Chủ nhật, 22/12/2024, 21:50[GMT+7]

Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV: Thảo luận tại tổ về các dự án luật

Thứ 5, 24/10/2024 | 19:43:59
11,983 lượt xem
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, chiều ngày 24/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và dự án Luật Dữ liệu. Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình làm tổ trưởng chủ trì tổ thảo luận số 10, gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Thái Bình, Đắk Nông, Tiền Giang.

Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình phát biểu tại tổ.

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật, theo đó tập trung vào các nội dung thực sự cần thiết, cấp bách để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm xã hội; những nội dung được quy định nhằm tháo gỡ bất cập, vướng mắc, khó khăn đã được tổng kết qua thực tiễn. Các nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với mục đích, yêu cầu xây dựng Luật và thống nhất với 4 chính sách đã được thông qua khi đề nghị đưa dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, bao gồm việc: Điều chỉnh đối tượng tham gia bảo hiểm y tế đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan; điều chỉnh phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ bảo hiểm y tế và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn; điều chỉnh các quy định bảo hiểm y tế có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh, phát huy vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; phân bổ, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế hiệu quả. Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội cũng thảo luận về các điều khoản cụ thể như về quy định liên quan đến đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, mức đóng, trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế, phương thức đóng bảo hiểm y tế, thẻ bảo hiểm y tế; phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế, mức hưởng bảo hiểm y tế; thanh quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh, chi phí quản lý quỹ bảo hiểm y tế; quy định về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế; trách nhiệm của các cơ quan về bảo hiểm y tế... 

Đối với Luật Dữ liệu, các đại biểu Quốc hội cho biết dự thảo Luật Dữ liệu được Chính phủ xây dựng với 7 chương và 67 điều quy định về xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị, quản lý dữ liệu; ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu; quỹ phát triển dữ liệu; cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; trung tâm dữ liệu quốc gia; sản phẩm dịch vụ về dữ liệu. Bố cục dự thảo Luật đáp ứng yêu cầu kỹ thuật lập pháp, các nội dung quy định trong dự thảo Luật cơ bản bám sát mục tiêu, quan điểm, chính sách đã được Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua trong giai đoạn lập đề nghị xây dựng Luật Dữ liệu; thể chế đúng quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số quốc gia, tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, góp phần xây dựng Chính phủ số, xã hội số. Các ý kiến cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, đầy đủ quy định của pháp luật có liên quan, trong đó có những dự án luật đang được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới để xác định nội dung chưa phù hợp, mâu thuẫn, chồng chéo và đề xuất phương án xử lý để bảo đảm tính khả thi, đồng bộ và thống nhất trong hệ thống pháp luật. 

Trước đó, trong phiên họp buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết đã có 25 đại biểu Quốc hội phát biểu, 1 đại biểu tranh luận, hầu hết các đại biểu đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo, các bộ, ngành hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, giải trình đầy đủ, cụ thể ý kiến của đại biểu Quốc hội, hoàn thiện nội dung dự thảo Luật. Đa số ý kiến cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo Luật và báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời đề nghị làm rõ, chỉnh lý một số nội dung cụ thể về việc gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động là người nước ngoài, việc gia nhập công đoàn của tổ chức người lao động tại doanh nghiệp, giám sát và phản biện xã hội của công đoàn, về bảo đảm tổ chức bộ máy, cán bộ công đoàn, về tài chính công đoàn, tài sản công đoàn... nhằm xây dựng tổ chức công đoàn đủ mạnh, thực sự là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân, của người lao động trong giai đoạn cách mạng mới, ngang tầm với yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. 

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh)