Thứ 7, 21/12/2024, 20:52[GMT+7]

Quỳnh Phụ: Tập trung chăm sóc và bảo vệ lúa mùa

Thứ 7, 10/08/2024 | 08:18:20
1,720 lượt xem
Vụ mùa năm nay, thời tiết mưa nhiều khiến một số diện tích lúa mùa trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ bị ngập úng sau cấy, ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Quyết tâm phấn đấu giành vụ mùa thắng lợi, huyện Quỳnh Phụ đã chỉ đạo các địa phương tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn bà con nông dân chăm sóc và phòng, trừ sâu bệnh bảo vệ lúa mùa.

Gia đình bà Nguyễn Thị Sinh, xã Quỳnh Minh (Quỳnh Phụ) chăm sóc lúa mùa cấy lại do ngập úng và bắt ốc bươu vàng gây hại.

Gia đình bà Nguyễn Thị Sinh, xã Quỳnh Minh vụ mùa này gieo cấy 5 sào. Đợt mưa lớn khi lúa vừa xuống đồng khiến 1 sào chân ruộng trũng bị ngập, lúa bị chết. Ngay sau nước rút, gia đình bà đã tiến hành tỉa dặm và cấy lại, nỗ lực chăm bón để lúa phục hồi và phát triển tốt nhất. Bà Sinh cho biết: Được sự hướng dẫn của HTX DVNN địa phương, gia đình tôi chủ động gieo mạ dôi dư nên đủ mạ để cấy lại. Đến nay, cây lúa đang trong giai đoạn bén rễ, hồi xanh, gia đình tập trung bón thúc cho cây lúa khỏe; thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phòng, trừ sâu bệnh và diệt chuột kịp thời. 

Đợt mưa lớn vừa qua khiến 35ha lúa của xã Quỳnh Minh bị ngập và trên 10ha lúa chết phải cấy lại. Bà con trong xã đã tập trung cấy lại toàn bộ diện tích lúa chết, bảo đảm trong khung thời vụ, nỗ lực bón thúc để lúa sinh trưởng và phát triển thuận lợi. Thời điểm này, toàn bộ 220ha lúa mùa của địa phương đang trong giai đoạn bén rễ, hồi xanh, bà con xã viên tập trung bón thúc để lúa đẻ nhánh. 

Ông Đặng Công Đằng, Giám đốc HTX DVNN xã Quỳnh Minh cho biết: Những diện tích lúa mới cấy bị chết, chúng tôi yêu cầu bà con xã viên cấy lại xong trước ngày 5/8; tập trung tỉa dặm, bón phân thúc, bón đúng và đủ lượng theo khuyến cáo. Đối với diện tích trà sớm, lúa đã và đang sinh trưởng phát triển tốt cần bón phân thúc, bón kali để cây lúa khỏe. Vụ mùa này, do ảnh hưởng mưa lớn kéo dài dễ phát sinh sâu bệnh, chúng tôi đề nghị các HTX hướng dẫn bà con xã viên thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, kịp thời phát hiện và phòng, trừ sâu bệnh theo khuyến cáo của ngành chuyên môn. 

Cùng với khắc phục hậu quả sau mưa lớn, các địa phương trên địa bàn huyện tập trung phòng, trừ sâu bệnh cho lúa, nhất là phun trừ sâu đục thân hai chấm; tổ chức điều tiết nước hợp lý để việc phun phòng, trừ sâu bệnh đạt hiệu quả cao. 

Tại xã Quỳnh Hải, hiện tại qua kiểm tra trên một số chân ruộng xuất hiện sâu đục thân hai chấm. 

Ông Nguyễn Xuân Khoát, Giám đốc HTX DVNN xã Quỳnh Hải cho biết: Xác định bảo vệ lúa mùa ngay từ đầu vụ là rất quan trọng, HTX chỉ đạo bà con xã viên tập trung chăm sóc lúa, nhất là những diện tích lúa bị ngập úng, thường xuyên theo dõi đồng ruộng để phát hiện sâu bệnh phòng, trừ kịp thời. Đối với sâu đục thân hai chấm, thực hiện sự chỉ đạo của huyện, địa phương tổ chức phun phòng, trừ, đến ngày 8/8 toàn bộ diện tích lúa bị sâu đục thân hai chấm đã được phun trừ. Ngoài phòng, trừ sâu bệnh cho lúa, HTX tuyên truyền người dân các biện pháp diệt chuột và ốc bươu vàng, bảo đảm lúa sinh trưởng và phát triển tốt nhất. 

Vụ mùa năm nay, huyện Quỳnh Phụ gieo cấy gần 11.000ha. Hiện nay, nông dân trong huyện đang tập trung chăm sóc lúa mùa, trà lúa mùa sớm đang ở giai đoạn phân hóa đòng đến làm đòng; lúa mùa đại trà đang ở giai đoạn đẻ nhánh đến đẻ nhánh rộ; một số diện tích do ảnh hưởng của mưa, ngập úng, phải gieo cấy lại đang ở giai đoạn bén rễ hồi xanh. Để bảo đảm cho lúa mùa sinh trưởng, phát triển tốt, huyện Quỳnh Phụ đề nghị các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn nông dân tập trung chăm sóc, điều tiết nước hợp lý. 

Ông Đỗ Tiến Công, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Phụ cho biết: Đối với những diện tích lúa tỉa dặm, cấy lại, sinh trưởng phát triển chậm huyện yêu cầu các địa phương khẩn trương bón phân thúc kịp thời; giữ nước nông thường xuyên trong suốt giai đoạn từ sau cấy đến đẻ nhánh hữu hiệu; khi lúa bắt đầu đẻ nhánh cần bón phân thúc tập trung, bón thúc sớm để tạo điều kiện cho lúa sinh trưởng, phát triển tốt, đẻ nhánh hữu hiệu; khuyến cáo nông dân bón cân đối phân NPK theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Tổ chức diệt chuột bằng biện pháp thủ công, hóa học, tập trung vào thời điểm sau khi cấy xong lúa mùa. Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và tổ chức phòng ốc bươu vàng, sâu bệnh kịp thời, nhất là sâu đục thân hai chấm, sâu cuốn lá nhỏ, rầy các loại để bảo vệ năng suất lúa mùa. 

Nông dân xã An Ninh (Quỳnh Phụ) tập trung phun trừ sâu đục thân 2 chấm. 

Nguyễn Cường 


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày