Thứ 6, 22/11/2024, 05:11[GMT+7]

Bảo đảm an toàn hạ du khi xả lũ hồ thủy điện

Thứ 6, 26/07/2024 | 13:55:59
1,977 lượt xem
Hiện nay, hồ thủy điện Hòa Bình đang mở 4 cửa xả đáy, hồ thủy điện Sơn La mở 1 cửa xả đáy. Tình hình diễn biến của mưa, lũ còn hết sức phức tạp, ngành nông nghiệp và các địa phương đang tích cực, chủ động các phương án bảo đảm an toàn về người, tài sản, công trình và các hoạt động ven sông khi hồ thủy điện xả lũ.

Kiểm tra vật tư dự trữ phục vụ công tác PCTT tại các điếm canh đê.

Video: 260724-_CANH_BAO_XA_LU.mp4?_t=1721968457

 

Diễn biến khó lường của thiên tai

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 gây mưa lớn, kết hợp với ảnh hưởng của xả lũ các hồ thủy điện, ngày 22/7, toàn tỉnh ghi nhận 4 lỗ rò tại các bờ bao của huyện Kiến Xương; trong đó 2 điểm thuộc xã Minh Tân, 1 điểm thuộc xã Vũ Bình, 1 điểm thuộc xã Trà Giang. Nhờ thực hiện nghiêm việc tuần tra, canh gác, sự cố đã xử lý kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ”.

Nhờ thực hiện nghiêm việc tuần tra, canh gác, sự cố lỗ rò tại bờ bao đê xã Trà Giang (Kiến Xương) đã được xử lý kịp thời.

Ông Bùi Văn Tưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Giang (Kiến Xương) cho biết: Ngay sau khi sự cố xảy ra, chính quyền địa phương đã nhanh chóng huy động lực lượng, vật tư, phương tiện tại chỗ triển khai ngay các biện pháp xử lý giờ đầu, đồng thời báo cáo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) huyện có phương án hỗ trợ, xử lý sự cố nhanh nhất. Theo đó, chúng tôi đã huy động khoảng 30 người của các thôn lân cận và mở kho vật tư để huy động bao tải, xe chở cát để kịp thời xử lý sự cố. Tuy chỉ là lỗ rò bờ bao nhưng nếu không kịp thời phát hiện, xử lý khi triều lên cao sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây vỡ đê bao, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của gần 100 hộ nuôi trồng thủy sản của địa phương.

Hay trước đó, ngày 20/7, một đoạn mái đê bối tại xã Vũ Vân (Vũ Thư) có diễn biến sạt lở với chiều dài cung sạt 15m, rộng 0,5m, chiều cao 1m.

Ông Bùi Đình Bằng, Chủ tịch UBND xã Vũ Đoài (Vũ Thư) cho biết: Ngoài vùng nuôi trồng thủy sản, chuyên trồng rau màu, vùng đê bối bao quanh xã Vũ Vân hiện có hơn 1.000 hộ dân với khoảng 4.000 người sinh sống. Ngoài ra, Bệnh viện Da liễu Thái Bình đang điều trị, nuôi dưỡng gần 100 bệnh nhân phong. Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Vũ Thư đã kịp thời chỉ đạo địa phương sử dụng 150 cọc tre chiều dài 2,5m đóng gia cố khu vực xung yếu. Sau đó, trải phên nứa lót phía dưới, rồi đổ khoảng 50m3 đất ấp trúc mái đê. Đến khoảng 15 giờ ngày 22/7, vị trí sạt lở trên đã cơ bản khắc phục xong, bảo đảm an toàn PCTT.

Đây là những minh chứng về sự khó lường của thiên tai, mưa lũ. Chỉ cần lơ là, chủ quan thì hậu quả khôn lường.

Gia cố khu vực sạt lở mái đê bối tại xã Vũ Vân (Vũ Thư).

Chủ động các phương án ứng phó

Tính đến ngày 25/7, hồ thủy điện Hòa Bình đang mở 4 cửa xả đáy, hồ thủy điện Sơn La mở 1 cửa xả đáy. Mực nước trạm Thái Bình sông Trà Lý dao động theo xu thế thủy triều và điều tiết của các hồ thủy điện theo xu thế lên. Mực nước cao nhất đạt 2,85m (trên báo động II: 0,05m) xuất hiện vào 22 - 23 giờ ngày 25/7. Dự báo lũ, triều cường có thể gây ngập lụt các vùng trũng thấp ven sông, ven biển, làm sạt lở mái đê, mái kè ở khu vực xung yếu. Ảnh hưởng tới các hoạt động của giao thông thủy, nuôi trồng thủy hải sản và sản xuất nông nghiệp tại các bãi sông, ven biển.

Để chủ động ứng phó với lũ trên sông Trà Lý, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố triền sông Trà Lý tổ chức tuần tra, canh gác đê theo lệnh báo động số I, cụ thể: gác nước tại 94 điếm, thả phai dự phòng được 20 cống dưới đê và cắm tre vè theo dõi 10 kè xung yếu.

Được giao phụ trách công tác tuần tra, canh gác đê tại khu vực điếm Bến Tìm, xã Tây Sơn (Kiến Xương) từ nhiều năm nay, ông Trần Văn Hữu, Trưởng điếm Bến Tìm luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ canh coi, bảo vệ đê, nhất là khi có lệnh báo động bão, lũ xảy ra.

Ông Hữu cho biết: Đợt xả lũ lần này, tỉnh đang ban hành báo động lũ cấp 1. Được tập huấn công tác PCTT từ đầu năm nên chúng tôi đã chủ động các phương án về nhân lực; kiểm kê, rà soát, sẵn sàng vật tư, phương tiện như: bao tải, bạt, rơm chống mạch sủi… Theo quy định, báo động 1, chúng tôi chủ động phân công ca kíp, túc trực 2 người ban ngày, 4 người ban đêm; tăng cường kiểm tra từng đoạn đê kịp thời phát hiện các hiện tượng, sự cố như mạch sủi, mạch đùn để xử lý ban đầu cũng như kịp thời báo cáo cấp trên.

Ông Nguyễn Mạnh Khương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để bảo đảm an toàn hạ du khi xả lũ cũng như diễn biến phức tạp của mưa, lũ, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh yêu cầu ban chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, các ngành thực hiện nghiêm các công điện, công văn, văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh. Theo dõi chặt chẽ thông tin xả lũ hồ thủy điện Hòa Bình; thông báo đến các cấp chính quyền và người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông, chủ các phương tiện vận tải thủy, các bến đò ngang và các chủ hộ có lồng bè nuôi trồng thủy sản trên sông biết việc xả lũ hồ thủy điện Hòa Bình để chủ động các biện pháp phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu. Ngoài ra, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh cũng đề nghị đồng chí chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo triển khai ngay phương án bảo vệ trọng điểm đê điều xung yếu, các công trình đê điều, chống tràn các vị trí đê thấp, đê bối, bờ bao tại các tuyến đê; bảo đảm an toàn cho người và tài sản ở khu vực bờ bao ven cửa sông, ven biển đề phòng bão đổ bộ trong điều kiện triều cường kết hợp nước dâng do bão gây tràn, vỡ bờ bao, đê bối.

Việc chủ động phòng tránh và ứng phó với thiên tai theo phương châm “sớm hơn một bước, nhanh hơn một bước” sẽ góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.

Nguyễn Thơi – Lưu Ngần 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày