Thứ 5, 26/12/2024, 18:24[GMT+7]

Mùa mưa bão 2024: nguy cơ La Nina gây bão, lũ dồn dập

Thứ 4, 10/07/2024 | 09:36:39
2,513 lượt xem
Mùa mưa bão năm diễn biến phức tạp, khó lường. Hiện tượng La Nina sẽ gây nguy cơ mưa, bão, lũ dồn dập trong những tháng cuối năm, đặc biệt là ở khu vực miền Trung.

Hiện tượng La Nina sẽ gây nguy cơ mưa, bão, lũ dồn dập trong những tháng cuối năm, đặc biệt là ở khu vực miền Trung

Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm, hiện trạng thái ENSO (bao gồm hiện tượng EL Nino và La Nina) đang ở giai đoạn trung tính.

Thống kê cho thấy trong những năm La Nina xuất hiện thì lượng mưa thường vượt trung bình nhiều năm ở các tỉnh ven biển Trung Bộ và Tây Nam Bộ, thấp hơn trung bình nhiều năm ở Bắc Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Đáng lưu ý, khả năng xuất hiện các đợt mưa lớn ở khu vực Trung Bộ, nhất là trong các tháng mùa Thu.

Trong điều kiện khí tượng diễn biến phức tạp trên, các địa phương cần chủ động thường xuyên rà soát các điểm xung yếu lũ quét, sạt lở đất trước mùa mưa bão và trước các đợt mưa lớn để đảm bảo an toàn cho nhân dân.

Ngoài ra, một điều gần như chắc chắn là hiện tượng dông lốc trên đất liền và trên các vùng biển, mưa lớn cục bộ thời đoạn ngắn gây ngập úng đô thị sẽ xuất hiện nhiều hơn sẽ ảnh hưởng nhiều đến hoạt động phát triển kinh tế-xã hội.

Cụ thể hơn, từ cuối tháng 7-9, có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất khoảng 65-75%. Từ tháng 10-12, La Nina xuất hiện với xác suất khoảng 70-90%.

Như vậy, càng về cuối năm, xác suất xuất hiện La Nina lại càng lớn. Hiện tượng La Nina sẽ gây nguy cơ mưa, bão, lũ dồn dập trong những tháng cuối năm, đặc biệt là ở khu vực miền Trung.

Ông Mai Văn Khiêm nhận định, từ nay đến cuối năm xuất hiện từ 10-12 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Bắc Biển Đông, trong đó có khoảng 5-7 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam; không loại trừ khả năng xuất hiện những cơn bão mạnh trên Biển Đông. Khi bão xuất hiện trên Biển Đông thì diễn biến nhanh và rất khó lường, gây khó cho công tác phòng, chống bão.

Ngoài ra, khoảng tháng 7-8, lượng mưa ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Tuy nhiên, từ tháng 9-11, lượng mưa ở Bắc Bộ sẽ tăng lên khoảng 10-30%.

Từ tháng 7-9, lượng mưa ở Trung Bộ tăng cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng từ 10-20% và từ tháng 10-12, lượng mưa có khả năng tăng từ 20-40% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Như vậy, mưa lớn sẽ dồn dập về cuối năm, đặc biệt là khu vực Trung Bộ, làm gia tăng nguy cơ ngập úng kéo dài, lũ lụt trên diện rộng, lũ quét, sạt lở đất ở khu vực này.

Chuẩn bị kỹ càng, chủ động dự báo mưa bão

Trước tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, để chủ động trong công tác dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn trong thời gian tới, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia thực hiện nghiêm Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg ngày 22/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai; các Quy trình vận hành liên hồ chứa cho 11 lưu vực sông trên phạm vi cả nước; các quy trình, quy định, quyết định phân cấp do Tổng cục Khí tượng thủy văn ban hành.

Cùng với đó, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia thực hiện nghiêm túc quy định về Quy trình kỹ thuật dự báo, cảnh báo hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm; cập nhật, cung cấp đầy đủ, kịp thời bản tin dự báo thiên tai và dự báo tác động phục vụ tốt công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai cho Ban Chỉ đạo, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia, Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các bộ, ngành, địa phương và nhân dân biết chủ động phòng, tránh nhằm giảm thiểu thiệt hại của thiên tai.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thủy văn, hải văn trên phạm vi cả nước; cảnh báo, dự báo kịp thời các hiện tượng thời tiết, thủy văn, hải văn nguy hiểm như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ lớn, lũ quét, triều cường, sóng lớn..., phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai.

Cùng với đó, Trung tâm đảm bảo hoạt động ổn định hệ thống công nghệ thông tin, thiết bị phụ trợ dự báo; cung cấp thông tin thời tiết, thiên tai khí tượng thủy văn trên website của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia tại địa chỉ nchmf.gov.vn, trên ứng dụng di động phục vụ người dùng khai thác; cung cấp các sản phẩm dự báo đến các đơn vị theo quy định.

Trung tâm tập trung nâng cao chất lượng dự báo định lượng mưa, tăng cường khai thác, sử dụng các nguồn dữ liệu quan trắc như vệ tinh, radar, đo mưa tự động và các nguồn thông tin dự báo, đặc biệt là dự báo của mô hình khu vực độ phân giải cao; tăng cường ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại (trí tuệ nhân tạo, học máy,…) trong bài toán dự báo định lượng mưa.

Trung tâm phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Thông tin và Dữ liệu khí tượng thủy văn, Trung tâm Mạng lưới khí tượng thủy văn quốc gia để kiểm soát chất lượng các loại dữ liệu trên hệ thống dữ liệu dùng chung (CDH), trong đó đặc biệt là các dữ liệu tự động (mưa, nhiệt độ) nhằm đảm bảo chất lượng số liệu; đồng thời xây dựng và cập nhật các công cụ hỗ trợ dự báo để khai thác các nguồn dữ liệu từ hệ thống dữ liệu dùng chung cho công tác dự báo nghiệp vụ. 

Theo baochinhphu.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày