Chủ nhật, 22/12/2024, 13:07[GMT+7]

Đông Hưng: Lúa mùa bị sâu đục thân hai chấm gây hại năng suất

Thứ 3, 24/09/2024 | 08:52:40
5,098 lượt xem
Một số diện tích lúa mùa vừa trỗ bông của huyện Đông Hưng bỗng bạc khô do sâu đục thân hai chấm gây hại khiến người dân đứng trước nguy cơ mất trắng hàng trăm tấn thóc.

Cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Đông Hưng kiểm tra diện tích lúa bị bạc bông tại xã Hà Giang.

Một số diện tích bị thiệt hại năng suất

50 mẫu ruộng chủ yếu là diện tích trũng, xen kẹt khó gieo cấy được bà Lê Thị Ngoãn, Trưởng thôn Nam Song, xã Hà Giang thuê, mượn của người dân gieo cấy từ nhiều năm nay. 

“Đầu vụ đã phải gieo cấy lại, tỉa dặm 2, 3 lần nên vợ chồng tôi vẫn động viên nhau “vạn sự khởi đầu nan”; nhưng vụ mùa năm nay quả thực quá khó khăn với nông dân, đặc biệt là những người gieo cấy quy mô lớn. Vượt qua bão số 3 rồi ngập úng do mưa, lũ, gia đình tôi cũng như nhiều hộ mừng thầm vì lúa không bị ngập sâu, không ảnh hưởng tới đòng, trỗ rất đẹp thì mấy ngày nay lại thấy bông bạc nhiều. Mỗi ngày ra thăm đồng lại thấy bạc nhiều hơn. Trong 50 mẫu ruộng của gia đình tôi có trên 30 mẫu thiệt hại nặng đến năng suất, gần 20 mẫu đang trỗ cũng có hiện tượng này” - bà Ngoãn cho biết.

Nhổ bông lúa bị bạc kiểm tra, ông Phạm Đình Chấn, thôn Tam Đồng, xã Hà Giang cho biết: Tôi cấy 30 mẫu ruộng, đến giờ có gần 20 mẫu bị bạc bông. Bông nào bị bạc khi nhổ kiểm tra đều có sâu cắn trong thân. Diện tích cấy sớm, lúa vào mẩy thì không hoặc ít bị. Đầu vụ đến giờ tôi phun 3 lần theo đúng khuyến cáo của HTX; trong đó, tập trung trừ sâu đục thân hai chấm, giai đoạn lúa thấp tho trỗ phun kết hợp phòng bệnh đạo ôn cổ bông. Vừa qua, HTX phát động phun trừ sâu đục thân hai chấm cho diện tích lúa trỗ sau ngày 10/9, tôi thuê thiết bị bay không người lái để phun, tuy nhiên sau 5 ngày kiểm tra, tẽ thân cây lúa sâu vẫn sống và gây hại.

Ruộng của một số nông dân 2 xã Đông Động, Đông Các cũng xảy ra tình trạng tương tự. Bà Vũ Thị Đoài, thôn Lam Điền, xã Đông Động cho biết: 5 sào lúa của gia đình tôi năm nay coi như mất trắng. Lúa bạc trắng bông trông như bị cháy nên không thể tạo hạt. HTX phát động 3 đợt phun nhưng tới nay, tôi phun 5 lần mà sâu vẫn gây hại.

Bà Vũ Thị Nhuệ, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Đông Hưng cho biết: Đến ngày 20/9, diện tích lúa mùa của huyện cơ bản đã trỗ bông, trong đó có khoảng 1.000ha trỗ bông sau ngày 10/9. Do mật độ sâu đục thân hai chấm rất cao, qua theo dõi trên đồng ruộng, ngày 9/9 Trạm đã có thông báo, hướng dẫn phòng, trừ sâu đục thân hai chấm và một số đối tượng sâu bệnh hại khác cho diện tích lúa trỗ sau ngày 10/9, thời gian phun từ ngày 11 - 14/9, trong đó nhấn mạnh với các vùng có mật độ sâu cao phải phun kép (phun lần 2 khi lúa trỗ thoát hoàn toàn).

“Một mất mười ngờ”

Xót xa trước 8,3 mẫu lúa nhiều nguy cơ mất trắng, anh Phạm Văn Hiếu, thôn Tam Đồng, xã Hà Giang chia sẻ: Ruộng nhà tôi nằm ở vùng cao. Khi mưa, bão, nước trong ruộng có cao nhưng không ngập nặng như các nơi khác. Sau bão, lúa trỗ rất đều, đẹp. Từ đầu vụ đến nay, thực hiện đúng theo khuyến cáo của HTX, tôi phun 3 đợt phòng, trừ sâu bệnh. Thuốc bảo vệ thực vật tôi mua đúng theo khuyến cáo tại đại lý uy tín vẫn tin mua nhiều năm qua. Thấy lúa cứ bạc dần, giờ trắng xóa ruộng, chúng tôi vừa xót công sức, tiền của vừa hoang mang không hiểu nguyên do vì sao phun rồi mà sâu vẫn không chết.

Với hơn 40 năm cấy lúa, ông Phạm Đình Chấn cho biết thêm: Chưa bao giờ tôi thấy sâu đục thân hai chấm có mật độ cao như năm nay, lại nhiều lứa gối nhau. Chúng tôi nhận định thiệt hại này phần vì mật độ sâu quá cao, phần vì hiệu lực phòng, trừ của các loại thuốc đã giảm do sâu kháng thuốc.

Ông Phạm Đình Khải, Phó Giám đốc HTX DVNN Đông Hà, xã Hà Giang cho biết: HTX đã phát động bà con phun trừ sâu đục thân hai chấm từ ngày 11 - 14/9 cho khoảng 30% diện tích lúa mùa trỗ sau ngày 10/9 để hạn chế bông bạc và phun kép lần 2 cho những vùng có mật độ sâu cao, kết hợp phòng bệnh đạo ôn cổ bông cho các giống nhiễm khi gặp thời tiết bất thuận. Tuy nhiên, trong thời gian phát động thời tiết có mưa dẫn tới hiệu quả phòng, trừ không được như mong muốn cộng với mật độ sâu đục thân hai chấm năm nay quá cao, nhiều diện tích lúa đang trỗ ghi nhận mật độ 15 - 20 ổ trứng/m2, lúa rải vụ nên khó khăn trong công tác phòng, trừ.

Bà Vũ Thị Nhuệ, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện cho biết thêm: Sâu đục thân hai chấm là một đối tượng gây hại nguy hiểm đối với cây lúa, chúng phát sinh và gây mạnh nhất trong vụ mùa. Không giống như các đối tượng gây hại khác, sâu đục thân hai chấm gây hại từ giai đoạn mạ đến cuối vụ. Sâu non có khả năng đục qua bẹ, lá đòng và chui vào trong thân cây lúa để sinh sống. Việc phun thuốc chỉ đạt hiệu quả ở thời điểm sâu non nở rộ và đang ở tuổi 1. Bước sang tuổi 2, sâu đã đục vào trong thân, phun khi đó hiệu lực không cao.

Ông Mai Thanh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Chi cục sẽ cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá, tìm hiểu nguyên nhân. Đối với diện tích lúa đang trỗ phải phun thuốc phòng, trừ sâu đục thân hai chấm, bệnh đạo ôn cổ bông khi lúa thấp tho trỗ và phun lại khi lúa trỗ thoát hoàn toàn.

Vụ mùa năm nay, mật độ sâu đục thân hai chấm rất cao, nguy cơ gây hại năng suất đã được cảnh báo từ sớm. Ngành nông nghiệp đã tập trung cao độ, quyết liệt trong công tác điều tra, dự tính, dự báo, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn bà con nông dân phun trừ kịp thời. Tuy nhiên, để ngăn chặn nguy cơ sâu bệnh gây hại trên diện rộng, hơn hết mỗi nông dân cần khắc phục những thói quen sử dụng thuốc không đúng khuyến cáo, phải tuân thủ đúng thời điểm phòng, trừ, sử dụng thuốc theo nguyên tắc “4 đúng”.

Gia đình bà Lê Thị Ngoãn, thôn Nam Song, xã Hà Giang có khoảng 30 mẫu bị bạc bông.

Ngân Huyền 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày