Thứ 2, 23/12/2024, 20:15[GMT+7]

Đổi thay nông thôn mới ở thành phố

Thứ 4, 24/06/2020 | 09:17:54
1,346 lượt xem
Sau 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nhiều vùng quê của thành phố Thái Bình đã đổi thay rõ rệt, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên.

Nhân dân xã Đông Hoà tích cực tham gia làm đường xây dựng nông thôn mới.

Thành quả đó khẳng định vai trò lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả của cấp ủy đảng, chính quyền thành phố và sự đồng lòng, chung sức xây dựng của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

Ngay khi triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Thái Bình đã xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, cần sự chung sức, đồng lòng của các phòng, ban, đơn vị, địa phương và các tầng lớp nhân dân. UBND thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các xã triển khai công tác tuyên truyền, quy hoạch xây dựng NTM; dồn điền, đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng; quy hoạch vùng sản xuất hàng hoá; huy động nguồn lực của nhân dân cho xây dựng NTM; phân công cấp ủy, cán bộ các phòng, ban kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện ở các xã. Đảng bộ 5 xã thực hiện xây dựng NTM Vũ Phúc, Vũ Chính, Vũ Lạc, Đông Thọ, Đông Mỹ đã ra nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020. Thành lập Ban chỉ đạo, Ban quản lý, các tổ giúp việc Ban chỉ đạo cấp xã; phân công cán bộ, đảng viên, đoàn thể phụ trách, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện ở các thôn, xóm.

Xác định rõ vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM với quan điểm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và phương châm “lấy sức dân để giải quyết công việc của dân”, thành phố đã chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền; đặc biệt chú trọng phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, trong đó coi trọng vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị. Nhờ đó, đã tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhân dân cùng chung sức xây dựng NTM. Tổng nguồn vốn huy động thực hiện xây dựng NTM từ năm 2011 đến nay đạt gần 380 tỷ đồng, trong đó vốn huy động từ cộng đồng dân cư chiếm gần 12%, đặc biệt thành phố không còn nợ xây dựng cơ bản. Nhiều hộ gia đình tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công, tiền của, tham gia chỉnh trang khu dân cư, xây dựng cơ sở hạ tầng thôn, xã.

Trong xây dựng NTM, thành phố Thái Bình luôn xác định phát triển giao thông nông thôn là khâu đột phá. Bằng nhiều nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, huy động doanh nghiệp, cộng đồng dân cư... thành phố đã đầu tư nâng cấp 24,36km đường trục xã, 60km đường nhánh cấp 1; 36,7km đường giao thông trục chính nội đồng, 100% đường ngõ, xóm được bê tông hóa. Kết cấu hạ tầng nông thôn được xây dựng đồng bộ và từng bước hiện đại gắn với phát triển đô thị. Thành phố có 4 khu công nghiệp, 2 cụm công nghiệp với trên 2.600 doanh nghiệp, thu hút và giải quyết việc làm cho trên 60.000 lao động, thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Hệ thống hạ tầng thương mại, dịch vụ phát triển nhanh, với 13 siêu thị, trung tâm thương mại và hàng nghìn cơ sở dịch vụ thương mại, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. 

Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Trưởng phòng Kinh tế thành phố cho biết: Xác định xây dựng NTM với mục tiêu là nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân các xã, bên cạnh tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, thành phố Thái Bình đã thực hiện có hiệu quả các chế độ, chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Nhiều mô hình, dự án nông nghiệp trên địa bàn thành phố được triển khai phát huy hiệu quả cao, diện tích tăng vụ ngày một nâng lên. Người dân các xã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi... góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích. Qua đó, thu nhập bình quân đầu người của 5 xã đạt chuẩn NTM tăng từ 21,16 triệu đồng/người/năm (năm 2011) lên 48,5 triệu đồng/người/năm (năm 2019); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,78%. Thành phố không còn nhà tạm, nhà dột nát, tỷ lệ hộ gia đình có nhà đạt chuẩn theo quy định gần 97%; 100% số nhà ở đảm bảo “3 cứng”, có đầy đủ công trình phụ trợ. Sự nghiệp giáo dục - y tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn thành phố cũng có nhiều chuyển biến rõ nét. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học của các nhà trường được tăng cường, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn. Các chương trình y tế quốc gia và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được triển khai thực hiện tốt.

Những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong quá tình xây dựng NTM đã làm cho bộ mặt nông thôn thành phố ngày càng khởi sắc, 5/5 xã đạt chuẩn NTM, thành phố Thái Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Đây thực sự là những “quả ngọt” để thành phố phấn đấu hoàn thiện tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu gắn với phát triển đô thị văn minh, hiện đại.

Minh Nguyệt

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày