Thứ 7, 14/09/2024, 01:21[GMT+7]

Khoảng 4-6 cơn bão sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam

Thứ 2, 05/08/2024 | 06:52:30
929 lượt xem
Trong ba tháng 8-10, dự báo có 6-8 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, trong đó 4-6 cơn ảnh hưởng đến Việt Nam.

Mưa lũ gây ngập ở huyện Chương Mỹ, tháng 7/2024.

Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (IMHEN) cho biết hiện tượng ENSO, chỉ sự nóng lên, lạnh đi dị thường của nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực xích đạo phía đông và trung tâm Thái Bình Dương ở trạng thái trung tính. Sau đó ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina trong ba tháng 8-10 với xác suất khoảng 70%.

IMHEN nhận định từ nay đến tháng 10, có 7-8 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông và 4-6 cơn ảnh hưởng Việt Nam. Con số này nhiều hơn giai đoạn trước. Tháng 8-10 thời kỳ 1991-2020 mỗi năm có khoảng 6 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, trong đó 3-4 cơn ảnh hưởng đến Việt Nam.

"Trong ba tháng tới, tổng lượng mưa ở Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ xấp xỉ trung bình nhiều năm, riêng Trung Bộ sẽ cao hơn. Cần đặc biệt đề phòng mưa lũ, ngập lụt ở Bắc Bộ và Trung Bộ trong những tháng tới", IMHEN cảnh báo.

Nhận định ENSO chuyển sang La Nina với xác xuất 70%, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho rằng trong ba tháng tới Biển Đông có khả năng xuất hiện 6-8 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, trong đó 2-4 cơn vào đất liền. Rất có thể bão, áp thấp hình thành ngay trên Biển Đông, di chuyển nhanh vào bờ.

Do bão dồn dập, cơ quan khí tượng dự báo tổng lượng mưa tháng 9 ở Bắc Bộ phổ biến cao hơn 5-15%, tháng 10 cao hơn 10-30%.

Trung Bộ ba tháng tới lượng mưa phổ biến cao hơn 10-30%. Riêng tháng 9-10, khu vực này xuất hiện các đợt lũ, đỉnh lũ ở hạ lưu sông chính lên báo động 1-2; sông nhỏ lên báo động 2-3 (cao nhất là báo động 3). Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các đô thị, thành phố lớn; lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi.

Người dân ngoại thành Hà Nội cõng con qua đường ngập đến trường. Ảnh: Gia Chính

Người dân ngoại thành Hà Nội cõng con qua đường ngập đến trường ngày 25/7. Ảnh: Gia Chính

Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết từ đầu năm đến nay có một áp thấp nhiệt đới vào miền Trung, một cơn bão đổ bộ miền Bắc, nhưng cả nước ghi nhận 104 người chết, mất tích, phần lớn do sạt lở đất, lũ quét. Thiệt hại vật chất ước tính 2.000 tỷ đồng. Con số này cao hơn hẳn 7 tháng đầu năm 2020 với 53 người chết, chủ yếu do giông, sét. Cả năm 2021 số người chết do thiên tai là 101, năm 2023 là 131.

Ngày 4/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính ban hành công điện yêu cầu các tỉnh thành, bộ ngành chủ động phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hoàn thiện phương án ứng phó với từng loại hình thiên tai, nhất là bão, lũ lụt, sạt lở đất.

"Các tỉnh cần rà soát, xác định khu vực nguy hiểm, nhất là sườn dốc có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét; khu vực ven sông, suối có thể ngập sâu để chủ động tổ chức di dời người, tài sản. Với những nơi chưa đủ điều kiện di dời ngay phải có phương án chủ động sơ tán khi có tình huống thiên tai", công điện nêu.

Dân quân tự vệ giúp người dân ngoại thành Hà Nội di tản đồ đạc. Ảnh: Gia Chính

Dân quân tự vệ giúp người dân ngoại thành Hà Nội di tản đồ đạc trong đợt lũ cuối tháng 7 đầu tháng 8/2024. Ảnh: Gia Chính

Bộ Tài nguyên và Môi trường được yêu cầu nâng cao chất lượng dự báo, thông tin kịp thời để cơ quan chức năng và người dân nắm được tình hình thiên tai. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, đôn đốc các địa phương trong việc phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai.

Các bộ Công Thương, Giao thông Vận tải, Quốc phòng, Công an theo chức năng nhiệm vụ chủ động ứng phó, hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống thiên tai xảy ra.

Theo vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày