Thứ 2, 23/12/2024, 04:47[GMT+7]

Mối đe dọa khô hạn khắp hành tinh

Thứ 6, 13/12/2024 | 11:23:02
1,667 lượt xem
Báo cáo do Công ước Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa (UNCCD) mới công bố cho thấy, tình trạng khô hạn ở nhiều nơi trên thế giới trở nên đáng lo ngại hơn trong những thập kỷ gần đây.

Mực nước sông xuống thấp nghiêm trọng do hạn hán tại Linarolo, Italia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Báo cáo của UNCCD được đánh giá là mang tính bước ngoặt bởi kết quả của các nghiên cứu trước đó bị làm mờ mức độ nghiêm trọng. Tổng Thư ký UNCCD Ibrahim Thiaw giải thích rằng, không giống như hạn hán là giai đoạn lượng mưa thấp tạm thời, tình trạng khô hạn cho thấy sự biến đổi mang tính lâu dài và khó phục hồi. Theo ông Thiaw, khô hạn đang ảnh hưởng những vùng đất rộng lớn trên thế giới và điều này đang “định nghĩa lại” sự sống trên trái đất.

Trưởng nhóm các nhà khoa học của UNCCD Barron Orr nhận định, khô hạn có thể gây ra những tác động nghiêm trọng đối với thiên nhiên và con người. Nghiên cứu của UNCCD cho thấy, trong giai đoạn 1990-2020, khô hạn lan rộng từ 37,5% đến 40,6% diện tích đất của hành tinh (không bao gồm Nam Cực). Chỉ riêng con số chênh lệch đã lên tới 4,3 triệu km2, lớn hơn cả Ấn Độ, quốc gia có diện tích lớn thứ bảy thế giới.

Nêu ra những điểm nóng khô hạn trên thế giới, UNCCD cho biết, cháy rừng đang xảy ra thường xuyên và dữ dội hơn tại Brazil và một số khu vực ở miền tây nước Mỹ. Những khu vực có đa dạng sinh học cao, như Trung Phi và một số khu vực ở châu Á, đang trải qua quá trình suy thoái hệ sinh thái, trong đó có sa mạc hóa, khiến nhiều loài động, thực vật bị đe dọa. UNCCD dự báo rằng, tình trạng khô hạn gia tăng vào cuối thế kỷ này có thể gây ra tác động quy mô lớn đối với các hệ sinh thái, dẫn đến sự tuyệt chủng của nhiều loài.

Báo cáo của UNCCD chỉ ra rằng, những hệ lụy này chủ yếu do tác động của biến đổi khí hậu. Các hoạt động của con người, như vận tải, công nghiệp, nông nghiệp… khiến khí thải gây hiệu ứng nhà kính gia tăng, là tác nhân gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu. Con người lại trở thành nạn nhân của chính hành động mà mình gây ra. Theo UNCCD, có khoảng 2,3 tỷ người sống ở vùng đất khô hạn.

Tình trạng khan hiếm nước, thoái hóa đất khiến sản lượng lương thực giảm, kéo theo đói nghèo và cả bệnh tật. Di dời cưỡng bức cũng là một trong những hậu quả dễ thấy. Khi không còn thể sinh sống được ở những vùng đất cằn cỗi, nhiều người tại Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á đã phải rời bỏ nhà cửa. Trong trường hợp xấu nhất khi nhiệt độ của hành tinh vẫn tăng lên vào cuối thế kỷ này, báo cáo dự đoán sẽ có tới 5 tỷ người phải sống ở những vùng đất khô hạn.

Cùng với các con số đáng báo động nêu trên, báo cáo của UNCCD cũng đưa ra những khuyến nghị: công tác đo lường, giám sát cần được thúc đẩy cho phép phát hiện sớm những thay đổi và giúp đưa ra các biện pháp can thiệp phù hợp trước khi tình hình trở nên xấu đi, khuyến khích sử dụng đất bền vững, đầu tư vào các công nghệ thu gom nước mưa, tưới nhỏ giọt, tái chế nước thải… Chính sách của mỗi quốc gia cũng cần phù hợp các mục tiêu mà cộng đồng quốc tế đề ra nhằm bảo đảm phản ứng thống nhất.

Báo cáo của UNCCD được công bố trong bối cảnh Hội nghị lần thứ 16 các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa (COP16) đang diễn ra tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, với sự tham dự của đại diện 196 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU). Sự kiện này đánh dấu kỷ niệm 30 năm UNCCD được thông qua và cũng là COP đầu tiên về công ước này được tổ chức tại một quốc gia Trung Đông. Chủ đề của COP16 là “Đất đai của chúng ta. Tương lai của chúng ta”.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày