Thứ 2, 23/12/2024, 05:29[GMT+7]

Đông Hưng: Hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa

Thứ 5, 23/07/2020 | 18:40:37
1,806 lượt xem
Để tạo bứt phá, thời gian qua huyện Đông Hưng đã tích cực đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa nhằm tăng giá trị trên cùng một đơn vị canh tác. Đây là chủ trương đúng, trúng nên nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của các địa phương, tạo cú hích cho các tổ chức, cá nhân mạnh dạn tích tụ ruộng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa cơ giới hóa vào sản xuất.

Vùng liên kết sản xuất lúa hàng hóa tại xã Phú Lương hiệu quả gấp nhiều lần trồng lúa truyền thống

Thời gian qua, dù ảnh hưởng của dịch bệnh, thời tiết bất thường song nhờ tập trung thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nên sản xuất nông nghiệp của huyện Đông Hưng vẫn phát triển khá toàn diện và chuyển dần sang sản xuất hàng hóa theo hướng hiệu quả, bền vững.

Điểm nhấn trong sản xuất nông nghiệp của huyện Đông Hưng là đã xây dựng được 31 cánh đồng lớn với tổng diện tích trên 1.400ha và 6 cánh đồng 4 vụ/năm với diện tích 76,3ha ở các xã như: An Châu, Phú Lương, Đông Xá, Phú Châu, Trọng Quan… đem lại giá trị thu nhập vài trăm triệu đồng/ha/năm. Trong đó, xã An Châu là xã điển hình về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng được cánh đồng lớn với diện tích 50,5ha, cánh đồng 4 vụ/năm có diện tích 10ha. Nhiều người dân của xã An Châu đã làm giàu từ nghề nông. Anh Đào Ngọc Thuấn, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp An Châu cho biết: Thời gian qua, An Châu đã quy hoạch lại đồng ruộng, chuyển đổi những diện tích cấy lúa kém hiệu quả và khó khăn sang trồng cây màu, cây vụ đông. Thu nhập bình quân sản xuất nông nghiệp của xã đã đạt 136 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có diện tích vùng chuyên trồng rau màu thu nhập lên tới 200 - 300 triệu đồng/ha/năm. Cũng vẫn là những người nông dân đó, cũng mảnh đất xưa họ cấy cày nhưng ngày nay giá trị thu nhập đã tăng gấp 5 -10 lần. Ông Bùi Văn Khuể, thôn An Nạp, xã An Châu phấn khởi cho biết: Trước đây ruộng của gia đình nằm ở các cánh đồng, từ khi có chủ trương dồn điền đổi thửa, tôi đã đầu tư dồn đổi trên 2 mẫu ruộng cấy lúa không hiệu quả quy vùng trồng thanh long, mít, cây dược liệu và rau màu các loại, mỗi năm thu nhập khoảng 150 triệu đồng.

Sản xuất nông nghiệp của huyện Đông Hưng đã chuyển dần sang sản xuất hàng hóa gắn với phát triển nông nghiệp hữu cơ, sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Đến nay, toàn huyện có trên 500 máy cày đa năng, 190 máy gặt đập liên hợp, 267 trạm bơm, gần 100 máy cấy các loại bảo đảm khâu làm đất, thu hoạch, tưới tiêu cho các địa phương. Hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp đồng bộ tạo thuận lợi cho sản xuất của bà con. Người nông dân chủ động, tích cực chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, nuôi, trồng cây, con có giá trị kinh tế cao để tăng năng suất, giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác. Đặc biệt có các nhà máy chế biến, bao tiêu nông sản như: Công ty TNHH Hưng Cúc, Công ty TNHH Thuận Khang… đã hình thành vùng sản xuất nông sản hàng hóa đem lại giá trị cao. Anh Nguyễn Trọng Thành, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Phú Lương cho biết: Từ năm 2016, HTX đã liên kết với Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Công nghệ An Đình và một số doanh nghiệp khác tổ chức cho bà con nông dân cấy lúa hàng hóa trên diện tích gần 10ha, có bao tiêu sản phẩm. Mô hình liên kết này đem lại hiệu quả kinh tế cao, gấp nhiều lần trồng lúa truyền thống. Những cách làm mới này đã giúp Đông Hưng liên tục nằm trong top dẫn đầu toàn tỉnh về năng suất lúa. Bên cạnh đó, huyện cũng đang hình thành các vùng sản xuất sản phẩm đặc thù gắn với địa danh, sản phẩm được tiêu thụ trong và ngoài tỉnh như: cây cảnh ở các xã Hồng Việt, Minh Tân, Phú Lương; hồng xiêm ở xã Lô Giang, mít dai vàng ở xã Hà Giang…

Đông Hưng là địa phương bị thiệt hại nặng nề của bệnh dịch tả lợn châu Phi với số lợn bị tiêu hủy lớn. Để giảm thiệt hại, thời gian qua các chủ gia trại, trang trại, hộ gia đình đã chủ động chuyển hướng chăn nuôi sang các con vật khác như gà chọi, gà ri lai, vịt super, ngan Pháp, bò Zebu… Đồng thời chuyển mạnh sang sản xuất quy mô vừa và lớn, theo phương thức công nghiệp khép kín và bán công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, kiểm soát tốt dịch bệnh và chất kháng sinh. Hiện toàn huyện có 67 trang trại chăn nuôi, quy mô gấp 1,3 lần so với năm 2015 và hàng nghìn gia trại, 9 xã thực hiện chăn nuôi theo mô hình VietGap. Các trang trại đa dạng vật nuôi, đã có trang trại chăn nuôi gia súc, hình thành doanh nghiệp chăn nuôi quy mô 4.000 lợn nái ngoại.

Đồng chí Tô Xuân Thức, Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng cho biết: Sản xuất nông nghiệp của huyện đang chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi và dịch vụ, chuyển dần sang sản xuất hàng hóa gắn với phát triển nông nghiệp hữu cơ. Giá trị sản nông nghiệp, thủy sản của huyện năm 2020 ước đạt gần 3.400 tỷ đồng, tăng bình quân 5 năm 2015-2020 là 2,02%/năm, góp phần nâng mức thu nhập bình quân đầu người năm 2020 của huyện ước đạt 52,4 triệu đồng, gấp 1,86 lần so với năm 2015. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI đề ra, thời gian tới Đông Hưng sẽ tập trung quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa có liên kết bao tiêu sản phẩm; thực hiện hiệu quả các dự án nông nghiệp xanh, chuyển giao sản xuất công nghệ cao của Hàn Quốc… Xây dựng vùng sản xuất hàng hóa đặc thù, sản phẩm OCOP ở các xã có truyền thống để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp. Phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi quy mô lớn, khép kín. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tạo cơ sở và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội nói chung, kinh tế nông nghiệp nói riêng để  nâng cao đời sống của người dân nông thôn.

Thu Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày