danh dự của bản thân. Trung hậu là trung thành, trung thực, nhân hậu. Đảm đang, theo quan niệm cũ là chỉ người phụ nữ đảm việc nhà, giỏi giang trong gánh vác công việc gia đình. Ngày nay, đảm đang là khả năng quán xuyến việc nước, việc nhà. Người phụ nữ đảm đang là người biết sắp xếp hài hòa công việc gia đình và công việc xã hội. Bốn phẩm chất này nếu tu dưỡng, rèn luyện được sẽ góp phần thể hiện vai trò làm vợ, làm mẹ của người phụ nữ, đồng thời khẳng định vị thế của chị em trong gia đình, cộng đồng và xã hội.

Trong giai đoạn hiện nay, việc phát huy những phẩm chất đạo đức ấy càng có ý nghĩa hơn. Đối với bản thân người phụ nữ, có 4 phẩm chất ấy sẽ giúp nắm bắt cơ hội, tận dụng những yếu tố tích cực, tránh những tác động tiêu cực của thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập, vượt qua những thách thức khó khăn để trở thành người phụ nữ thành công trong cuộc sống và sự nghiệp, hướng người phụ nữ sống thiện, sống đẹp, sống có ích. Khi vai trò, vị trí của phụ nữ được nâng lên, chị em có thể đóng góp nhiều hơn cho đất nước. Đối với mỗi gia đình, 4 phẩm chất đạo đức đó còn giúp chị em thực hiện tốt vai trò của người vợ đảm, người mẹ hiền, từ đó tác động tích cực tới các thành viên trong gia đình, tạo cơ sở để xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc bền vững. Đối với cộng đồng, Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang giúp người phụ nữ có thể thực hiện tốt trách nhiệm công dân, tác động tích cực tới cộng đồng, xã hội, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước.

Trước những yêu cầu ngày càng cao của thời kỳ CNH, HĐH đất nước, để có được 4 phẩm chất đạo đức Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang, người phụ nữ cần phải cố gắng nỗ lực, phấn đấu không ngừng. Trước hết, mỗi chị em cần nhận thức đúng, đầy đủ về 4 phẩm chất và sự cần thiết phải rèn luyện để có được những phẩm chất đó. Sẵn sàng vượt qua định kiến giới, vượt qua những trở ngại của bản thân, dám nghĩ, dám làm, luôn quan tâm đến lợi ích xã hội, tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, tự xác định nhu cầu, mục đích học tập, lựa chọn nội dung và loại hình học tập thích hợp; có ý thức học tập suốt đời, bằng nhiều hình thức để nắm vững chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; nội quy, hương ước của tập thể, cộng đồng; thực hành phương pháp khoa học trong nuôi dạy con và chăm sóc gia đình; tự soi xét bản thân hàng ngày và tu dưỡng suốt cả cuộc đời.

Hàng năm, có trên 90% phụ nữ được tiếp cận nâng cao kiến thức mọi mặt, trên 70% hội viên đạt 3 tiêu chuẩn của phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, 75% hội viên đạt danh hiệu phụ nữ xuất sắc, gần 30 nghìn nữ cán bộ CNVC &LĐ đạt danh hiệu “Hai giỏi”, 56,9% cán bộ Hội đạt “Cán bộ hội phụ nữ cơ sở giỏi”. Để gìn giữ và không ngừng phát huy những phẩm chất đạo đức truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ, mỗi một cán bộ, hội viên, phụ nữ Thái Bình ra sức học tập, rèn luyện theo 4 phẩm chất đạo đức Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang, đồng thời phát huy vai trò nòng cốt trong việc tuyên truyền để các phẩm chất đạo đức tốt đẹp ấy có sức lan tỏa rộng khắp trong toàn xã hội. Làm được điều đó có nghĩa là Thái Bình đã góp sức vào thành công của Đề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước” giai đoạn 2010    - 2015.

Thu Hiền

 

  • Từ khóa