Chủ nhật, 22/12/2024, 17:49[GMT+7]

Dấu ấn “Tam nông” (Kỳ 4)

Thứ 6, 19/10/2018 | 17:23:18
4,938 lượt xem
Những thành tựu Thái Bình đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là tiền đề quan trọng để “tam nông” tiếp tục là "làn gió mới" mang đến những đổi thay ngoạn mục trong đời sống xã hội ở nông thôn. Nhưng trên hành trình ấy, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần được nhìn nhận thẳng thắn và nỗ lực khắc phục thì mới có thể thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh Thái Bình sớm có nền nông nghiệp, công nghiệp theo hướng hiện đại.

Đông Hưng đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng phục vụ sản xuất

KỲ 4: CÒN ĐÓ NHỮNG KHÓ KHĂN

Nhiều rào cản

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Đến nay, nền nông nghiệp của Thái Bình có những chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, diện tích đất canh tác vẫn còn manh mún, quy mô sản xuất nhỏ lẻ ở dạng nông hộ, trung bình 4 - 5 sào đất nông nghiệp/hộ. Nông dân chưa mạnh dạn tham gia các tổ hợp tác, nhóm ưa thích mà mới chỉ dừng là xã viên các HTX DVNN. Vì vậy, những hoạt động kết nối với doanh nghiệp hình thành các vùng sản xuất chuyên canh còn ít. Nhận thức của một bộ phận nông dân về sản xuất sản phẩm sạch, sản phẩm an toàn, sản phẩm hữu cơ còn hạn chế, mục đích chính vẫn là năng suất mà chưa quan tâm tới giá trị nông sản. Người dân vẫn chủ yếu canh tác theo phương thức truyền thống, chưa mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiêu chuẩn về sản xuất sản phẩm an toàn, hữu cơ…

Mô hình chuyển đổi đất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cam tại xã Đô Lương (Đông Hưng).

Theo ông Đỗ Tiến Lâm, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đông Hưng: Thời gian qua, huyện đã chỉ đạo quyết liệt việc tích tụ ruộng đất song tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ vẫn ăn sâu vào tiềm thức của người nông dân, đây là rào cản không nhỏ trong quá trình đưa cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ cũng như phát huy lợi thế của sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp. Không ít nông dân kém nhiệt tình đầu tư vào nông nghiệp, có xu hướng chuyển vốn sang đầu tư các lĩnh vực khác, không sản xuất nhưng lại vẫn giữ ruộng đất để "phòng cơ”. Việc tích tụ đất đai với quy mô lớn vẫn còn vướng về cơ chế, chính sách nên chưa thúc đẩy sự phát triển.

Mô hình chăn nuôi lợn của thành viên Tổ hợp tác chăn nuôi Hợp Thành, xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư.

Cùng với những khó khăn trên thì công tác rà soát, bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều quy hoạch ở cơ sở thiếu tính đồng bộ, công tác dự báo trong quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Nông dân mới sản xuất những thứ mình có mà chưa chú trọng sản xuất những thứ thị trường cần, trong khi ngành chức năng lại chưa dự báo chính xác về nhu cầu thị trường để khuyến cáo nông dân. Việc phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản và chế biến thức ăn gia súc còn chậm phát triển, chưa tương xứng với tiềm năng.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp và tỷ trọng lao động nông nghiệp còn chậm. Việc đầu tư áp dụng khoa học công nghệ vào chế biến nông sản còn hạn chế. Đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn còn ít, thiếu ổn định, chưa tương xứng với tiềm năng và chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của nông nghiệp và khu vực nông thôn. Trong xây dựng nông thôn mới ở một số xã còn có tư tưởng coi trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng mà chưa chú trọng đầu tư phát triển sản xuất, còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của cấp trên; một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của tỉnh về xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản. Toàn tỉnh vẫn còn 6 huyện và 65 xã chưa về đích nông thôn mới trong khi hầu hết lại là những xã khó khăn, huy động nguồn lực hạn chế, chủ yếu trông chờ vào nguồn đấu giá quyền sử dụng đất.

Đâu là nguyên nhân?

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những khó khăn, hạn chế trong thực hiện Nghị quyết “tam nông” ở Thái Bình. Yếu tố khách quan là do sản xuất nông nghiệp hiện nay tiềm ẩn rủi ro lớn, thường xuyên chịu tác động của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, tần suất xuất hiện các tác động xấu của thiên tai ngày càng tăng, khó lường làm ảnh hưởng đến sản xuất.

Tiêu thụ sản phẩm nông sản hiện gặp nhiều khó khăn, thường xuyên diễn ra tình trạng “được mùa thì rớt giá” là do thiếu sự gắn kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Ông Đỗ Đức Minh, thôn Ngẫu Khê, xã Quỳnh Khê, huyện Quỳnh Phụ cho biết: Mô hình liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp chưa nhiều, thiếu chặt chẽ nên tiêu thụ nông sản đang là khâu ách tắc nhất. Thị trường đầu ra cho các sản phẩm chăn nuôi hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái và thị trường nước ngoài mà chưa có sự điều tiết, hỗ trợ của ngành chức năng và cơ quan nhà nước nên khi xảy ra các đợt rớt giá nông dân vẫn là người thiệt thòi nhất.

Nuôi cá lồng ở xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Phụ thường chịu rủi ro do tác động của bão lũ.

Cùng với đó, việc hướng dẫn, kiểm tra, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất của một số ngành chức năng, có lúc chưa kịp thời, còn rập khuôn, máy móc; nhất là trong thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư sản xuất nông nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, khuyến khích cơ giới hóa, ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ… Một số địa phương, nhất là cơ sở thiếu chủ động, sáng tạo, chưa quyết liệt, sâu sát và cụ thể trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện. Một số cán bộ, công chức xã còn hạn chế về trình độ, năng lực và trách nhiệm. Chất lượng nguồn nhân lực ở nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, như thiếu kỹ năng nghề nghiệp theo yêu cầu của công nghiệp hóa - hiện đại hóa, thiếu kiến thức về quản lý kinh doanh, thiếu tính linh hoạt, nhạy bén theo yêu cầu của cơ chế thị trường.

Đồng chí Trần Huy Quân, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Những năm qua mặc dù Trung ương và tỉnh bố trí nhiều nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn song vẫn chưa đáp ứng với yêu cầu thực tiễn phát triển. Cơ chế, chính sách khuyến khích chưa đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; có chính sách thực tế triển khai còn thiếu khả thi về nguồn vốn hỗ trợ. Một số cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư trong từng giai đoạn cụ thể chưa phù hợp với thực tiễn trong điệu kiện mới, chưa đủ mạnh để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nên thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.


   
Bà  Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

 Những năm qua, ngành Nông nghiệp đã có nhiều nỗ lực để hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp. Thường xuyên tuyên truyền, tập huấn tới cán bộ địa phương, nhân dân về "nguyên tắc 4 đúng” trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; hướng dân nhân dân sản xuất rau an toàn; tuyên truyền, tập huấn cho nhân dân về áp dụng IPM (quản lý dịch hại tổng hợp) cho cây trồng. Tuy nhiên thực tế vẫn còn một bộ phận nông dân giữ thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa tuân thủ nguyên tắc “4 đúng”, dẫn đến hiệu quả phòng trừ, chất lượng nông sản chưa được bảo đảm. Tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật ngày càng phổ biến dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất tồn dư trong nông sản đã làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường, ảnh hưởng đến sản xuất hàng hóa.
 
Ông Bùi Duy Đông, Chủ tịch UBND xã An Bình, huyện Kiến Xương

Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới từ cuối năm 2011 song An Bình gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, trong đó khó khăn nhất là không có nguồn kinh phí, ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện các tiêu chí. An Bình có hệ thống sông ngòi bao bọc nhưng lại chưa được đầu tư vào hệ thống giao thông, nhất là cầu nối với các xã còn nhỏ hẹp gây nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, thông thương hàng hóa. Hơn nữa, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp nên khó huy động nguồn xã hội hóa. Kinh tế của địa phương chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, tỷ trọng nông nghiệp chiếm 45%. Nguồn vốn từ đấu giá quyền sử dụng đất ở địa phương đạt thấp dẫn tới nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới hạn hẹp. Vì vậy, thời gian qua xã đã xây dựng lộ trình thực hiện từng việc, từng hạng mục của các tiêu chí còn thiếu song đến nay mới đạt được 11/19 tiêu chí và nợ đọng xây dựng cơ bản trên 10 tỷ đồng. Hiện tại, An Bình đang dồn sức hoàn thiện các tiêu chí còn lại, phấn đấu về đích nông thôn mới vào cuối năm 2018.
   
Ông Phạm Văn Trãi, xã Minh Khai, huyện Hưng Hà

Gia đình tôi chăn nuôi theo mô hình tổng hợp từ 3 năm nay. Do không có vốn nên phải đầu tư theo phương châm lấy ngắn nuôi dài, mỗi năm thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Tuy nhiên, trong chăn nuôi thường phải đối mặt với nhiều rủi ro như dịch bệnh, giá cả đầu ra bấp bênh khiến nhiều chủ hộ chăn nuôi lỗ nặng. Điển hình như năm ngoái có thời điểm giá thịt lợn hơi xuống thấp nhiều hộ điêu đứng, khi giá lợn hơi lên cao không còn vốn để tái sản xuất. Chính vì những khó khăn trên nên không ít hộ chăn nuôi ở vùng nông thôn điêu đứng, chuyển hướng sang làm những ngành nghề khác.

(Còn nữa)

Nhóm phóng viên

   

 

 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày