Vũ Thư: Áp dụng quy trình VietGAP trong trồng trọt
Nhiều lợi ích nhờ áp dụng quy trình VietGAP
Xã Bách Thuận có 90ha hòe, trong đó có 5ha hòe được nông dân áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP. Gia đình ông Phạm Văn Tạo, thôn Bình Minh là 1 trong 15 hộ sản xuất hòe theo quy trình VietGAP. Ông cho biết, ông và bà con được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, phơi sấy, bảo quản hòe theo quy trình VietGAP, nhờ đó năng suất, chất lượng sản phẩm nâng lên so với trước kia. Hiện đã có 1 doanh nghiệp đang tìm hiểu, mong muốn ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm của gia đình ông Tạo và các hộ dân với giá cao hơn thị trường.
Gia đình anh Mai Văn Khởi, xã Vũ Hội hiện có 1,5ha ổi được trồng, chăm sóc theo quy trình VietGAP.
“Ngoại trừ bón phân lân với lượng nhỏ để khử chua cho đất, còn lại gia đình tôi sử dụng 100% phân bón hữu cơ cho cây ổi. Tôi sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, chỉ phun ở giai đoạn sau thu hoạch quả; kết hợp dùng túi nilon bọc từng quả ổi để ngăn ngừa ruồi vàng gây hại quả. Quy trình chăm sóc, bón phân, thu hoạch được theo dõi, ghi lại sổ tay. Áp dụng quy trình VietGAP, chất lượng ổi của gia đình tôi cao hơn hẳn so với thông thường, người tiêu dùng rất ưa chuộng, tiêu thụ thuận lợi, giá bán cao gấp 3 lần so với cùng loại ổi trên thị trường, giá trị kinh tế đạt từ 9 - 10 triệu đồng/sào/năm, cao hơn hẳn cây lúa và hoa màu” - anh Khởi cho biết.
Huyện Vũ Thư hiện có 9 vùng sản xuất được cấp chứng nhận VietGAP, bao gồm: 2 vùng trồng cây ăn quả (xã Vũ Hội, Tự Tân); 1 vùng trồng dược liệu (xã Bách Thuận); 2 vùng trồng rau màu (xã Trung An, Song An); 4 vùng sản xuất lúa (xã Minh Lãng, Dũng Nghĩa, Tân Phong, Tân Hòa).
Ông Nguyễn Quốc Huy, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vũ Thư cho biết, mặc dù nông dân áp dụng quy trình VietGAP với thời gian chưa dài, nhưng bước đầu cho thấy có nhiều lợi ích rõ rệt. Nông dân được tập huấn, chuyển giao kiến thức khoa học, từ đó thay đổi tư duy, thói quen canh tác để tạo ra các sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, có chất lượng cao, góp phần xây dựng thương hiệu sản phẩm, lòng tin với người tiêu dùng, từ đó tạo thị trường tiêu thụ ổn định, nâng cao giá trị sản phẩm và hiệu quả kinh tế. Đối với người tiêu dùng và cộng đồng, quy trình VietGAP tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, từ đó giảm chi phí y tế, nâng cao sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống, đây là mục tiêu chính và lợi ích lớn nhất mà VietGAP mang lại.
Gia đình anh Trần Văn Ngọc, thôn Phú Lễ, xã Tự Tân (Vũ Thư) áp dụng quy trình VietGAP trong trồng, chăm sóc ổi.
Mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả
Mỗi năm, nông dân huyện Vũ Thư gieo trồng hơn 23.000ha lúa, cây ăn quả, cây rau màu các loại, tuy nhiên, đến nay, tổng diện tích cây trồng trong vùng sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP của huyện mới đạt hơn 80ha/năm. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng sản phẩm nông nghiệp an toàn của người tiêu dùng ngày càng lớn. Trên thực tế, hầu hết các xã đăng ký về đích nông thôn mới nâng cao mới quan tâm xây dựng vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, vì đây là một tiêu chí bắt buộc, còn lại hầu hết các địa phương, nông dân chưa thực sự quan tâm triển khai quy trình này.
Ông Vũ Trọng Hải, Giám đốc HTX NN Tân Hòa cho biết, vùng sản xuất lúa tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP của xã có diện tích 5ha, ở thôn Nam Bi. Qua 2 vụ sản xuất cho thấy, bà con phải tuân thủ quy trình gieo cấy, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật khắt khe hơn, chi phí đầu tư cao hơn, tuy nhiên, năng suất và giá bán sản phẩm lại tương đương với lúa sản xuất theo quy trình thông thường, vì vậy, nông dân không mấy mặn mà áp dụng quy trình sản xuất VietGAP.
Anh Mai Văn Khởi, xã Vũ Hội cho biết, thực tế, chủ yếu do gia đình đã có ý thức tuân thủ quy trình sản xuất cây ăn trái theo hướng hữu cơ từ trước đó, nên việc thực hiện quy trình VietGAP rất chủ động và thuận lợi. Ngược lại, nếu hộ gia đình đang tham gia quy trình VietGAP nhưng không chấp hành, tuân thủ đúng quy trình, thì cơ quan quản lý, chứng nhận sẽ rất khó kiểm soát. Giá bán của các sản phẩm VietGAP hiện vẫn chưa tương xứng với giá trị của sản phẩm, nông dân chưa có lợi nhuận xứng đáng khi áp dụng quy trình sản xuất khắt khe này.
Áp dụng quy trình VietGAP trong sản xuất, sản phẩm ổi của gia đình anh Mai Văn Khởi, xã Vũ Hội (Vũ Thư) bảo đảm sạch,an toàn, thu hút trẻ em đến trải nghiệm, tham quan, thưởng thức sản phẩm.
Tập trung chủ yếu vào việc quản lý đầu vào như phân bón, đất, thuốc trừ sâu để sản phẩm bảo đảm tiêu chuẩn trồng trọt an toàn, VietGAP được coi là hướng đi mới cho nền nông nghiệp Việt Nam.
Ông Trần Đức Toản, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư cho biết: Thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân tích cực áp dụng quy trình VietGAP trong sản xuất nông nghiệp; nâng cao nhận thức người tiêu dùng về ưu thế của sản phẩm VietGAP; chỉ đạo các địa phương tăng cường quy hoạch các vùng sản xuất VietGAP, đặc biệt các vùng sản xuất rau màu, cây ăn trái; tăng cường liên kết tiêu thụ sản phẩm sạch, an toàn. Các địa phương tranh thủ cơ chế hỗ trợ của tỉnh để xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, truy xuất nguồn gốc, chứng nhận chất lượng sản phẩm, vùng sản xuất tập trung, phấn đấu mở rộng diện tích và nâng cao hiệu quả của các mô hình sản xuất áp dụng quy trình VietGAP.
Quỳnh Lưu
Tin cùng chuyên mục
- Tăng cường công tác lấy nước đổ ải phục vụ gieo cấy lúa Xuân năm 2025 09.01.2025 | 19:04 PM
- Phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường 29.12.2024 | 13:52 PM
- Thời gian đổ ải tập trung từ ngày 16/1 - 15/2/2025 10.12.2024 | 15:32 PM
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- Thái Thụy: Khó khăn tiêu úng cho lúa ngập sau bão 08.09.2024 | 18:31 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Thái Thụy: Chủ động tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp 27.09.2023 | 18:15 PM
Xem tin theo ngày
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh: Gặp mặt và chúc tết các doanh nghiệp nhân dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Đổi mới, sáng tạo trong hành động với tinh thần “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tinh gọn hiệu quả, tăng tốc bứt phá”
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình nhiệm kỳ 2020 - 2025
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng, người cao tuổi, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Thái Bình
- Đảng ủy Khối Các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh: Khen thưởng 113 tập thể, cá nhân đạt thành tích tiêu biểu xuất sắc trong công tác xây dựng Đảng năm 2024
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Dự chương trình tết sum vầy với đoàn viên, người lao động
- Trên 978.500 đại biểu tham gia hội nghị quán triệt, triển khai về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
- Toàn văn: Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
- Đánh giá kết quả triển khai công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước