Vũ Vân: Khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất
Gia đình chị Lê Thị Hiền, thôn Quang Trung là 1 trong 31 hộ dân của xã Vũ Vân sinh sống ở vùng bãi ngoài đê bối. Chị Hiền chia sẻ, trước khi lũ về gia đình chị mới kịp di chuyển ti vi, tủ lạnh, một số đồ điện tử và đồ dùng thiết yếu vào nhà người thân phía trong đê. Những đồ cồng kềnh như giường, tủ kệ cùng với sách vở, quần áo... chị chỉ kịp kê cao lên 1m so với nền nhà. Nhưng không ngờ nước lũ dâng nhanh và cao, toàn bộ gia trại, vườn ao và ngôi nhà của gia đình chị ngập chìm trong nước. Lũ rút để lại lớp bùn đất phù sa phủ đầy tường nhà và đồ đạc. Toàn bộ giáo án, đồ dùng dạy học của chị, sách vở học tập của các con, máy in, quần áo, đồ gia dụng đều thiệt hại hết; giường tủ, bàn ghế hư hỏng nặng. Gần 2 mẫu vườn, ao trồng hòe, chuối, nuôi cá của gia đình chị cũng “ra đi” theo nước lũ, chỉ tính riêng chi phí đầu tư cá giống đã mất 50 triệu đồng.
“Nhìn nhà cửa tan hoang sau lũ tôi buồn lắm; nhưng có bà con động viên, hỗ trợ, vợ chồng tôi tiến hành tổng vệ sinh, dọn dẹp nhà cửa. Các ổ điện và hệ thống điện bị lũ ngập nước nên gia đình tôi phải tháo ổ điện, sấy khô trước khi nối điện trở lại. Sau hơn 2 tuần gia đình tôi đã ổn định chỗ ở, sinh hoạt, đang tính toán kế hoạch khôi phục sản xuất, trong đó khó khăn nhất là nguồn vốn” - chị Hiền chia sẻ.
Gia trại rộng 2,5 mẫu nuôi thả cá và trồng cây ăn trái của gia đình ông Bùi Đình Uân, thôn Thái Sa ngập chìm trong nước lũ, thiệt hại ước tính khoảng 70 triệu đồng. Ông cho biết: Nhìn vốn liếng, công sức mình đầu tư ra bị cuốn theo nước lũ, tôi xót xa vô cùng. Hơn nữa, vốn đầu tư do gia đình tôi vay mượn ngân hàng nên càng lo lắng. Nhưng tôi nghĩ, so với thiệt hại lũ, bão của bà con vùng cao thì vẫn chưa thấm vào đâu. Bởi vậy, vợ chồng tôi động viên nhau đợi thêm một thời gian nữa thời tiết ổn định sẽ bắt tay vào cải tạo đầm ao để chờ vụ nuôi thả mới, trồng lại cây ăn quả trên vườn. Trước mắt, gia đình tôi dự định sẽ mở rộng diện tích gieo trồng bắp cải, hy vọng có thêm chút thu nhập, phần nào bù đắp thiệt hại đợt lũ vừa qua.
Hơn 6 sào hoa cúc của gia đình bà Phạm Thị Xuân, thôn Thái Sa chuẩn bị cho thu hoạch thì bão, lũ làm thiệt hại gần 100 triệu đồng. Bà Xuân dự định trồng lứa hoa khác thay thế nhưng hiện nay nguồn hoa giống khan hiếm do các vùng trồng hoa ở Nam Định, Thái Bình vừa qua cũng bị ngập lụt. Trước tình huống này, gia đình bà Xuân quyết định chuyển sang trồng rau màu và bắp cải thay thế cho cây hoa ở vụ đông năm nay.
Do ảnh hưởng bão số 3 và lũ dâng, xã Vũ Vân có 110ha vùng bãi sản xuất rau màu, 5 gia trại và 31 hộ sinh sống ở phía ngoài đê bao bị ngập lụt nghiêm trọng. Hậu quả đợt lũ lụt, toàn xã có 11ha lúa bị thiệt hại 100%, 200ha lúa bị giảm 30 - 50% năng suất; 65ha nuôi thả thủy sản, 2,5ha cây cảnh và cây dược liệu có giá trị cao, 30ha cây ăn quả... thiệt hại hoàn toàn. Ước tính tổng thiệt hại kinh tế toàn xã trong đợt lũ vừa qua trên 50 tỷ đồng. Do áp lực nước lũ, 50m đê bao vùng màu bị vỡ, sạt trượt 150m chân đê bối, sạt trượt 2 điểm chân đê tại tuyến đê quốc gia, 3 cống qua đê hư hại.
Ông Bùi Đình Bằng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Ngay khi nước lũ rút, xã tổ chức phun hóa chất tiêu độc khử trùng và vận động nhân dân tiến hành tổng vệ sinh nhà cửa, chuồng trại để bảo đảm môi trường và phòng ngừa dịch bệnh. Mặc dù lũ đã rút nhưng đến ngày 25/9, toàn bộ vùng bãi sản xuất rau màu của xã vẫn ngập nước do triều cường, bà con chưa thể khôi phục sản xuất. Xã tuyên truyền, hướng dẫn bà con tận dụng diện tích vườn, ruộng cao phía trong đê để kịp thời ươm, gieo cây giống, sẵn sàng đưa ra đồng trồng khi nước rút hẳn. Ngoài cây bắp cải truyền thống, xã tuyên truyền bà con chọn các loại cây màu và cây ngô nếp lai HN88 để trồng trong vụ đông năm nay. Xã đã chuẩn bị máy móc, vật tư, nhân lực, chờ khi nước rút cạn hoàn toàn sẽ khẩn trương tiến hành đắp lại đoạn đê bao vùng màu bị vỡ và tu bổ, gia cố 3km đê bao này. Địa phương rất mong tỉnh, huyện sớm quan tâm xử lý, gia cố các điểm sạt trượt trên tuyến đê quốc gia và đê bối tại địa bàn. Trong đợt lũ này, xã cũng đề xuất huyện hỗ trợ chi phí đầu tư giống rau bắp cải và giống ngô nếp lai HN88 tại 70ha vùng sản xuất rau an toàn của địa phương, tạo động lực để nông dân Vũ Vân khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất.
Nông dân xã Vũ Vân tập trung chăm sóc, bảo vệ tốt cây bắp cải giống, sẵn sàng đưa ra trồng ở vùng bãi khi đồng ruộng tiêu nước hoàn toàn.
Quỳnh Lưu
Tin cùng chuyên mục
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- Thái Thụy: Khó khăn tiêu úng cho lúa ngập sau bão 08.09.2024 | 18:31 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Quỳnh Phụ: Triển khai cơ chế, chính sách về tích tụ đất đai 07.12.2023 | 16:09 PM
- Thái Thụy: Chủ động tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp 27.09.2023 | 18:15 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
- Mật độ sâu cuốn lá nhỏ cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ nhiều năm 15.08.2023 | 15:45 PM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng