Thứ 6, 22/11/2024, 18:47[GMT+7]

Phát huy giá trị hương ước, quy ước trong đời sống cộng đồng

Thứ 5, 25/07/2024 | 09:55:35
17,654 lượt xem
Lệ làng xưa, hương ước, quy ước nay là sản phẩm văn hóa gắn liền với bao thăng trầm của đời sống xã hội, do cộng đồng dân cư tạo ra làm thước đo chuẩn mực ứng xử, góp phần điều chỉnh các mối quan hệ trong xã hội trên tinh thần tự quản của người dân. Với vai trò, ý nghĩa sâu sắc, tháng 8/2023, Nghị định số 61 về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư được Chính phủ ban hành. Từ đó đến nay, hương ước, quy ước của các cộng đồng làng, xã trên địa bàn tỉnh ngày càng được hoàn thiện, tích cực phát huy giá trị quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.

Nhà văn hóa thôn An Ấp được tu sửa khang trang đáp ứng tiêu chí nhà văn hóa khu dân cư kiểu mẫu.

Nâng cao tinh thần đoàn kết

Nhà văn hóa, khu thể thao thôn An Ấp, xã An Ấp (Quỳnh Phụ) được sửa sang khang trang, hiện đại từ nguồn ngân sách địa phương và đóng góp của các mạnh thường quân với đầy đủ hệ thống bàn ghế, tivi, loa, đài, sân khấu… phục vụ sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân nông thôn chính thức đi vào hoạt động từ tháng 10/2023. Là thiết chế văn hóa, thể thao chung của cộng đồng dân cư nên việc gìn giữ đã được thôn An Ấp đề ra trong hương ước. Theo đó, người dân thay phiên nhau làm vệ sinh, chăm sóc cây xanh trong khuôn viên, tạo không gian, cảnh quan ngày thêm sạch đẹp. 

Ghé thăm nhà văn hóa thôn, chúng tôi gặp gỡ và trò chuyện cùng ông Nguyễn Văn Can, trưởng thôn đồng thời cũng là người đã gần 15 năm nay trực tiếp gắn bó với mọi công việc chung của làng xã.

Ông Can tự hào cho biết: Hệ thống quy ước đã được họp bàn, thông qua, người dân theo đó tự giác thực hiện. Như với thiết chế văn hóa thôn, nhà nhà đều bảo ban lẫn nhau, chung tay giữ gìn bởi đã có những quy định cụ thể về việc sử dụng, trong đó, hoạt động được diễn ra, hành vi bị nghiêm cấm, mức độ xử phạt, giờ giấc sinh hoạt… đều rất rõ ràng. Từ sự đồng thuận cao của người dân, trong quá trình nhà văn hóa, khu thể thao đi vào hoạt động, công tác xã hội hóa mua sắm trang thiết bị phục vụ nhu cầu thiết yếu tại nơi đây được các mạnh thường quân nhiệt tình đóng góp, công khai, minh bạch về tài chính. Không riêng cơ sở vật chất mà với việc thành lập, duy trì hiệu quả hoạt động của các CLB văn nghệ, thể thao cũng đều được lấy ý kiến của nhân dân, môn thể thao nào có thế mạnh phát triển, đông người muốn tham gia thôn đều nghiên cứu thành lập CLB. Phải kể đến là hoạt động sôi nổi của CLB dân vũ thôn An Ấp đã biểu diễn, giao lưu trong rất nhiều chương trình trong và ngoài xã. Tới đây, từ nguyện vọng chính đáng của nhân dân, thôn sẽ thành lập CLB tâm năng dưỡng sinh dành cho người cao tuổi.

Người dân thôn An Ấp tìm hiểu nội quy hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao thôn.

Ông Nguyễn Tiến Diệm, công chức văn hóa xã An Ấp thông tin thêm: Hệ thống hương ước, quy ước của xã và 5 thôn đều được thực hiện từ năm 1999, qua quá trình hoạt động có sự thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp với cuộc sống của nhân dân. Từ đó, những năm gần đây không chỉ số lượng, chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn, làng văn hóa được duy trì ổn định mà nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội cũng được người dân tuân thủ nghiêm túc. Các lễ hội thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, trang trọng, giữ gìn nghi lễ truyền thống, bản sắc văn hóa của địa phương; phần hội được tổ chức lành mạnh, kết hợp trình diễn văn nghệ, trò chơi, trò diễn dân gian. Đặc biệt, trong ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc 18/11, các thôn trong xã đều tổ chức hoạt động gặp mặt ý nghĩa, trao quà cho các hộ gia đình văn hóa tiêu biểu và động viên các hộ gia đình khó khăn vươn lên trong cuộc sống, nâng cao tinh thần đoàn kết, gắn bó tình làng, nghĩa xóm trong khu dân cư.

Phát huy nét đẹp cộng đồng

Nằm trong làng nghề kính nổi tiếng Lịch Động, xã Đông Các (Đông Hưng), thôn Trung Lịch Động có gần 1.200 nhân khẩu. Căn cứ hương ước làng Lịch Động đã xây dựng, nhân dân trong thôn có tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, bảo tồn nghề truyền thống và tích cực xây dựng nông thôn mới. Theo đó, trong lễ cưới không còn tình trạng thách cưới, phô trương hình thức và đòi hỏi các nghi lễ mang tính hủ tục lạc hậu. Việc tổ chức ăn uống trong đám cưới giảm nhiều về số lượng mâm cỗ. Đối với việc xây cất mồ mả, thôn đã thống nhất xây dựng quy chế quản lý nghĩa trang, giao cho tổ quản trang hướng dẫn các gia đình, không còn tình trạng nhận phần đất… 

Ông Phạm Văn Hùng, Trưởng thôn chia sẻ: Để hương ước thực sự gắn bó với đời sống nhân dân, sau khi hương ước được soạn thảo, lấy ý kiến nhân dân và được UBND xã Đông Các công nhận, Ban công tác mặt trận thôn tổ chức thực hiện, đồng thời giám sát việc thực hiện của các tầng lớp nhân dân theo đúng các quy tắc đã đề ra. Định kỳ hàng năm, Ban công tác mặt trận thôn có đánh giá việc thực hiện hương ước, từ đó có thể đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều cho phù hợp với thực tế. Trong công tác hòa giải, các thành viên của tổ gồm trưởng ban công tác mặt trận thôn, trưởng các chi hội đoàn thể cũng dựa trên hương ước để hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp.

Việc thực hiện hương ước, quy ước góp phần bảo lưu nét đẹp văn hóa cổ truyền.

Thôn Trung Lịch Động là 1 trong số 12 khu dân cư văn hóa tiêu biểu được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vào cuối năm 2023. Không chỉ ở các khu dân cư này mà qua hệ thống hương ước, quy ước tại các địa phương khác cũng đã cho thấy, dựa trên yêu cầu tự quản, tình hình kinh tế - xã hội, phong tục, tập quán ở từng nơi mà hương ước, quy ước được cộng đồng làng, xã xây dựng. Việc làm này với mục tiêu phát huy đầy đủ quyền làm chủ và trách nhiệm của người dân đối với cộng đồng. Thông qua đó, mỗi người dân ngày càng góp phần quan trọng trong phát huy phong tục, tập quán tốt đẹp của quê hương, đất nước, đồng thời tham gia phát triển các hoạt động văn hóa lành mạnh, xây dựng đời sống văn hóa mới.

Tú Anh