Thứ 6, 22/11/2024, 17:38[GMT+7]

Khử trùng, tiêu độc bảo vệ đàn gia súc, gia cầm

Thứ 5, 31/10/2024 | 21:24:36
609 lượt xem
Thời gian qua, các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã tăng cường các giải pháp như: triển khai tổng vệ sinh khử trùng, tiêu độc, xử lý chất thải chăn nuôi theo quy trình, nhằm tiêu diệt mầm bệnh truyền nhiễm trong môi trường, hạn chế và ngăn chặn sự phát sinh và lây lan dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường.

Chăn nuôi gà đẻ trứng tại trang trại của một hộ dân xã Vũ Đoài (Vũ Thư).

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có đàn trâu, bò đạt 59,5 nghìn con; đàn lợn 711,5 nghìn con; đàn gia cầm 12,9 triệu con. Để bảo vệ đàn gia súc, gia cầm cùng với tiêm phòng, phun hóa chất khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi được coi là một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu trong phòng, chống dịch bệnh. 

Ông Phạm Văn Lý, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, đang là thời điểm chuyển mùa, sức đề kháng của gia súc, gia cầm yếu. Vì vậy, phun khử trùng, tiêu độc là một biện pháp rất quan trọng để tiêu diệt mầm bệnh lưu trữ, phát tán trong môi trường, hạn chế dịch bệnh xảy ra và cắt đứt được vòng truyền lây mầm bệnh xâm nhập vào vật nuôi cũng như con người. Thời gian qua, Chi cục cũng khuyến cáo để hạn chế ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi cũng như bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, các trang trại, hộ chăn nuôi cần phát quang cây cỏ xung quanh chuồng nuôi, quét dọn thu gom rác để đốt hoặc chôn, khơi thông cống rãnh và vệ sinh sạch sẽ khu vực nuôi nhốt gia súc, gia cầm. Quá trình vệ sinh khử trùng, tiêu độc cần chú ý lựa chọn đúng phương pháp, hóa chất phù hợp, hiệu quả cao, đồng thời bảo đảm an toàn cho con người, vật nuôi, không gây hại đến môi trường. Trong đó, đối với các trang trại nuôi tập trung, phải có hố sát trùng, phun khử trùng, tiêu độc trong chuồng nuôi, không cho người lạ ra vào khu vực chăn nuôi. Quét dọn sạch sẽ định kỳ nhằm hạn chế mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài. Đối với các hộ nuôi nhỏ lẻ, phải thường xuyên quét dọn, ủ phân, định kỳ dùng vôi bột rải nền chuồng hoặc pha nước vôi để quét tường, sàn, khu vực ủ phân phải ủ vôi để tiêu diệt mầm bệnh. Thực hiện tháng tổng vệ sinh khử trùng, tiêu độc môi trường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm đợt 2 năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh cấp 6.000 lít hóa chất hỗ trợ các địa phương để triển khai tháng vệ sinh khử trùng, tiêu độc. 

Tại huyện Thái Thụy công tác khử trùng, tiêu độc được huyện quan tâm chú trọng và thực hiện đồng bộ tháng tổng vệ sinh khử trùng, tiêu độc. Bà Lê Thị Sinh, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thái Thụy cho biết: Huyện Thái Thụy được cấp 800 lít hóa chất trong tháng tổng vệ sinh khử trùng, tiêu độc môi trường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm đợt 2 năm 2024. Sau khi được cấp thuốc khử trùng, huyện đã phân bổ cho các địa phương để triển khai phun tiêu độc, khử trùng cho các khu vực có nguy cơ cao như các điểm họp chợ, cơ sở chăn nuôi, giết mổ, khu vực chợ buôn bán gia súc gia cầm, nơi công cộng. Ngoài ra các hộ chăn nuôi tại các xã, thị trấn trên địa bàn cũng tổ chức phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, thu gom xử lý chất thải, chất độn chuồng, sau đó khử trùng bằng hóa chất, vôi bột. 

Anh Ngô Văn Luân, xã Thái Phúc (Thái Thụy) chia sẻ: Thời điểm này, thời tiết ở giai đoạn chuyển mùa làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi nên rất dễ phát sinh dịch bệnh. Vì vậy, việc khử trùng, tiêu độc sẽ giúp tiêu diệt, hạn chế mầm bệnh tồn tại ở môi trường chăn nuôi, góp phần ngăn ngừa dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng ở gia súc, dịch tai xanh ở lợn. Để bảo vệ đàn vật nuôi của gia đình, tôi mua 50kg vôi bột, 3 lít hóa chất về phun khử trùng khu vực chăn nuôi, vôi bột rắc xung quanh khu chăn nuôi với tần suất 1 lần/tuần. 

Là một trong những hộ chăn nuôi gà có quy mô lên đến 3.000 con nên ngoài việc thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin, gia đình ông Nguyễn Văn Khánh, xã Duy Nhất (Vũ Thư) còn thường xuyên phun hóa chất, rắc vôi bột vệ sinh khử trùng, tiêu độc cho đàn vật nuôi theo định kỳ 1 lần/tuần bởi theo ông đây là biện pháp phòng dịch hữu hiệu nhất. Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp nên từ nhiều năm nay trang trại của gia đình ông không xuất hiện dịch bệnh. 

Để hạn chế dịch bệnh phát sinh và lây lan, đặc biệt trong giai đoạn và điều kiện chăn nuôi hiện nay, các địa phương và mỗi người chăn nuôi cần nghiêm túc thực hiện việc phun khử trùng, tiêu độc, bảo vệ đàn vật nuôi, góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển bền vững. 

Hộ chăn nuôi xã Dương Phúc (Thái Thụy) rắc vôi bột tiêu độc khử trùng tại chuồng chăn nuôi gia cầm. 

Mạnh Thắng 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày