Chủ nhật, 22/12/2024, 17:20[GMT+7]

Những công nhân lao động giỏi, lao động sáng tạo

Thứ 5, 20/08/2020 | 16:28:02
2,993 lượt xem
Phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” do công đoàn các cấp phát động có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo không khí thi đua sôi nổi trong lao động sản xuất. Từ đó, khơi dậy ý chí, lòng nhiệt tình say mê và tinh thần trách nhiệm của người lao động.

Nhiều sáng kiến của anh Bùi Ngọc Mạnh được áp dụng vào sản xuất làm lợi Xí nghiệp hàng trăm triệu đồng.

17 năm gắn bó với Xí nghiệp May Hưng Hà, xuất phát điểm chỉ học sơ cấp nghề may, từ thực tiễn sản xuất, anh Bùi Ngọc Mạnh, Chủ tịch Công đoàn, công nhân tổ nghiên cứu sản xuất đã có nhiều sáng kiến được áp dụng mang lại hiệu quả cao. Anh Mạnh cho biết: Trong bối cảnh các tiến bộ về khoa học, kỹ thuật, máy móc phát triển không ngừng, đặc biệt là việc công đoàn các cấp và lãnh đạo Xí nghiệp tích cực gắn phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” trong thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế doanh nghiệp khiến tôi nhận ra mình không thể đứng yên một chỗ hay bỏ lỡ môi trường nghiên cứu từ thực tiễn. Thay vào đó, tôi và đồng nghiệp chú tâm quan sát, chủ động tìm tòi, nghiên cứu có các sáng kiến để tăng năng suất lao động, giảm chi phí, tiết kiệm thời gian. Từ năm 2015 – 2019, anh Mạnh đã đưa ra 42 sáng kiến được áp dụng có hiệu quả, hướng dẫn, truyền nghề cho gần 1.000 đồng nghiệp. Nổi bật là sáng kiến “Nghiên cứu làm cữ may cặp mí có tay bảo đảm chất lượng đầu cá vuông góc” đã góp phần tiết kiệm chỉ giảm 1 đường may lộn và giảm thao tác sửa lộn cá, giảm 43 giây thực hiện một sản phẩm, tổng giá trị làm lợi đạt trên 140 triệu đồng/năm; “Nghiên cứu làm cữ đính móc cạp bằng máy lập trình” giúp giảm 66 giây thực hiện một sản phẩm, làm lợi cho Xí nghiệp 147 triệu đồng. Theo anh Mạnh, không chỉ những sáng kiến lớn, có trọng tâm, mang lại hiệu quả cao mà cả những cải tiến nhỏ nhưng mang lại hiệu quả tốt, thiết thực cho công việc ở mỗi bộ phận cũng đều được Xí nghiệp ghi nhận. Đây là cách lãnh đạo Xí nghiệp tạo “sân chơi” để các kỹ sư, công nhân phát huy tính sáng tạo của mình.

Cũng như anh Mạnh, anh Trần Trọng Kim, tổ trưởng tổ cơ khí, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Tiền Hải đã có nhiều nghiên cứu, biện pháp giúp đồng nghiệp giảm sự vất vả trong lao động, tiết kiệm chi phí cho Xí nghiệp. Anh Kim chia sẻ: Lúc mới bắt tay vào việc nghiên cứu, tôi chỉ nghĩ rằng mình đang có sức trẻ, nhiệt huyết với nghề, lại được làm việc trong điều kiện thuận lợi thì phải cố gắng “trồng” được một cây sáng kiến nào đó vừa ghi dấu trong quá trình công tác, vừa giúp ích cho Xí nghiệp và đồng nghiệp. Tuy nhiên, càng đi sâu thực hiện đề tài tôi càng có hứng thú và xác định tập trung nghiêm túc hoàn thành các giải pháp vì mỗi cải tiến nhỏ đều ảnh hưởng rất lớn quá trình lao động. Biến tư tưởng thành hành động cụ thể, anh đã chế tạo máy nâng hạ van bằng động cơ điện một pha áp dụng cho các máy đóng mở từ V2-:-V7. Với tính toán cấu tạo của máy đạt tốc độ ổn định, tiết kiệm chi phí, nhiên liệu, khi mất điện vẫn có thể sử dụng máy phát điện để vận hành máy; trang thiết bị tại chỗ dễ sửa chữa, thay thế, giúp công nhân vận hành cống nhẹ nhàng, bảo đảm an toàn khi vận hành. Khi sử dụng máy do anh Kim chế tạo, có thể tiết kiệm hơn 11 triệu đồng/cống.

Khi chia sẻ về động lực giúp mỗi cá nhân chủ động dành tâm sức cho ra đời nhiều giải pháp, đề tài thiết thực bên cạnh hoạt động làm việc chuyên môn, chị Hoàng Thị Hương, công nhân Công ty TNHH Ivory Việt Nam cho rằng, phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” chính là cầu nối để công nhân lao động có thể phát huy năng lực, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Hưởng ứng phong trào thi đua này, bản thân chị đã có nhiều sáng kiến được áp dụng vào sản xuất như: sáng kiến hợp lý hóa ke cữ để làm rút ngắn thời gian cho sản phẩm, tăng chất lượng sản phẩm; bố trí lại công đoạn theo tay nghề từng công nhân giúp tăng năng suất lao động, giảm công đoạn may 2 lần bằng may hai kim chỉ cùng lúc, làm quay cữ giảm bớt công đoạn kẻ vẽ…

Đây chỉ là 3 cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” do liên đoàn lao động các cấp phát động, triển khai. Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động tỉnh từ năm 2015 – 2019, toàn tỉnh có hơn 12.000 sáng kiến được các cấp công nhận, mang lại giá trị làm lợi hàng chục tỷ đồng; 169 công trình, đề tài, giải pháp của 375 tác giả đạt giải cao tại hội thi sáng tạo khoa học công nghệ và kỹ thuật tỉnh. Ghi nhận những đóng góp tích cực của công nhân viên chức lao động trong phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, toàn tỉnh có 64 cá nhân được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng lao động sáng tạo; 51 cá nhân được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, UBND tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh trao bằng khen. Sự quan tâm, động viên kịp thời người lao động, nhất là công nhân lao động giỏi không chỉ khuyến khích họ phát huy năng lực sáng tạo, cống hiến nhiều hơn cho sự phát triển của doanh nghiệp mà còn góp phần hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh.

Xuân Phương

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày