Chủ nhật, 24/11/2024, 09:19[GMT+7]

Hướng đi mới của nông dân xã Trọng Quan

Thứ 2, 11/11/2024 | 07:52:00
973 lượt xem
Nhờ mạnh dạn đầu tư, đưa các giống cây trồng mới, con giống mới vào gieo trồng, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, nông dân xã Trọng Quan (Đông Hưng) đã tìm được hướng đi mới trong phát triển kinh tế, từ đó từng bước làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Mô hình trồng dưa chuột sạch trong nhà lưới của gia đình ông Phạm Xuân Khánh, thôn Hưng Quan, xã Trọng Quan tạo việc làm cho 4 lao động với thu nhập từ 4 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Sau khi trải qua nhiều nghề nhưng thu nhập không ổn định nên năm 2021, ông Trần Văn Thuật, thôn Vinh Hoa quyết định đưa giống cá chạch sụn về nuôi thử trên vùng chuyển đổi của gia đình. Trên tổng diện tích nuôi gần 5 sào, ông Thuật đã cải tạo ao để thuận tiện cho việc chăm sóc, quản lý và thu hoạch. 

Ông Thuật chia sẻ: Do cá chạch sụn có hiệu quả kinh tế cao, kỹ thuật nuôi không phức tạp, trong khi đó trên địa bàn tỉnh lại có rất ít mô hình nên tôi đã quyết định đưa vào nuôi thử. 

Từ đầu năm đến nay, gia đình ông Thuật đã thu hoạch được 1 vụ với tổng sản lượng 9 tấn, doanh thu đạt 630 triệu đồng; dự kiến đến cuối tháng 11 sẽ tiếp tục cho thu hoạch với sản lượng khoảng 7 - 8 tấn. Chạch sụn là loại cá rất kén nguồn nước, dễ nhiễm nấm và chướng bụng, đầy hơi nên ông Thuật rất chú ý đến vệ sinh nguồn nước, ao nuôi; cứ sau mỗi đợt thu hoạch, ông lại dành ra 10 ngày để cải tạo ao, sau đó mới tiếp tục nuôi lứa khác. 

Ông Thuật chia sẻ thêm: Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, đầu ra của cá cũng rất ổn định, có thể chuyển sang Nam Định chế biến thành thành phẩm và xuất khẩu đi Nhật Bản nên tôi rất yên tâm khi phát triển mô hình nuôi cá chạch sụn. Trong quá trình phát triển mô hình, Hội Nông dân xã Trọng Quan luôn đồng hành tích cực cùng gia đình, đứng ra tín chấp cho vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện với số tiền 100 triệu đồng, từ đó giúp gia đình tôi có thêm nguồn lực để mở rộng sản xuất. 

Ngoài cá chạch sụn, ông Thuật còn nuôi cá cảnh với diện tích hơn 10 sào, đồng thời tiếp tục phát triển mô hình nuôi ngan với quy mô khoảng 700 con. Chăn nuôi đạt hiệu quả không chỉ đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình ông Thuật mà còn tạo việc làm cho 2 lao động với thu nhập 280.000 đồng/người/ngày. Ngoài ra, ông Thuật còn tận tình hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá chạch sụn cho bà con nông dân ở khắp các địa phương trong huyện Đông Hưng, Hưng Hà về tham quan để cùng mở rộng, phát triển kinh tế từ mô hình.

Mỗi năm, gia đình ông Trần Văn Thuật, thôn Vinh Hoa, xã Trọng Quan thu hoạch 2 lứa cá chạch sụn với tổng sản lượng 16 - 17 tấn.

Gia đình ông Phạm Xuân Khánh, thôn Hưng Quan cũng là một trong những điển hình trong phong trào “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” của xã Trọng Quan. Năm 2017, ông Khánh đã mua đất chuyển đổi của xã để xây dựng trang trại và đến cuối năm 2023 cải tạo 5.000m2 dựng nhà lưới trồng dưa chuột sạch. Ngoài ra ông còn trồng nhiều loại cây khác như: mướp, bí đao, sắn dây...; tạo việc làm cho 4 lao động với thu nhập từ 4 - 7 triệu đồng/người/tháng. 

Ông Khánh tâm sự: Để phù hợp với thời tiết, tôi lựa chọn giống dưa chuột lạnh cho vụ đông xuân và giống dưa chuột mát cho vụ hè thu. Mặc dù mới đưa vào gieo trồng nhưng đầu ra ổn định, có hiệu quả nên tôi rất yên tâm sản xuất; chỉ sau 40 ngày gieo trồng đã có thể cho thu hoạch liên tục trong 1 tháng với 3 tạ dưa/ngày, đem lại doanh thu 3 triệu đồng/ngày.

Ngoài ông Thuật, ông Khánh, trên địa bàn xã Trọng Quan còn có rất nhiều mô hình nông dân làm kinh tế giỏi như: ông Phạm Văn Doanh, thôn Tràng Quan tích tụ 10 mẫu ruộng để cấy lúa; ông Trần Đức Anh, thôn Vinh Hoa phát triển mô hình nuôi thỏ và mèo... 

Ông Bùi Hữu Hiển, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Trọng Quan cho biết: Hội Nông dân xã Trọng Quan hiện có gần 1.160 hội viên, sinh hoạt ở 7 chi hội. Thời gian qua, Hội luôn chủ động phối hợp với các cấp, ngành, doanh nghiệp tổ chức tốt các hoạt động phối hợp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; giới thiệu các mô hình mới, cách làm hay để hội viên học tập, nhân rộng; đẩy mạnh hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân. Bên cạnh đó, Hội còn cung ứng trên 20 tấn phân bón trả chậm cho hội viên; tín chấp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đông Hưng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh huyện Đông Hưng Bắc Thái Bình và Quỹ hỗ trợ nông dân huyện cho hơn 160 lượt hội viên vay vốn với số tiền hơn 8 tỷ đồng. Hàng năm, Hội tập trung phát động phong trào “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, từ đó tạo khí thế thi đua sôi nổi trong cán bộ, hội viên, thúc đẩy nông dân đổi mới cách nghĩ, cách làm, vươn lên làm giàu, góp phần xây dựng xã Trọng Quan ngày càng phát triển.

Minh Hương

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày