Thứ 2, 25/11/2024, 02:46[GMT+7]

Tây Ninh: “Dân vận khéo” trong tích tụ ruộng đất

Thứ 4, 07/08/2024 | 08:24:41
1,022 lượt xem
Những năm qua, xã Tây Ninh (Tiền Hải) đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân không bỏ ruộng hoang, khuyến khích tích tụ ruộng đất, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới của địa phương. ​

Anh Nguyễn Ngọc Duy đầu tư hơn 4 tỷ đồng đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.

Là người đam mê làm nông nghiệp nhưng anh Nguyễn Ngọc Duy từng gặp nhiều khó khăn trong việc tích tụ ruộng đất. Nắm bắt được nguyện vọng của anh, cấp ủy, chính quyền, Hội Nông dân xã đã tuyên truyền, vận động người dân không có nhu cầu sử dụng ruộng cho anh thuê, mượn lại để sản xuất. 

Anh Duy chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi chỉ cấy 5 sào, diện tích manh mún nên hiệu quả không cao. Từ khi có sự hỗ trợ, tạo điều kiện của địa phương, tôi đã thuê, mượn được thêm ruộng để canh tác. Hiện tại tôi đã tích tụ được hơn 100 mẫu cấy giống lúa BC15. Để việc canh tác, thu hoạch thuận lợi hơn, tôi đầu tư hơn 4 tỷ đồng mua sắm máy cấy, máy gặt, thiết bị bay không người lái phun thuốc trừ sâu... Nhờ đó, tôi không chỉ giảm được công lao động mà còn bảo đảm sản lượng đạt hơn 400 tấn/vụ. Tôi mong muốn thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho gia đình tích tụ thêm nhiều diện tích để mở rộng sản xuất. 

Cùng với cấy lúa, anh Duy còn chuyển đổi hơn 3.200m2 để đào ao nuôi cá thương phẩm và trồng các loại cây ăn quả như táo, mít, chuối, hồng xiêm. Mỗi năm anh thu hoạch 10 - 13 tấn cá, tạo việc làm cho 8 lao động thường xuyên với thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/ người/tháng. Nhờ mạnh dạn tích tụ ruộng đất, đầu tư bài bản vào sản xuất, gia đình anh Duy có thu nhập 600 - 700 triệu đồng/năm.

Ông Bùi Văn Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tây Ninh cho biết: Đến nay, xã đã tích tụ được hơn 50ha, trong đó diện tích liền mảnh 20ha. Hội Nông dân xã đã vận động hội viên cấy cùng một giống lúa theo chủ trương tích tụ ruộng đất, quy vùng sản xuất của xã. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, cải tiến phương thức sản xuất đã góp phần đưa năng suất bình quân hàng năm đạt 120 tạ/ha, tăng từ 3 - 5 tạ/ha so với nhiệm kỳ trước. Cùng với đó, Hội Nông dân xã vận động hội viên mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo mô hình gia trại, trang trại, VAC và trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Nhiều tấm gương nông dân điển hình làm kinh tế giỏi, có thu nhập cao, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với thu nhập ổn định. Các vùng chuyển đổi từ đất cấy lúa sang nuôi trồng thủy sản cho thu nhập từ 70 - 100 triệu đồng/năm. 

Ông Phạm Đức Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Tây Ninh đánh giá: Trước đây, nhiều hộ dân không có nhu cầu sử dụng ruộng cho rằng khi cho các hộ khác thuê, mượn ruộng sẽ bị mất. Thời gian qua, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đã góp phần làm thay đổi nhận thức của bà con và tạo sự đồng thuận cao trong chủ trương tích tụ ruộng đất. Nhiều gia đình tích tụ được nhiều ruộng, hình thành mô hình cánh đồng mẫu lớn, trang trại tổng hợp cho hiệu quả kinh tế cao. 

Không chỉ làm tốt công tác dân vận trong tích tụ ruộng đất, cấp ủy, chính quyền xã Tây Ninh còn chú trọng chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất để mở rộng đường giao thông, xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, địa phương đã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao trong năm 2023. 

Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực, đặc biệt là tích tụ ruộng đất. Cùng với đó, hỗ trợ các hộ dân tiếp tục tích tụ ruộng đất, lựa chọn giống lúa phù hợp, nâng cao hiệu quả kinh tế, liên kết với các doanh nghiệp để bảo đảm đầu ra ổn định. 

Nguyễn Triệu 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày