Thứ 5, 26/12/2024, 23:46[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035

Thứ 4, 19/06/2024 | 16:57:48
9,403 lượt xem
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 19/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại hội trường.

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến đại biểu tán thành sự cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư, đồng thời nhấn mạnh việc thực hiện chương trình sẽ góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Huy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng đây là một nội dung lớn, rất quan trọng và cần phải được cơ quan soạn thảo tiếp tục tập trung nghiên cứu, rà soát thật kỹ lưỡng bảo đảm tránh sự trùng lặp giữa chương trình với các chương trình, dự án khác. 

Đại biểu cho biết, qua nghiên cứu dự thảo chương trình và đối chiếu với 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai đều có nội dung đầu tư về phát triển văn hóa và có sự trùng lặp với nhiều chương trình liên quan đến phát triển văn hóa do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 có dự án thành phần số 6 về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 có nội dung thành phần số 6 là nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn cần phải được rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm tránh trùng lặp với nội dung của chương trình.

Về kiến nghị chuyển dự án số 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào chương trình, đại biểu đề nghị cần phải rà soát, nghiên cứu thật kỹ lưỡng, thận trọng, cần đánh giá kết quả thực hiện dự án số 6 một cách cụ thể, từ đó có đánh giá tác động, sự cần thiết và cơ chế điều chuyển. Trong đó, đặc biệt lưu ý việc bố trí nguồn vốn, trình tự và thủ tục đầu tư để bảo đảm tính đồng bộ, khả thi, tránh lãng phí nguồn lực và tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện; cần có cơ chế lồng ghép chính sách, tích hợp nguồn lực, các nội dung hoạt động đã được đúc rút kinh nghiệm từ việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai. 

Trong trường hợp chuyển dự án số 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào chương trình, đại biểu đề nghị cần phải rà soát, bảo đảm thống nhất với đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp lần này. Ngoài ra, cần nghiên cứu để tích hợp các chương trình, dự án liên quan trực tiếp đến phát triển văn hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng chưa được bố trí kinh phí hoặc chưa có kế hoạch triển khai cụ thể trong giai đoạn 2026-2030 để thực hiện thống nhất trong chương trình. Cùng với việc rà soát về nội dung, đề nghị cần quan tâm, rà soát, bảo đảm tránh trùng lặp về đối tượng thụ hưởng của chương trình. Cơ quan soạn thảo cần rà soát các đối tượng thụ hưởng của chương trình theo hướng khái quát, tránh trường hợp bỏ sót và trùng lặp về đối tượng thụ hưởng và cũng cần phải rà soát cơ sở pháp lý của các đối tượng thụ hưởng để quản lý chặt chẽ các nguồn lực đầu tư.

Về sự trùng lặp trong xác định mục tiêu của chương trình, chương trình xác định mục tiêu tổng quát và hệ thống các mục tiêu cụ thể đến năm 2030, 2035 và hệ thống rất lớn các chỉ tiêu ở 10 nội dung thành phần của chương trình. Đại biểu cho rằng các mục tiêu cụ thể có nhiều nội dung trùng lặp với mục tiêu tại Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, cụ thể là trong 9 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2030 thì có 5 nhóm mục tiêu trùng lặp với mục tiêu Chiến lược văn hóa đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Do đó, đề nghị cần rà soát kỹ lưỡng các mục tiêu của chương trình để tránh trùng lặp, bên cạnh đó cần xây dựng các mục tiêu một cách rõ ràng, cụ thể, có trọng tâm, tránh dàn trải, ôm đồm, trùng lặp với nhiệm vụ thường xuyên chi đầu tư cho lĩnh vực văn hóa của các bộ, ngành, địa phương. Cân nhắc đến đặc điểm cụ thể của từng địa bàn để bảo đảm tính đa dạng về văn hóa cũng như bảo đảm khả thi, phù hợp với thực tiễn và khả năng nguồn lực đầu tư. Chỉ như vậy khi được thông qua và triển khai thì chương trình mới góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển văn hóa để tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của văn hóa.

Đầu giờ buổi chiều, Quốc hội họp toàn thể tại hội trường để nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng không nhân dân; tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.

Tiếp đó, các vị đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và dự án Luật Phòng không nhân dân.

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)