Thứ 6, 22/11/2024, 13:15[GMT+7]

Hỗ trợ vốn tín dụng giúp doanh nghiệp phát triển

Thứ 5, 27/06/2024 | 15:58:20
3,311 lượt xem
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đã có nhiều giải pháp điều hành hiệu quả hoạt động tín dụng phục vụ nền kinh tế, trong đó đặc biệt chú trọng thực hiện công tác hỗ trợ vốn tín dụng giúp doanh nghiệp phát triển.

Hoạt động giao dịch ở Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Thái Bình.

Đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển sản xuất

Được thành lập từ năm 2000, đến nay, Công ty TNHH Hưng Thịnh Phát (phường Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình) không ngừng lớn mạnh, ngày càng mở rộng địa bàn kinh doanh. Với hệ thống gồm 14 cửa hàng xe máy, 5 showroom ô tô, Công ty luôn mang đến cho khách hàng các sản phẩm dịch vụ tốt nhất đồng thời tạo việc làm ổn định cho hơn 400 cán bộ, nhân viên, người lao động. Ông Vũ Mạnh Hoàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Chủ tịch - Tổng giám đốc Công ty TNHH Hưng Thịnh Phát cho biết: Để có được kết quả đó, ngoài sự nỗ lực, cố gắng của Công ty còn có sự đồng hành của nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã giúp cho Công ty có điều kiện mở rộng và phát triển quy mô kinh doanh.  

Đến hết tháng 5/2024, tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh đạt gần 96.043 tỷ đồng, tăng 2,04% so với thời điểm 31/12/2023, trong đó dư nợ cho vay doanh nghiệp đạt hơn 33.100 tỷ đồng, chiếm 34,47% tổng dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn tỉnh. Thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của trung ương và của tỉnh, các TCTD trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều chương trình tín dụng đặc thù đối với doanh nghiệp như: cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ với dư nợ cho vay đạt gần 34.000 tỷ đồng, tăng 0,2% so với thời điểm 31/12/2023 với gần 104.000 doanh nghiệp, cá nhân, hộ sản xuất vay vốn; cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên với dư nợ cho vay đạt gần 1.100 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 59,6% tổng dư nợ cho vay; cho vay chương trình nước sạch nông thôn theo Quyết định số 12/2012/QĐ-UBND với 23 dự án kinh doanh nước sạch nông thôn của doanh nghiệp được vay vốn, số tiền đã giải ngân đạt gần 400 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt hơn 200 tỷ đồng...

Ứng dụng công nghệ số của ngân hàng đã giúp Công ty TNHH Hưng Thịnh Phát (phường Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình) nhanh chóng tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng để phát triển kinh doanh.

Tích cực chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Không chỉ chú trọng mở rộng tín dụng đối với doanh nghiệp, thời gian qua, các TCTD trên địa bàn tỉnh còn tích cực chia sẻ, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp tiếp tục duy trì ổn định, phát triển sản xuất. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng các TCTD chủ động giảm lãi suất cho vay, đến nay phổ biến ở mức 4%/năm (đối với ngân hàng) và 5%/năm (đối với các quỹ tín dụng nhân dân) đối với cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên, 6,5 - 8,5%/năm (đối với cho vay ngắn hạn) và 8,5 - 10%/năm (đối với cho vay trung và dài hạn) đối với cho vay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường. Là một trong những ngân hàng có quy mô hoạt động lớn trên địa bàn tỉnh, đến hết tháng 5/2024, tổng dư nợ cho vay của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Thái Bình (BIDV Thái Bình) đạt hơn 9.200 tỷ đồng. 

Ông Lại Minh Hiếu, Quyền Giám đốc BIDV Thái Bình cho biết: Với tinh thần cùng đồng hành, chia sẻ khó khăn, tạo cơ hội phát triển, thời gian qua, BIDV Thái Bình liên tục triển khai các gói tín dụng ưu đãi phù hợp với khách hàng doanh nghiệp, đó là gói tín dụng ngắn hạn với quy mô 270.000 tỷ đồng, lãi suất tối đa được giảm lên đến 2%/năm; gói tín dụng ngắn hạn dành cho khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa với quy mô 80.000 tỷ đồng, thời gian triển khai đến ngày 31/12/2024 thông qua phương thức tài trợ vốn lưu động đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn của doanh nghiệp. Cùng với đó, BIDV Thái Bình còn tập trung mọi nguồn lực tài chính để hạ lãi suất cho vay; thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN và Thông tư số 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; thường xuyên làm việc với các doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh trên cơ sở đó nắm bắt nhu cầu và đưa ra gói tín dụng phù hợp với năng lực tài chính, thế mạnh ngành hàng của khách hàng...

Đến hết tháng 5/2024, trên địa bàn tỉnh có 225 khách hàng (trong đó có 27 doanh nghiệp và 198 cá nhân) được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN với tổng giá trị nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ khoảng 445 tỷ đồng, dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ khoảng 253 tỷ đồng. Ông Vũ Mạnh Hoàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Chủ tịch - Tổng giám đốc Công ty TNHH Hưng Thịnh Phát cho biết thêm: Việc triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ như gia hạn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất cho vay... của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã góp phần không nhỏ giúp cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn đặc biệt là khó khăn do tác động của dịch Covid-19 để tiếp tục ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, các ngân hàng cũng tích cực ứng dụng công nghệ số vào hoạt động, từ đó giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian và chi phí, đồng thời tiếp cận các dịch vụ của ngân hàng một cách thuận tiện hơn.

Cán bộ Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Thái Bình giới thiệu các gói tín dụng ưu đãi dành cho khách hàng doanh nghiệp.

Một trong những “rào cản” khiến các doanh nghiệp khó tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng đó là vướng mắc pháp lý đối với tài sản thế chấp. Cùng với đó, thời gian qua, thị trường xuất khẩu của một số ngành hàng bị thu hẹp, đơn hàng bị cắt giảm khiến một bộ phận doanh nghiệp chưa xây dựng được phương án sản xuất, kinh doanh khả thi; các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang phục hồi sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn còn một bộ phận chưa đủ khả năng trả hết các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn... Chính vì thế, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nói chung, tăng trưởng tín dụng đối với doanh nghiệp nói riêng, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh tích cực chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tiết giảm chi phí để tạo dư địa giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp; đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp với từng phân khúc khách hàng, thị trường, loại hình và nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; chủ động triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp trên cơ sở đó nắm bắt, có giải pháp tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp... Các sở, ngành, huyện, thành phố cần có sự phối hợp tích cực hơn nữa để tạo điều kiện cho ngành ngân hàng tiếp tục đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xem xét, quyết định cho vay.

Minh Hương