Thứ 2, 25/11/2024, 01:54[GMT+7]

Đổi đời nhờ phát triển kinh tế gia trại

Thứ 5, 13/06/2024 | 09:44:42
2,194 lượt xem
Năm 2001, gia đình bà Trần Thị Toán, thôn Xuân La, xã Độc Lập (Hưng Hà) mạnh dạn tham gia vùng chuyển đổi ở địa phương. Sau nhiều năm đầu tư xây dựng mô hình gia trại tổng hợp, gia đình bà thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Chi hội Phụ nữ thôn Xuân La, xã Độc Lập trao tặng gà giống và thức ăn chăn nuôi cho hội viên khó khăn.

Trước đây, thu nhập của gia đình bà Toán chỉ trông vào mấy sào ruộng và chăn nuôi nhỏ lẻ nên không đủ trang trải cho cuộc sống. Khi địa phương có cơ chế khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, gia đình bà Toán đã mạnh dạn tham gia. Với diện tích chuyển đổi hơn 2,7 mẫu, bà bàn với chồng tính toán lấy ngắn nuôi dài, đầu tư xây dựng chuồng trại, đào ao thả cá. Diện tích lớn nhưng vốn không có, thời gian đầu, gia đình bà chỉ nuôi 20 con lợn. Sau đó được vay vốn từ ngân hàng, qua các năm quy mô đàn lợn thịt của gia đình bà Toán ngày càng tăng lên, có thời điểm gia trại nuôi hơn 100 con lợn, gần 1.000 con gà, vịt. 

Cùng với chăn nuôi gia súc, gia cầm, gia đình bà cải tạo hơn 1 mẫu mặt nước, nuôi cá giống và cá thương phẩm. Diện tích đất còn lại, bà trồng các loại cây ăn quả, rau màu, các loại hoa phục vụ thị trường những ngày lễ, tết. Theo bà Toán, khó khăn với gia đình bà khi khởi nghiệp là thiếu kinh nghiệm chăn nuôi; chăn nuôi lợn thì giá thức ăn lúc nào cũng cao, khi được bán lợn thịt thì thị trường lại rớt giá; rồi dịch bệnh, có năm bị thua lỗ. Khó khăn là vậy nhưng vợ chồng bà Toán vẫn kiên trì gây dựng gia trại. Những thất bại ban đầu ấy đã giúp vợ chồng bà đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm cho quá trình chăn nuôi sau này. Hiện gia đình bà chăn nuôi theo hình thức phân khu, gối lứa, bảo đảm lúc nào cũng có lợn, gà, vịt xuất bán. 

Để chủ động được các khâu trong chăn nuôi, trồng trọt, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế, vợ chồng bà Toán đã tích cực tham gia các lớp tập huấn kiến thức chăn nuôi, thú y, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản do hội nông dân, hội liên hiệp phụ nữ các cấp tổ chức. Đồng thời, chịu khó học hỏi thêm kinh nghiệm chăn nuôi từ trang trại của bà con các địa phương và qua các phương tiện thông tin đại chúng. Vợ chồng bà cũng sử dụng các chế phẩm vi sinh góp phần bảo vệ môi trường, tăng sức đề kháng cho đàn gia súc, gia cầm, giảm công sức lao động. 

Có công trồng cây, có ngày hái quả, những năm đầu, gia đình bà Toán thu lãi chỉ vài chục triệu đồng/năm thì gần đây gia trại cho thu lãi từ 200 - 300 triệu đồng/năm. Nói về những dự định trong thời gian tới, bà Toán cho biết sẽ tiếp tục cải tạo chuồng trại chăn nuôi, tìm hiểu một số vật nuôi mới đưa về gia trại, đồng thời phát triển trồng cây ăn quả đặc sản. 

Bà Bùi Thị Hương Quyến, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Độc Lập đánh giá: Với sự nỗ lực, sáng tạo trong lao động sản xuất, mô hình gia trại của gia đình bà Toán đã cho hiệu quả kinh tế cao, là điển hình sản xuất, kinh doanh được chị em phụ nữ đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế gia đình, bà Toán còn là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Xuân La, tổ chức tốt các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em địa phương. Gia đình bà còn tích cực ủng hộ các phong trào, hoạt động của địa phương, đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” nhiều năm liền.

Chi hội Phụ nữ thôn Xuân La, xã Độc Lập trao tặng gà giống và thức ăn chăn nuôi cho hội viên khó khăn.

Phương Chi 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày