Thứ 2, 06/05/2024, 11:30[GMT+7]

Quyết liệt phòng, trừ sâu bệnh, bảo vệ lúa mùa

Thứ 3, 25/08/2020 | 08:16:09
10,057 lượt xem
Hiện nay, lúa mùa tại các địa phương đang xuất hiện một số đối tượng sâu bệnh gây hại, do đó việc chủ động phòng, trừ kịp thời, hiệu quả theo hướng dẫn của ngành chuyên môn là rất cần thiết để giảm thiểu thiệt hại đến năng suất, chất lượng khi thu hoạch.

Nông dân huyện Tiền Hải phun thuốc trừ rầy cho lúa mùa.

Tại các cánh đồng của huyện Quỳnh Phụ, thời điểm này đã có khoảng hơn 1/3 diện tích lúa trỗ bông, còn lại đang ở giai đoạn phân hóa đến làm đòng. Lúa sinh trưởng và phát triển tốt nhưng nhiều đối tượng sâu bệnh hại như: sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân hai chấm, rầy các loại diễn biến phức tạp. 

Bà Đào Thị Hằng, xã An Ấp (Quỳnh Phụ) cho biết: Thời gian gieo cấy cũng như đầu vụ thời tiết nắng nóng kéo dài do vậy đã ảnh hưởng tới sinh trưởng, phát triển của lúa chủ yếu ở giai đoạn bén rễ hồi xanh. Tuy nhiên, từ đầu tháng 8 đến nay, liên tiếp có mưa vì vậy lúa được cung cấp đủ nước, kết hợp với đạm khí trời liên tiếp được bổ sung nên lúa mùa sinh trưởng, phát triển tốt. Qua kiểm tra đồng ruộng, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân hai chấm đã xuất hiện với mật độ khá cao. Thực hiện theo đúng khuyến cáo của cán bộ nông nghiệp, tôi tập trung phun thuốc phòng, trừ hai đối tượng chính là sâu đục thân hai chấm, sâu cuốn lá nhỏ đồng thời kiểm tra ruộng lúa hàng ngày để đánh giá hiệu quả phun trừ, kiểm đếm mật độ sâu để có kế hoạch phun kép lần 2.

Từ nhiều năm qua, huyện Quỳnh Phụ duy trì diện tích lúa tái sinh tại các vùng thâm canh ớt, đây được xem là “ổ” sâu đục thân lưu trú qua các vụ. Theo điều tra của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện, ngoài đối tượng sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân hai chấm cũng xuất hiện cục bộ trên một số vùng lúa cấy sớm, liền kề lúa tái sinh của một số xã như: Quỳnh Minh, Quỳnh Hội, Quỳnh Bảo, Quỳnh Mỹ, Quỳnh Hồng, An Cầu, An Ấp... mật độ trưởng thành trung bình 0,02 - 0,03 con/m2, nơi cao 0,05 - 0,1 con/m2. Diện tích cần phun trừ sâu đục thân hai chấm toàn huyện khoảng 3.000ha. Những ngày qua, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện đã cử cán bộ thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, dự tính, dự báo về diễn biến của sâu bệnh, đồng thời khuyến cáo nông dân tích cực thăm đồng, phòng, trừ sâu, bệnh kịp thời theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Vụ mùa năm 2020, huyện Tiền Hải gieo cấy 10.000ha lúa. Hiện nay, tình hình sâu bệnh hại lúa trên địa bàn đang diễn biến khá phức tạp, điển hình là sâu cuốn lá nhỏ, rầy các loại. 

Ông Đỗ Văn Trịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Ngay từ đầu vụ, bệnh lùn sọc đen đã xuất hiện rải rác ở một số xã trên địa bàn huyện cùng với mật độ rầy khá cao. Từ cuối tháng 7, đầu tháng 8, huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện và các xã, thị trấn hướng dẫn nông dân phun thuốc trừ rầy lưng trắng, nhổ bỏ, tiêu hủy kịp thời các khóm lúa có biểu hiện của bệnh lùn sọc đen, nhờ đó cơ bản khống chế được bệnh. Đợt phòng, trừ sâu, bệnh lần này, huyện Tiền Hải tập trung phòng, trừ hai đối tượng chính: sâu cuốn lá nhỏ và rầy cho 100% diện tích, thời gian phun dự kiến từ ngày 28 - 31/8. Huyện đã có văn bản chỉ đạo các địa phương và yêu cầu các xã, HTX, nông dân trên địa bàn tăng cường kiểm tra đồng ruộng; phân rõ các trà lúa; điều tiết nước hợp lý; bón đón đòng cho lúa bằng phân kali, không bón đạm; nắm chắc tình hình phát sinh, phát triển của các đối tượng gây hại, tổ chức phun thuốc phòng, trừ kịp thời khi tới “ngưỡng” theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; chỉ đạo cán bộ ngành Nông nghiệp tiếp tục bám sát đồng ruộng để theo dõi diễn biến sâu bệnh, tham mưu kịp thời các biện pháp phòng, trừ hiệu quả.

Ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Theo điều tra trên đồng ruộng, sâu cuốn lá nhỏ lứa 4 ở vụ mùa năm nay có mật độ cao hơn 2 - 3 lần so với vụ mùa năm 2019, sâu ra gọn lứa, phát sinh trên diện rộng với mật độ phổ biến hàng trăm con/m2, có nguy cơ làm giảm năng suất với trà lúa trỗ sau ngày 5/9 (khoảng 55.000ha); khoảng 20.000ha lúa trỗ bông trước ngày 5/9 cũng đang bị đe dọa bởi sâu đục thân hai chấm đang phát sinh trên đồng ruộng. Chi cục đã có thông báo về tình hình sâu bệnh, hướng dẫn phòng, trừ gửi các địa phương, trong đó khuyến cáo tổ chức đợt phòng, trừ sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân hai chấm, rầy các loại từ ngày 26 - 30/8, lịch phun có thể sớm, muộn hơn 1 ngày tùy đặc điểm cụ thể của từng huyện. Đây là đợt phòng, trừ sâu, bệnh quan trọng, quyết định năng suất, sản lượng lúa mùa vì vậy các địa phương đặc biệt chú ý điều hành nước, giữ nước nông mặt ruộng để bảo đảm hiệu quả phun trừ.

Để hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra, các địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm văn bản chỉ đạo của tỉnh, của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tập trung chỉ đạo phòng, trừ sâu bệnh bảo vệ lúa mùa. Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật các huyện, thành phố  tiếp tục tăng cường công tác điều tra, dự tính dự báo sâu bệnh, đặc biệt theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết và các đối tượng sâu bệnh chính như bệnh đạo ôn cổ bông, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ và một số đối tượng sâu bệnh khác hại lúa; thông báo nhanh tình hình sâu bệnh đến các hộ nông dân để chủ động phòng, trừ kịp thời nơi có áp lực sâu bệnh cao bằng các loại thuốc đặc hiệu theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Ngân Huyền



Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày