Thứ 4, 04/12/2024, 15:06[GMT+7]

Quỳnh Phụ: Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

Thứ 6, 22/11/2024 | 22:03:45
450 lượt xem
Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm sức lao động, tiết kiệm chi phí…, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ có nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất.

Người dân xã An Ninh (Quỳnh Phụ) sử dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh.

Thay đổi tư duy 

An Ninh là xã có diện tích gieo cấy lúa nhiều của huyện Quỳnh Phụ với diện tích hàng năm trên 300ha. Những năm qua, việc đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được địa phương quan tâm; nhiều máy móc phục vụ sản xuất được bà con xã viên đầu tư vào các khâu để nâng cao năng suất. 

Bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc HTX DVNN xã chia sẻ: Hiện nay, toàn xã có 20 máy làm đất, 16 máy cấy loại 4 hàng đến 8 hàng, 1 máy gặt... Hầu hết mọi công đoạn trong sản xuất đều được cơ giới hóa, trong đó khâu làm đất đã cơ giới hóa 100%; gieo mạ, cấy bằng máy chiếm 65%; phun phòng trừ sâu bệnh bằng thiết bị bay không người lái chiếm 30%; thu hoạch 100% cơ giới hóa. Việc đồng bộ cơ giới hóa giúp giảm lao động thủ công, tăng năng suất lao động, giảm chi phí đầu vào cho bà con nông dân; giúp nông dân không bỏ ruộng do thiếu lao động, các đại điền tích tụ diện tích lớn để tập trung sản xuất. 

Năm 2022, trước thực tế nhiều hộ dân trong xã bỏ ruộng hoang, gia đình ông Tô Văn Khải, thôn An Ninh, xã An Ninh đã mượn lại khoảng 4ha để sản xuất. Nhờ áp dụng cơ giới hóa, đến nay gia đình ông đã tích tụ được hơn 20ha, mang lại giá trị kinh tế cao. Ông Khải chia sẻ: Thời gian trước, phần lớn diện tích ở đây đều bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm nên tôi mượn lại để sản xuất. Với quyết tâm sản xuất phải hiệu quả cao, gia đình tôi áp dụng cơ giới hóa toàn bộ từ khâu gieo mạ, bón phân, bảo vệ thực vật và thu hoạch. Với hơn 20ha, tôi sắm 2 máy cày, 2 máy cấy công suất lớn cùng máy rắc phân, máy gieo mạ, thiết bị bay không người lái phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, máy bơm tưới tiêu... Việc cơ giới hóa giúp giảm nhân công, chi phí, kịp thời vụ, năng suất cao, nhờ đó thu nhập cũng cao hơn. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí gia đình tôi thu lãi 400 - 500 triệu đồng. 

Với cánh đồng chuyên canh rau màu xã Quỳnh Hải rộng trên 200ha, việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã được người dân ở đây duy trì từ nhiều năm nay. 

Ông Đỗ Công Chuân, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Trước đây, việc cơ giới hóa được bà con xã viên áp dụng nhưng mới chỉ ở một số khâu đơn giản như phay đất, làm đất. Khi diện tích rau màu được luân canh liên tục, mỗi năm 5 - 6 vụ nên người dân sử dụng máy lên luống. Hiện, toàn xã có khoảng 60 máy làm đất, lên luống phục vụ bà con xã viên. Nhờ áp dụng cơ giới hóa giúp địa phương mở rộng được diện tích, nâng cao năng suất, người dân gắn bó với đồng ruộng, ổn định đời sống. Trung bình mỗi năm vùng chuyên canh rau màu của xã mang lại nguồn thu từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. 

Tỷ lệ cơ giới hóa thu hoạch bằng máy gặt tại huyện Quỳnh Phụ đạt 100%.

Để nông dân gắn bó với đồng ruộng 

Để tiếp tục đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29/2021/ NQ-HĐND của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai; mua máy cấy, hệ thống thiết bị sấy phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai để phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh giai đoạn đến năm 2028, thời gian qua, huyện Quỳnh Phụ đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn phối hợp với các địa phương tổ chức rà soát, lập hồ sơ mua sắm máy để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; phối hợp với các tổ chức tín dụng hướng dẫn vay vốn ưu đãi để mua sắm máy, thiết bị... nhằm tăng nhanh tỷ lệ áp dụng cơ giới vào sản xuất nông nghiệp. 

Ông Nguyễn Văn Phát, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trên tinh thần các văn bản chỉ đạo của tỉnh về cơ chế hỗ trợ máy móc để áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, đến nay, trong tổng số 1.636 máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp: máy làm đất, máy cấy, máy gặt, máy sấy, kho lạnh... toàn huyện có 328 máy hỗ trợ cho các HTX, hộ tích tụ ruộng đất bằng nguồn ngân sách của tỉnh. Huyện chỉ đạo các địa phương tích cực hỗ trợ bà con xã viên, nhất là các hộ đại điền đẩy mạnh quá trình cơ giới hóa. Nhờ cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời, toàn huyện hiện có 312 hộ tích tụ được trên 1.376ha với quy mô từ 2ha trở lên, qua đó tạo điều kiện áp dụng đồng bộ cơ giới hóa, giảm chi phí lao động, bảo đảm sản phẩm đồng đều, chất lượng cao, tăng hiệu quả, tiến tới sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, bền vững. 

Tại các địa phương, cùng với cơ chế hỗ trợ của tỉnh, các HTX tích cực tuyên truyền, vận động bà con cho thuê, mượn ruộng, đổi ruộng thành vùng liên kết để sản xuất, từ đó đầu tư máy móc vào sản xuất. Tại vùng liên kết sản xuất xã An Ninh, sau khi quy hoạch được vùng sản xuất tập trung, HTX quan tâm khôi phục lại vùng tưới tiêu nước, tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật cho hộ đại điền từng bước áp dụng cơ giới hóa, tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như chuyển giao kỹ thuật để sản xuất hiệu quả. Địa phương tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, cứng hóa hệ thống kênh mương, tuyến đường trục... phục vụ quá trình cơ giới hóa. 

Để tăng giá trị thu nhập trên diện tích canh tác, giải phóng sức lao động trong nông nghiệp, thời gian tới, huyện Quỳnh Phụ tiếp tục đồng hành với các địa phương đầu tư nhiều thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ sản xuất, bắt kịp xu thế phát triển hiện nay. 

HTX DVNN xã An Ninh (Quỳnh Phụ) huy động 16 máy cấy phục vụ cho bà con xã viên vụ mùa năm 2024. 

Nguyễn Cường 

 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày