Thứ 7, 23/11/2024, 08:27[GMT+7]

Phát huy hiệu quả hệ thống camera thông minh

Thứ 5, 30/05/2024 | 21:18:51
4,983 lượt xem
Sau hơn 3 năm triển khai ứng dụng, hệ thống camera thông minh giám sát giao thông, an ninh của tỉnh đã phát huy hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn.

Cán bộ bộ phận xử lý vi phạm cung cấp video, hình ảnh vi phạm cho chủ phương tiện.

Video: 070624-PHAT_NGUOI_ATGT.mp4?_t=1717754211

Chuyển biến về ý thức của người dân

Hình thức “phạt nguội” đã góp phần làm chuyển biến ý thức và trách nhiệm của người tham gia giao thông, nhất là đối với tài xế xe ô tô. Bên cạnh đó, việc cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin bằng hệ thống camera giám sát đã góp phần hỗ trợ đắc lực cho lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) kiểm soát trật tự ATGT, ngăn ngừa tai nạn giao thông (TNGT) và giúp lực lượng chức năng khác giám sát việc bảo đảm an ninh, theo dõi, phát hiện đối tượng phạm tội trên địa bàn. 

Anh Nguyễn Quốc Trung, xã Nam Trung (Tiền Hải) là lái xe tải gần 20 năm, thường xuyên chở hàng từ huyện Tiền Hải lên thành phố Thái Bình chia sẻ: Trước đây, tôi cũng như nhiều tài xế khác có thói quen xấu, cứ thấy có CSGT thì mới chấp hành quy định. Phần vì dựa vào quan sát thấy đường vắng, phần vì tận dụng thời gian nên nhiều khi chạy quá tốc độ, chèn vạch, lấn làn… Nhưng từ khi có camera giám sát giao thông, chúng tôi không ai bảo ai đều tự giác tuân thủ các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông.

Được phân công công tác tuần tra, xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự ATGT tại khu vực ngã tư Trần Thái Tông - Lý Bôn nhiều năm nay, Thiếu tá Bùi Văn Đô, Đội CSGT trật tự, Công an thành phố Thái Bình đánh giá: Từ khi hệ thống camera thông minh được lắp đặt, tình trạng va chạm, TNGT cũng như vi phạm trật tự ATGT tại khu vực này đã giảm hẳn, đặc biệt là tình trạng xe khách dừng, đỗ đón trả khách không đúng nơi quy định.

Phụ trách bộ phận xử lý vi phạm, thuộc Phòng CSGT, Công an tỉnh từ khi mô hình được triển khai đến nay, Trung tá Nguyễn Thị Phương Thảo, Đội tuyên truyền và xử lý vi phạm, Phòng CSGT là người am hiểu nhất những ưu điểm, hạn chế tồn tại của mô hình này. 

Trung tá Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ: Trước đây, bộ phận xử lý vi phạm “phạt nguội” có 4 cán bộ, chiến sĩ, mỗi ngày phải xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm, nhưng thời gian gần đây, bộ phận gồm 2 cán bộ, chiến sĩ chia làm 2 ca trực; các trường hợp vi phạm giảm hẳn, cá biệt có tuần chỉ vài trường hợp. 

Theo Trung tá Nguyễn Thị Phương Thảo, điều đáng mừng nhất từ khi triển khai hệ thống “phạt nguội” đến nay là số trường hợp vi phạm ghi nhận đang giảm dần theo từng năm. Cụ thể, năm 2021 hệ thống ghi nhận trên 3.400 trường hợp vi phạm; năm 2022, giảm còn khoảng 2.100 trường hợp; năm 2023 chỉ còn khoảng 1.300 trường hợp.

Có thể nhận thấy hiệu quả của việc lắp đặt camera “phạt nguội” trên toàn quốc nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng không chỉ là “liều thuốc” điều trị hiệu quả hành vi cố tình vi phạm Luật Giao thông đường bộ khi không có lực lượng chức năng mà còn góp phần giảm thiểu TNGT.

Chủ phương tiện vi phạm nộp phạt vi phạm hành chính tại bộ phận xử lý vi phạm (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh). 

Không “vùng cấm”, không “ngoại lệ” trong xử lý vi phạm

Theo số liệu thống kê của Phòng CSGT, Công an tỉnh, sau 3 năm triển khai, hệ thống camera thông minh đã phát hiện 7.213 trường hợp xe ô tô vi phạm; cơ quan chức năng đã gửi thông báo đến chủ phương tiện, yêu cầu người điều khiển đến nộp phạt theo quy định. Trong đó, tiến hành lập biên bản, ra quyết định thi hành xử phạt vi phạm hành chính 2.463 trường hợp (chiếm tỷ lệ 34%), phạt tiền hơn 8,8 tỷ đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn 1.978 trường hợp. 

Thượng tá Lê Đức Cường, Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh cho biết: Trên thực tế, không ít người có định kiến về việc “xin - cho” trong xử lý vi phạm giao thông, thiếu tin tưởng vào việc giải quyết của lực lượng chức năng nên đôi khi xảy ra những hiểm lầm hoặc cự cãi không đáng có giữa CSGT và người vi phạm. Tuy nhiên, khi sử dụng thiết bị, quá trình phát hiện và xác định phương tiện vi phạm được tiến hành hoàn toàn tự động, không cần sự can thiệp của con người. Dữ liệu từ camera được kết nối lên hệ thống của Cục CSGT, không chỉ riêng CSGT quản lý mà có tính kết nối rộng đến nhiều đơn vị khác để kiểm tra chéo, cùng giám sát xử lý vi phạm, tạo sự công bằng, minh bạch, không có “vùng cấm”, không có “ngoại lệ” trong xử lý vi phạm.

Việc mở rộng lắp đặt hệ thống camera giám sát nhằm bảo đảm an ninh trật tự nói chung và trật tự ATGT nói riêng, tạo môi trường an toàn cho người dân khi tham gia giao thông đang được Công an tỉnh Thái Bình tiếp tục triển khai trên địa bàn toàn tỉnh. 

Cụ thể, sẽ triển khai thêm 4 điểm phạt nguội mới là: Ngã tư Môi - thị trấn An Bài (Quỳnh Phụ); ngã ba thị trấn Đông Hưng - chân cầu Nguyễn, thị trấn Đông Hưng; chân cầu Hòa Bình - quốc lộ 10 và cầu Sa Cát 2, quốc lộ 10. 

Đại tá Vũ Mạnh Hà, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Bên cạnh việc tiếp tục duy trì 6 điểm camera giám sát tại thành phố Thái Bình, Công an tỉnh đang phối hợp với các sở, ngành chức năng tiến hành rà soát các điều kiện về cơ sở vật chất, hệ thống tổ chức giao thông bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định để triển khai đưa vào xử phạt nguội tại 4 địa điểm trên. Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo công an các huyện, thành phố tận dụng các camera an ninh sẵn có ở các địa phương, thậm chí cả các camera của người dân để kết nối trong xử lý giao thông.

Với hiệu quả và lợi ích thiết thực được đánh giá, camera giám sát giao thông được xem là giải pháp hữu hiệu hỗ trợ đắc lực trong việc bảo đảm ATGT và nâng cao ý thức tham gia giao thông của mọi người dân.

Nguyễn Thơi