Thứ 6, 27/12/2024, 02:51[GMT+7]

Khoảng trống “4 tại chỗ”

Chủ nhật, 20/10/2024 | 08:03:28
270 lượt xem
Ứng phó với đợt bão, lũ trong tháng 9 vừa qua, huyện Vũ Thư triệt để áp dụng phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ). Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy vẫn còn những khoảng trống, hạn chế trong việc chuẩn bị và triển khai công tác ứng phó với thiên tai theo phương châm này.

Bạt, bao bì, đất cát, tre, luồng... là những vật tư thiết yếu và cần số lượng lớn để phục vụ công tác ứng phó với mưa lũ, cứu hộ các tuyến đê.

Xã Tân Lập có hơn 5 km đê quốc gia và 1 km đê bối dân cư. Ông Trần Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã cho biết, chủ động theo phương châm “4 tại chỗ” bước vào mùa mưa bão, xã đã ký hợp đồng với 5 chủ bến bãi tập kết cát, đất; 5 xe tải chuyên chở vật liệu; 5.000 chiếc bao bì phục vụ công tác phòng, chống lũ, bão. Nhưng khi nước lũ dâng nhanh, 100% điểm tập kết cát, đất, thậm chí cả 2/5 phương tiện xe tải đều bị ngập chìm trong nước, không thể sử dụng cho việc ứng cứu đê, chống lũ. Số lượng bao bì cần sử dụng trong thực tế vượt gấp 5 lần số bao bì đã chuẩn bị.

Xã Bách Thuận nằm giáp sông Hồng với hơn 11.600 nhân khẩu sinh sống phía ngoài đê quốc gia. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Kim Sáu cho biết, đối chiếu với phương châm “4 tại chỗ”, sau đợt mưa, lũ vừa qua Bách Thuận rút ra một số bài học. Thứ nhất, công tác chỉ huy tại chỗ chưa phát huy hiệu quả tối đa do vẫn còn một số cán bộ, đảng viên còn lúng túng, chưa linh hoạt trong công tác điều hành, chỉ huy nhiệm vụ ứng phó, cứu hộ đê. Thứ hai, việc chuẩn bị vật tư phải rất linh hoạt, chủ động. Đối với Bách Thuận, nghe thông tin xả lũ, trước khi lũ dâng chúng tôi đã xuống trực tiếp vận động các hộ kinh doanh vật liệu xây dựng tạm dừng xuất bán cát, dự phòng 500m3 cát; vận động các hộ, trang trại chăn nuôi ủng hộ bao bì. Thực tế, đây là những vật liệu rất quý giá phục vụ công tác chống tràn đê hiệu quả. Thứ ba, hậu cần tại chỗ, trên thực tế chưa tốt vì khi lũ dâng, mỗi ngày toàn xã huy động hơn 1.000 lượt người tham gia chống lũ, cần nguồn kinh phí và người phục vụ lớn. Trong khó khăn, nhân dân đã phát huy tinh thần đoàn kết, tự vận động kinh phí, mua bánh mì, nước uống phục vụ người chống lũ.

Trực tiếp tham gia công tác ứng phó với bão, lũ tại cơ sở, ông Nguyễn Hữu Mạnh, Trưởng thôn Hội Kê, xã Hồng Lý chia sẻ: Sau gần 30 năm không có lũ lớn nên tâm lý người dân khá chủ quan. Hàng năm, việc chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện theo yêu cầu “4 tại chỗ” mang tính chất chiếu lệ. Ví dụ, thực tế thôn có lập danh sách đủ số lượng cừ sách, canh coi hộ đê nhưng nhân lực này biến động liên tục, khi bão, lũ bất ngờ, cần gấp không thể huy động được. Hay công tác chỉ huy, đối với cán bộ cấp thôn, mặc dù đã được tập huấn công tác hộ đê nhưng khi xảy ra tình huống đê điều cần xử lý chúng tôi chưa có kỹ năng, kinh nghiệm để chỉ huy, chỉ đạo. Đặc biệt, khi chống tràn trên toàn tuyến, số lượng vật tư, phương tiện cần huy động là rất lớn, vượt xa so với số lượng đã chuẩn bị. Tuy nhiên, “Khi vật tư chống lũ của xã thôn gặp khó khăn, lúc nguy cấp, gia đình tôi không ngần ngại ủng hộ 300m3 đất, cát có sẵn tại vườn nhà để ứng cứu” - bà Nguyễn Thị Oanh, thôn Hội Kê chia sẻ.

Ông Trần Đức Toản, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư cho biết, về cơ bản toàn huyện đã thực hiện khá tốt phương châm “4 tại chỗ”; tuy nhiên, qua đợt ứng phó, khắc phục hậu quả bão, mưa, lũ vừa qua cho thấy vẫn còn một số hạn chế. Bão to, lũ lớn bất ngờ và nhiều năm nay mới xuất hiện nên nhiều xã còn lúng túng trong điều hành, chỉ đạo, triển khai ứng phó; lực lượng chỉ huy tại chỗ có nhưng thiếu kỹ năng, kinh nghiệm công tác hộ đê. Việc huy động phương tiện, vật tư còn bị động, thiếu, chậm, còn trông chờ sự hỗ trợ của cấp trên; đặc biệt, hầu hết các bến bãi tập kết vật tư đất đá, cát ở các xã duyên giang đều bị ngập chìm trong nước, gây khó khăn rất lớn cho việc cứu hộ đê. Việc thành lập các đội cừ sách, xung kích phòng, chống thiên tai ở một số xã còn mang tính hình thức; lực lượng này chưa có kỹ năng, kinh nghiệm xử lý các sự cố kỹ thuật đê điều khi xảy ra mưa, lũ... Tuy nhiên, một điều rất tuyệt vời là khi “4 tại chỗ” còn những khoảng trống, hạn chế nhất định, thì ngược lại tinh thần đoàn kết, sự ủng hộ nhiệt tình sức người, sức của của các tầng lớp nhân dân đã giúp các địa phương và huyện vượt qua khó khăn, bảo vệ, chống tràn thành công các tuyến đê, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân.

Khắc phục những hạn chế của phương châm “4 tại chỗ” trong đợt ứng phó với bão lũ vừa qua, UBND huyện Vũ Thư đã kịp thời chỉ đạo, yêu cầu UBND các xã tổ chức họp rút kinh nghiệm, bổ khuyết những tồn tại, thiếu sót trong công tác chỉ huy, chỉ đạo nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Đặc biệt, thời gian tới huyện sẽ tăng cường tập huấn kỹ năng, kỹ thuật ứng cứu, xử lý sự cố đê điều, chống tràn cho lực lượng chỉ huy và canh coi, cừ sách, phát huy tối đa hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” trong công tác phòng, chống thiên tai.

Chủ động vật tư, phương tiện giúp xã Vũ Tiên kịp thời xử lý sự cố rò rỉ, bảo vệ an toàn tuyến đê quốc gia.

Quỳnh Lưu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày