Thứ 2, 20/01/2025, 21:42[GMT+7]

Nét đẹp tín ngưỡng thờ Mẫu ngày xuân

Thứ 2, 20/01/2025 | 10:58:17
537 lượt xem
Tín ngưỡng thờ Mẫu là tín ngưỡng dân gian đặc trưng của người Việt, trong đó hầu đồng được coi là nghi thức giao tiếp với thế giới tâm linh, thông qua việc thanh đồng nhập vai các vị thần thánh để truyền đạt lời chúc phúc, chữa lành hoặc giải trừ vận hạn cho người dân. Trong không khí những ngày đầu xuân mới, ai cũng hoan hỉ cầu mong bình an, may mắn cho bản thân và gia đình. Nghi thức hầu đồng càng trở nên linh thiêng, hấp dẫn, bởi nó thể hiện khát khao, ước vọng quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhân khang vật thịnh của con người.

Nghệ nhân Hoàng Ngọc Viện, xã Song Lãng (Vũ Thư) luôn nỗ lực bảo tồn, phát huy nét đẹp của tín ngưỡng thờ Mẫu, trong đó có nghi thức hầu đồng vào dịp đầu xuân.

36 giá đồng trong nghi thức hầu đồng như một kho tàng truyền thuyết, thần thoại về thần linh, được thể hiện qua hình thức diễn xướng kết hợp hát văn với âm nhạc, nhảy múa, mang giá trị văn hóa nghệ thuật độc đáo. Vào những ngày đầu năm, các đền, phủ, điện ở các làng xã thường diễn ra nghi lễ hầu đồng, thu hút đông đảo nhân dân, du khách đến tham dự. 

Nghệ nhân văn hóa tâm linh dân tộc Hoàng Ngọc Viện, 82 tuổi, thủ nhang điện An Phúc Tự, xã Song Lãng (Vũ Thư) cho biết, gia đình ông có truyền thống thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu đến nay là 5 đời liên tiếp, trong đó ông Viện là đời thứ tư. Ông luôn tâm niệm và giữ vững nguyên tắc thực hành, gìn giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đạo Mẫu. 

Ông Viện chia sẻ: Vào dịp đầu xuân mới hàng năm, gia đình tôi thường tổ chức buổi lễ Mẫu có nghi thức hầu đồng, thường thu hút khá đông con cái, họ hàng, dân làng, du khách đến dự. Buổi lễ dịp đầu xuân này thường được tôi chuẩn bị, tổ chức rất chu đáo, kỹ lưỡng, từ việc cân nhắc lựa chọn người bắc ghế hầu thánh, chọn ngày, giờ đẹp; bày biện, trang hoàng điện, phủ sao cho linh thiêng và trang trọng; mời cung văn; chuẩn bị lễ vật dâng cúng, trang phục của mỗi vị thánh trong mỗi giá đồng... Ngày nay, mặc dù điều kiện kinh tế tốt hơn nhưng gia đình tôi luôn chú trọng tiết kiệm, tránh lãng phí, phô trương; cốt lõi nhất là phải giữ gìn được nguyên vẹn nét đẹp, ý nghĩa của tín ngưỡng thờ Mẫu mà cha ông truyền lại. 

“Trước kia đời sống nghèo nàn, thiếu thốn nhưng cứ tết đến, xuân về, ông bà, bố mẹ tôi vẫn cố gắng tổ chức một buổi lễ Mẫu, hầu đồng, nhân dân đến dự rất đông. Lễ vật khi đó chỉ có hoa, quả, củ sắn, củ khoai, đĩa gạo, đĩa muối đơn sơ, nhà có gì dâng thánh đó, không câu nệ. Trang phục của các vị thánh trong mỗi giá hầu ngày xưa cũng không đầy đủ, lộng lẫy như bây giờ, người đồng cốt thường mặc bộ quần áo tươm tất nhất của mình rồi tùy giá đồng chỉ cần khoác thêm dải lụa màu đỏ, xanh hoặc trắng cho thích hợp. Lộc thánh ban không có tiền vàng, của ngon vật lạ, chỉ có những sản vật làng quê vừa dâng cúng nhưng mọi người đều phấn khởi chia sẻ nhau thưởng thức và kỳ vọng một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà khỏe mạnh, bình an” - ông Viện chia sẻ thêm. 

Nghi thức hầu đồng thường được tổ chức vào dịp lễ hội nhưng sôi nổi nhất, thu hút đông đảo người dân tham gia nhất vẫn là những giá đồng được tổ chức vào dịp đầu xuân mới. 

Hơn 40 năm đam mê gắn bó, tìm hiểu, nghiên cứu, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, bà Phạm Thị Tiến, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Vũ Thư chia sẻ: Đối với những người có niềm tin về tâm linh như tôi thì khóa lễ hầu đồng đầu năm rất quan trọng, ý nghĩa; không chỉ cầu mong điều tốt đẹp cho bản thân, gia đình mà còn là dịp bày tỏ lòng biết ơn tới các bậc thần linh, bậc thánh nhân đã có công dựng nước, giữ nước, che chở, cứu giúp dân lành. Mặc dù vất vả nhưng đầu năm mới được hầu thánh tôi thấy rất phấn khởi, mọi mệt mỏi đều tan biến hết, thấy lòng mình nhẹ nhàng, thanh thản, tin tưởng cả năm mọi việc sẽ hanh thông. 

“Qua mỗi tích diễn ở từng giá đồng giúp tôi hiểu thêm về công trạng của các vị thần linh, Thánh Mẫu trong việc cứu dân, giúp đời. Vì vậy, đầu xuân đi lễ Thánh Mẫu, tôi không chỉ mong thánh ban tài lộc cho bản thân và gia đình mà còn muốn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới các vị thần linh, Thánh Mẫu đã phù vua giúp nước, dạy dân sinh sống, bốc thuốc chữa bệnh, che chở dân làng, nhắc nhở tôi lối sống thành tâm và hướng thiện” - chị Vương Thị Thơ, xã Minh Quang (Vũ Thư) cho biết. 

Trước kia, có giai đoạn hầu đồng được coi là hình thức mê tín dị đoan nên bị cấm đoán gắt gao. Tuy nhiên, từ tháng 12/2016, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt đã được UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Ông Đỗ Ngọc Trung, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Vũ Thư cho biết: Những năm gần đây, dịp đầu xuân nở rộ nghi thức hầu đồng ở các điện, đền, phủ. Tuy nhiên, thực tế có rất ít thanh đồng hiểu sâu sắc về ý nghĩa, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu chuẩn mực để giữ gìn nét đẹp của tín ngưỡng dân gian này; ngược lại, rất nhiều trường hợp lợi dụng hầu đồng để phô diễn, khoe khoang, trục lợi cá nhân, làm sai lệch, xấu đi hình ảnh của hầu đồng chân chính. Đây là một việc khó, ngoài tăng cường vai trò quản lý nhà nước, chúng tôi tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các thanh đồng và người dân để bảo tồn và phát huy tín ngưỡng thờ Mẫu, trong đó có nghi thức hầu đồng, một nét đẹp văn hóa cổ truyền mỗi dịp tết đến, xuân về. 

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, nghi thức hầu đồng tại lễ hội chùa Keo mùa thu năm 2024.

Mỗi giá đồng ngày xuân là nơi kết nối con người với những thế lực siêu phàm, thực chất là nhằm chuyển tải khát vọng, mưu cầu về một cuộc sống an lành, hạnh phúc của con người. Tết đến, xuân về, đắm say trong tiếng nhạc rộn ràng, lời hát văn trầm bổng, dẫu là ông đồng, bà cốt hay du khách vãng lai cũng không quên nhắc nhở bản thân nâng cao ý thức bảo tồn, gìn giữ, phát huy tín ngưỡng thờ Mẫu - tín ngưỡng tâm linh mang đậm bản sắc văn hóa, giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, để xuân mới trọn vẹn niềm vui.

Quỳnh Lưu