Thứ 2, 22/07/2024, 17:24[GMT+7]

Thảo luận sôi nổi tại các tổ đại biểu trước kỳ họp thứ tám, HĐND tỉnh khóa XVII

Thứ 3, 09/07/2024 | 18:09:19
13,955 lượt xem
Chiều ngày 9/7, HĐND tỉnh chia tổ thảo luận vào các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp thứ tám, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Dự thảo luận tổ có đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND tỉnh; các đại biểu HĐND tỉnh khóa XVII.

Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dự thảo luận tại tổ thành phố Thái Bình.

Video: 090724-_th%E1%BA%A3o_lu%E1%BA%ADn_t%E1%BB%95_b%E1%BA%A3n_2.mp4?_t=1720536966

 

Qua nghiên cứu, thảo luận, các đại biểu cơ bản thống nhất với nội dung các báo cáo, tờ trình và dự thảo nghị quyết trình kỳ họp. Các đại biểu ghi nhận, đánh giá dù còn nhiều khó khăn song với sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, sự vào cuộc tích cực của các tầng lớp nhân dân, kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm đạt được những kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng đạt 7,96%, xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố và thứ 7 vùng đồng bằng sông Hồng, cao hơn cùng kỳ năm 2023, trong đó công nghiệp tăng 17,42%. Đến nay, toàn tỉnh có 32 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đến ngày 19/6/2024, thu hút vốn đầu tư của tỉnh đạt 7.769,9 tỷ đồng, gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2023. Hiện toàn tỉnh có trên 7.300 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng vốn đăng ký trên 110.000 tỷ đồng. Một số dự án, công trình trọng điểm, công trình kết nối quan trọng được tập trung nguồn lực để sớm hoàn thành, tạo động lực cho thu hút đầu tư và phát triển kinh tế của tỉnh. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chỉ đạo toàn diện, an sinh xã hội được bảo đảm và phục vụ tốt đời sống nhân dân. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Đồng chí Đặng Thanh Giang, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh phát biểu thảo luận tại tổ Vũ Thư.

Đồng chí Nguyễn Văn Giang, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy phát biểu thảo luận tại tổ Hưng Hà.

Đồng chí Hoàng Thái Phúc, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy phát biểu thảo luận tại tổ Quỳnh Phụ.

Đồng chí Ngô Thị Kim Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy phát biểu thảo luận tại tổ Tiền Hải.

Đồng chí Vũ Ngọc Trì, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu thảo luận tại tổ Kiến Xương.

Các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích kỹ lưỡng những kết quả đạt được, chỉ rõ những vướng mắc, khó khăn, hạn chế, nguyên nhân của những hạn chế trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm. 

Các đại biểu cho rằng, để phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 là 8,5 - 9%, các cấp, các ngành phải có quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, phối hợp trong giải quyết công việc. Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên tất cả các lĩnh vực; tập trung cao độ cho các nhiệm vụ chiến lược, quyết định cho sự tăng trưởng của tỉnh; đồng thời thực hiện có hiệu quả việc huy động và phân bổ các nguồn lực nhằm tạo ra giá trị mới, tạo ra sự phát triển và nâng tầm vị thế của tỉnh. Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tái cơ cấu và phát triển ngành nông nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, nhất là thương hiệu gạo Thái Bình. Giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Quản lý chặt chẽ tài nguyên, đất đai và bảo vệ môi trường. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành công thương. Triển khai thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh; đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Khu kinh tế Thái Bình. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư trong việc triển khai một số dự án trong các khu công nghiệp trên địa bàn. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính. Tăng cường quản lý về chất lượng nước và giải quyết tình trạng thiếu nước sạch ở nông thôn. Các cấp, các ngành chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng nhân dân, giải quyết những vấn đề vướng mắc, phát sinh ngay từ cơ sở; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

Các đại biểu kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường;  thu gom rác thải; những khó khăn vướng mắc khi thực hiện một số nghị quyết của HĐND tỉnh; thực trạng thiếu bác sĩ, cơ sở vật chất ở tuyến y tế cơ sở xuống cấp; hỗ trợ tìm đầu ra cho nông sản…

Thảo luận tại tổ Đông Hưng. 

Thảo luận tại tổ Thái Thụy.

Đại biểu HĐND tỉnh phát biểu thảo luận tổ.  

Các đại biểu cũng đóng góp ý kiến vào báo cáo tình hình hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh 6 tháng đầu năm, giải pháp tiếp tục đổi mới hoạt động trong thời gian tới; tờ trình về chương trình giám sát của HĐND tỉnh năm 2025. Các tổ đại biểu đăng ký nội dung phát biểu, chất vấn tại hội trường ngày 11/7.

Các ý kiến thảo luận tại tổ của các đại biểu HĐND tỉnh sẽ được tổng hợp báo cáo tại kỳ họp HĐND tỉnh sáng ngày 11/7.

Phóng viên Báo Thái Bình lược ghi ý kiến của một số đại biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 9/7:


Đại biểu Lê Hồng Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh

Những năm qua, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết liên quan đến các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đi vào cuộc sống mang lại hiệu quả thiết thực, tạo đòn bẩy thu hút đầu tư, phát triển kinh tế công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu ở các địa phương. Tuy nhiên, thời gian qua có một số nghị quyết của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021 - 2025; về cơ chế, chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai để phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh Thái Bình giai đoạn đến năm 2028… do nhiều nguyên nhân, khi thực hiện, vận dụng vào thực tiễn phát sinh khó khăn, vướng mắc, tiến độ thực hiện còn chậm. Tôi đề nghị thời gian tới, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiếp tục đánh giá, rà soát kết quả thực hiện các nghị quyết; chỉ rõ những tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện và nguyên nhân, từ đó tham mưu các giải pháp tháo gỡ có hiệu quả, đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tiễn; đồng thời tăng cường hướng dẫn, vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách tạo điều kiện để các đối tượng thụ hưởng hoàn thiện hồ sơ, sớm được hỗ trợ theo quy định.

Đại biểu Đỗ Thị Lý, Trưởng ban Pháp chế, HĐND tỉnh

Tôi nhất trí với đánh giá của UBND tỉnh về kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm 2024 đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đặc biệt là công tác quản lý nhà nước về đất đai có sự chuyển biến rõ nét. Tỉnh đã điều chỉnh chỉ tiêu trong kế hoạch sử dụng đất đến năm 2025, bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030; trình HĐND tỉnh điều chỉnh quy mô, địa điểm, số lượng dự án trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của một số địa phương. Chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai, trong đó tăng cường công tác quản lý nhà nước về giá đất, điều chỉnh bổ sung bảng giá đất giai đoạn 2020 - 2024; ban hành kế hoạch thực hiện Luật Đất đai… Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm cán bộ một số địa phương, đơn vị vi phạm trong quản lý, đấu giá quyền sử dụng đất… được cử tri, nhân dân đánh giá cao. Các cấp, các ngành cũng đã vào cuộc quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, vi phạm về quản lý nhà nước về đất đai ở một số nơi còn xảy ra, tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở một số nơi còn chậm, gây bức xúc trong nhân dân. Vì vậy, tôi đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan rà soát, thống kê, đôn đốc, hướng dẫn các tổ chức, đơn vị sử dụng đất khẩn trương lập các thủ tục về kê khai đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định. Chấn chỉnh, kiểm soát chặt chẽ quy trình, thời hạn giải quyết thủ tục hành chính về đất đai, phải phân rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian giải quyết; tiếp tục tăng cường kỷ cương, kỷ luật, chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, thái độ, phong cách ứng xử của công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đặc biệt tại bộ phận tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp.


Đại biểu Đinh Thị Hồng Thái, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Quỳnh Phụ

Qua nghiên cứu báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024 trình tại kỳ họp, tôi cơ bản nhất trí với nội dung báo cáo và rất phấn khởi bởi những kết quả tỉnh ta đã đạt được. Các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chủ trương của tỉnh đã được triển khai thực hiện đồng bộ, nhận được sự đồng thuận cao của đa số cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp. Tuy nhiên, qua tiếp xúc cử tri cũng kiến nghị hiện nay công tác quản lý tuyến y tế cơ sở còn tồn tại nhiều bất cập. Hệ thống cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu trang thiết bị, thiếu bác sĩ, chuyên ngành đào tạo của các bác sĩ chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn... dẫn đến nhiều người dân chuyển lên tuyến trên khám, chữa bệnh gây quá tải cho các bệnh viện. Vì vậy, tôi kiến nghị ngành chuyên môn tham mưu với UBND tỉnh tiến hành rà soát, đánh giá lại thực trạng hoạt động của tuyến y tế cơ sở, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, có chính sách ưu đãi trong đào tạo, thu hút nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, nhất là bác sĩ về làm việc tại tuyến cơ sở… từ đó thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

Đại biểu Phạm Văn Soi, Bí thư Đảng ủy xã Canh Tân (Hưng Hà)

Hiện nay, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, lượng rác thải phát sinh ngày càng lớn, nhất là rác thải khu vực nông thôn, việc xử lý là vấn đề khá nan giải. Trước đây, hầu hết các xã ở Thái Bình xử lý loại rác thải này bằng lò đốt rác nhưng qua nhiều năm hoạt động, công nghệ lạc hậu, các lò đốt rác xuống cấp không thể vận hành được. Tại xã Canh Tân, lò đốt rác đã dừng hoạt động từ năm 2022, 2 năm nay địa phương chưa quy hoạch được khu vực phân loại, xử lý rác thải nên gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, tôi kiến nghị HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo ngành chuyên môn tham mưu rà soát đánh giá lại thực trạng tình hình việc thu gom, phân loại, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh, tìm các giải pháp hỗ trợ các địa phương tháo gỡ khó khăn. Tiến hành quy hoạch vùng, ban hành các cơ chế, chính sách ưu tiên thu hút các doanh nghiệp vào địa bàn tỉnh xây dựng nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao; có như vậy mới xử lý triệt để được rác thải. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của người dân trong quá trình thực hiện.

Đại biểu Bùi Văn Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Gốm sứ Long Hầu (Tiền Hải)

Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư vào tỉnh; ban hành kế hoạch và tổ chức thực hiện các nội dung về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tổ chức các đoàn đi xúc tiến đầu tư tại nước ngoài và làm việc với các đoàn công tác, tập đoàn trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, nghiên cứu, khảo sát tại tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh đã tập trung chỉ đạo rà soát, tháo gỡ các “điểm nghẽn”, “nút thắt”, khó khăn, vướng mắc trong thu hút đầu tư, phát triển sản xuất. Do vậy, 6 tháng đầu năm tỉnh đã thu hút vốn đầu tư đạt 7.769,9 tỷ đồng, gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2023, trong đó vốn đầu tư FDI đạt 232 triệu USD, gấp 5,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp toàn tỉnh 6 tháng đầu năm tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2023. Song, hoạt động sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp phục hồi chậm, nhiều doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tạm ngừng kinh doanh hoặc giải thể), tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp hiện còn thấp; các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn về tiêu thụ sản phẩm, về nguồn vốn để duy trì sản xuất, tạo việc làm cho người lao động. Tôi đề nghị tỉnh tiếp tục nghiên cứu có cơ chế, chính sách hợp lý, trải thảm đỏ thu hút đầu tư vào tỉnh, đồng thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp để doanh nghiệp vượt khó, ổn định sản xuất.

Đại biểu Đặng Thị Thu Hằng, giáo viên Trường Tiểu học và THCS xã Vũ Thắng (Kiến Xương)

Sau khi cử tri kiến nghị về vấn đề thừa, thiếu giáo viên cục bộ, cơ sở vật chất một số trường học xuống cấp, đại biểu HĐND tỉnh đã đưa kiến nghị đó vào phiên thảo luận, chất vấn tại các kỳ họp HĐND tỉnh. UBND tỉnh cũng đã kịp thời chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng các ngành, địa phương rà soát, tổ chức tuyển giáo viên bổ sung cho các trường học thiếu, luân chuyển giáo viên hợp lý hơn. HĐND các cấp đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng mới một số trường học, phòng học; UBND các cấp đã bố trí kinh phí, huy động nguồn lực xã hội hóa tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học cho các trường khó khăn trên địa bàn. Do vậy, chất lượng giáo dục và đào tạo của tỉnh ngày càng được nâng cao, có 691/735 cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia. Tuy vậy, so với nhu cầu thực tế thì chưa đáp ứng đủ; tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên dạy các môn phụ, giáo viên mầm non, cơ sở vật chất trường học xuống cấp, thiếu thiết bị dạy học vẫn còn nhiều. Tôi đề nghị UBND tỉnh tiếp tục có giải pháp để khắc phục tình trạng trên; đồng thời tăng cường chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn còn xảy ra tại một số nơi.  

Nhóm phóng viên

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày