Thứ 6, 27/12/2024, 07:02[GMT+7]

Bảo đảm an toàn hệ thống đê sau lũ, bão

Thứ 3, 22/10/2024 | 09:14:30
1,460 lượt xem
Đã một tháng trôi qua từ khi bão số 3 và mưa lớn từ hoàn lưu của bão gây ra đợt lũ lịch sử tại các tỉnh, thành phố phía Bắc, trong đó có Thái Bình. Lũ trên các sông khu vực Thái Bình đều vượt báo động 3; đặc biệt, lũ trên sông Trà Lý vượt mức lũ lịch sử năm 1971, gây nhiều thiệt hại về tài sản tại các địa phương trong tỉnh. Sau lũ, tỉnh yêu cầu các địa phương rà soát, triển khai công tác bảo đảm an toàn hệ thống đê, sẵn sàng ứng phó với diễn biến lũ, bão trong thời gian tới.

Đoạn đê bối xã Việt Hùng (Vũ Thư) bị vỡ ngày 11/9, gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân làng chài Bình Yên.

Bài “test” an toàn hệ thống đê 

Dù không xảy ra vỡ đê quốc gia nhưng đợt mưa, lũ lịch sử vừa qua giống như một bài “test” về khả năng chống chịu của hệ thống đê toàn tỉnh. Nhiều đoạn đê đã bị đe dọa, xuất hiện sự cố ở nhiều tuyến đê chính, qua đó cho thấy nguy cơ mất an toàn đê vẫn đang hiện hữu. Nhiều vùng duyên giang tại các địa phương đã xảy ra tình trạng nước tràn qua đê bối, bờ bao, gây ngập úng diện rộng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân. 

Theo thống kê, hệ thống đê toàn tỉnh đã ghi nhận 51 sự cố, uy hiếp đến an toàn đê; trong đó, từ ngày 11 - 13/9 các tuyến đê chính, đê quốc gia trên địa bàn tỉnh bắt đầu xuất hiện các sự cố, được phát hiện, xử lý kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ”, điển hình như: sự cố lỗ rò cống trạm bơm tiêu tại vị trí K170+950 đê tả Hồng Hà II xã Vũ Tiến (Vũ Thư); 3 mạch sủi tại đê tả Trà Lý, xã Minh Phú (Đông Hưng); trạm bơm Múc không đủ công suất và bị tràn bờ kênh xả phải xử lý tạm bằng đắp con trạch; nước tràn qua cánh phai cống trạm bơm Sa Lung và cống trạm bơm Bồ Xuyên... Đồng thời, phát sinh các sự cố đê không thuộc danh mục, vị trí các loại trọng điểm xung yếu đã được rà soát hàng năm trước mùa mưa bão. 

Phát huy hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” 

Với tinh thần chủ động triển khai theo phương châm “4 tại chỗ” cùng sự chỉ đạo kịp thời, sát sao của các cấp, các ngành, các địa phương, toàn tỉnh đã huy động nhanh nhất lực lượng hỗ trợ, chủ động, sẵn sàng ứng phó với thiên tai. 

Tại vị trí Km170+950 đê tả Hồng Hà II xã Vũ Tiến (Vũ Thư) đã xảy ra sự cố lỗ rò cống trạm bơm tiêu (đã hoành triệt). Đây là sự cố được đánh giá rất nguy hiểm, có nguy cơ gây vỡ đê quốc gia. 

Ông Trần Văn Hinh, Chủ tịch UBND xã Vũ Tiến nhớ lại: Trưa ngày 12/9, lực lượng canh gác đê phát hiện dưới chân đê tả Hồng Hà II, phía trong đồng xuất hiện một khe nước nhỏ chảy từ thân đê ra. Vị trí khe nước vốn là một cống nhỏ qua đê và trạm bơm đã được xây dựng từ lâu, đã được hoành triệt, không sử dụng nhiều năm nay. Ngay khi phát hiện, xã Vũ Tiến đã báo cáo huyện và khẩn trương tiến hành xử lý sự cố theo phương châm “4 tại chỗ”. Xã đã huy động lực lượng hơn 100 người cùng với sự hỗ trợ của nhân dân địa phương; vận chuyển, đóng hơn 600 bao tải trên 50 khối đất, cát; huyện Vũ Thư hỗ trợ máy móc tiến hành đóng cọc, lập kè, chèn các bao đất, bao cát tại vị trí cửa cống qua đê (cũ) phía sông. Đến khoảng 21 giờ cùng ngày sự cố đã được khắc phục xong. 

Cùng cán bộ Hạt Quản lý đê huyện Đông Hưng kiểm tra lại hiện trạng vị trí 3 mạch sủi tại đê tả Trà Lý, thuộc địa phận xã Minh Phú xảy ra tối ngày 11/9, chúng tôi cảm nhận được mức độ nguy hiểm, rủi ro nếu như sự cố này không kịp thời được khắc phục. 

Ông Đào Mạnh Hùng, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê huyện cho biết: Sau được lực lượng canh gác đê xã Minh Phú báo cáo việc xuất hiện một vị trí mạch sủi tại đê tả Trà Lý, chúng tôi đã ngay lập tức có mặt tại hiện trường, cùng với chính quyền địa phương chuẩn bị đầy đủ phương tiện, vật tư để xử lý với phương châm “4 tại chỗ”. Tuy nhiên, sau khi xử lý xong vị trí mạch sủi đầu tiên, khoảng hơn một tiếng sau tại các khu vực bãi đê trong, cách đó khoảng 50 - 100m xuất hiện thêm các mạch sủi, giếng phụt nước đục với mức độ phức tạp hơn. Do đó, chúng tôi đã chủ động báo cáo tình hình lên Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh để được hỗ trợ kỹ thuật. 

Là cán bộ kỹ thuật được tăng cường để ứng cứu sự cố trên, ông Nguyễn Bảo Khương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) xác định đây là sự cố phức tạp, xảy ra trên tuyến đê quốc gia, tiềm ẩn nguy cơ cao gây vỡ đê. Chúng tôi đã huy động, phân công các lực lượng tiếp tục tuần tra, rà soát để xác định chính xác số lượng, vị trí các mạch sủi. Đồng thời, hướng dẫn các phương án kỹ thuật phù hợp để kịp thời khắc phục sự cố sớm nhất, bảo đảm tuyệt đối an toàn đê. 

Khẩn trương rà soát, đánh giá hiện trạng đê 

Với hệ thống đê toàn tỉnh lên tới gần 585km, trong đó có nhiều điểm đê xung yếu, rất khó bảo đảm sẽ không xảy sự cố về đê trong tương lai. 

Ông Nguyễn Mạnh Khương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Qua công tác kiểm tra, xử lý các sự cố công trình đê điều tại các tuyến đê trên địa bàn tỉnh khi có lũ, một số địa phương đã làm tốt công tác phát quang mái đê. Tuy nhiên, một số địa phương chưa thực hiện nghiêm công tác phát quang mái đê, gây khó khăn trong công tác kiểm tra, không bảo đảm yêu cầu tuần tra, canh gác, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố. Do đó, để bảo đảm an toàn hệ thống đê toàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành văn bản yêu cầu khẩn trương rà soát, triển khai công tác bảo đảm an toàn hệ thống đê, sẵn sàng ứng phó với diễn biến lũ, bão trong thời gian tới. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tổ chức phát quang mái, chân đê và trong phạm vi bảo vệ công trình phục vụ công tác tuần tra, phát hiện và kịp thời xử lý sự cố; giải tỏa, thanh thải vật cản, chướng ngại vật lấn chiếm bãi sông, lòng sông; nạo vét, khơi thông hệ thống kênh tiêu bảo đảm tiêu úng, thoát lũ. Khẩn trương tổ chức kiểm tra đánh giá tình trạng an toàn công trình đê điều, thủy lợi sau mưa, lũ; chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện và phương án kỹ thuật xử lý sự cố... 

Thái Bình đã vượt qua bài “test” lũ lịch sử một cách an toàn, hạn chế tối đa thiệt hại về tài sản cho nhân dân. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn bền vững cho những tuyến đê trước diễn biến ngày càng phức tạp của thiên tai, mưa, lũ, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị cần chủ động các phương án ứng phó, xử lý kịp thời các tình huống xảy ra. Trước mắt, cần chủ động rà soát, khắc phục nhanh các điểm đê xung yếu sau mưa, lũ. Về lâu dài, cần khẩn trương kiểm tra, đánh giá hiện trạng các tuyến đê, đầu tư kinh phí thỏa đáng bảo đảm hệ thống đê chống chịu được với những trận mưa lũ lớn như vừa qua cũng như bảo đảm tốt nhất không gian thoát lũ trên các lưu vực sông.

Kiểm tra, rà soát hiện trạng sự cố mạch sủi tại đê Tả Trà Lý, thuộc địa phận xã Minh Phú (Đông Hưng).

Nguyễn Thơi

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày