Chủ nhật, 22/12/2024, 23:12[GMT+7]

Bảo hiểm y tế - cứu cánh cho người bệnh suy thận

Thứ 3, 30/10/2018 | 09:01:36
7,699 lượt xem
Người bệnh mắc bệnh suy thận mãn phải duy trì chạy thận nhân tạo 1 tuần 2 - 3 lần, mỗi lần từ 3 – 4 giờ. Do phải điều trị suốt đời, không đi làm kiếm tiền được nên kinh tế cũng càng ngày càng suy kiệt. May mắn, BHYT chính là cứu cánh cho người bệnh suy thận mãn bởi giúp họ chi trả chi phí điều trị.

Bệnh nhân chạy thận nhân tạo được phải duy trì đều đặn 2 - 3 ca/tuần và phải chạy thận suốt đời.

Bệnh nhân Đỗ Thị Hòa, 59 tuổi, hiện đang điều trị tại Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đại học Y Thái Bình chia sẻ hoàn cảnh éo le: Tôi bị mắc bệnh suy thận, đã phải chạy thận nhân tạo nhiều năm nay, vì vậy hoàn cảnh đã khó khăn càng khó khăn hơn. Mỗi tuần, tôi đều phải đi từ nhà ở huyện Kiến Xương đến Bệnh viện Đại học Y Thái Bình chạy thận 3 lần. Do sức khỏe yếu lại phải đi chữa bệnh thường xuyên nên tôi không lao động kiếm tiền được, không có nguồn thu nhập, việc đi lại, ăn uống, sinh hoạt đều nhờ họ hàng, làng xóm và tằn tiện qua ngày. Những năm qua, may mắn tôi được cấp thẻ BHYT cho đối tượng hộ nghèo và kinh phí khám chữa bệnh đều được quỹ BHYT chi trả. Nếu không có BHYT tế giúp chi trả 100% viện phí thì tôi và nhiều người bệnh suy thận mãn như tôi không thể có tiền để chữa bệnh để duy trì cuộc sống đến ngày hôm nay.

Chị Lê Thị Minh Huệ, Trưởng phòng Giám định, Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình cho biết: Chạy thận nhân tạo có chi phí khá cao, 1 chu kỳ chạy thận tùy thuộc vào vật tư tiêu hao và hạng bệnh viện, trung bình hết khoảng 700.000 đồng đến 1.000.000 đồng một lần/bệnh nhân. Vì vậy những bệnh nhân nghèo như bệnh nhân Đỗ Thị Hòa không thể có tiền chi trả chạy thận lâu dài nếu như không có thẻ BHYT. Trong khi đó, bệnh nhân điều trị chạy thận nhân tạo cần phải duy trì điều trị suốt đời để duy trì sự sống.

Trên địa bàn tỉnh Thái Bình hiện đang có gần 400 bệnh nhân có BHYT, đang điều trị chạy thận nhân tạo tại 4 cơ sở điều trị trong toàn tỉnh. Hầu hết các bệnh nhân đều được quỹ BHYT chi trả mức 100% chi phí khám chữa bệnh, số phải đồng chi trả chỉ khoảng dưới 10% số bệnh nhân. Hiện trung bình quỹ BHYT chi trả mỗi tháng khoảng 8 triệu đồng cho mỗi bệnh nhân đang chạy thận trên địa bàn tỉnh, mỗi năm khoảng 100 triệu đồng/bệnh nhân.

Theo bác sĩ Lê Thị Phương, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình: Phương pháp chạy thận nhân tạo được các bác sĩ áp dụng đối với bệnh nhân bị bệnh suy thận. Bình thường, thận làm việc để lọc máu và thải chất độc, nước và muối ra khỏi cơ thể. Nhưng khi bị suy thận, đặc biệt là suy thận mãn giai đoạn cuối, quả thận ngừng làm việc hoàn toàn. Bệnh nhân sẽ được các bác sĩ chỉ định chạy thận nhân tạo, khi đó máy lọc thận sẽ làm việc thay thế thận. Chạy thận nhân tạo, máu được bơm từ cơ thể người bệnh, qua màng lọc của máy lọc máu và được làm sạch, quay trở về cơ thể.

Hiện tại, Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình đang điều trị cho 250 bệnh nhân chạy thận chu kỳ, trung bình 2 - 3 lần/tuần, thời gian mỗi lần chạy thận từ 3 - 4 giờ đồng hồ/bệnh nhân.

Những người đã bị mắc bệnh suy thận giai đoạn cuối, tức là thận bị hỏng hoàn toàn thì phải chạy thận suốt đời. Chạy thận không chữa được bệnh thận, nhưng là cách tốt nhất để duy trì sức khỏe và sự sống. Cũng vì phải chạy thận suốt đời nên cuộc sống của người bệnh gần như phải gắn bó với bệnh viện.

Bác sĩ Phương cũng cho biết: Trong số các bệnh nhân chạy thận nhân tạo ở Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, người cao tuổi nhất là trên 80 tuổi, ít tuổi nhất là 14 tuổi, song đều có thâm niên ít nhất là vài năm chạy thận. Trong đó, người đã gắn bó với Bệnh viện chạy thận lâu năm nhất là 15 năm.

Do đặc thù căn bệnh mãn tính, phải duy trì điều trị suốt đời nên hầu hết người bệnh đều nghèo, nhiều gia đình người bệnh suy kiệt về kinh tế. Bởi bản thân người bệnh phải dành thời gian đi chữa bệnh, sức khỏe ngày càng suy kiệt nên không thể duy trì đi làm, học tập bình thường. Không những bản thân người bệnh, mà người thân trong gia đình cũng phải bỏ thời gian đưa đón, chăm sóc người bệnh tại bệnh viện suốt thời gian dài, không còn thời gian tập trung lao động, kiếm tiền. Song rất may 100% bệnh nhân mắc bệnh suy thận mãn, phải điều trị bằng phương pháp chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đều đã có BHYT, được BHYT chi trả 100% mức hưởng chi phí khám chữa bệnh.

Không chỉ là cứu cánh, giúp người bệnh mắc bệnh yên tâm duy trì chữa bệnh bằng phương pháp chạy thận nhân tạo, BHYT giúp chi trả viện phí còn giúp đời sống của bản thân họ và gia đình bớt khó khăn rất nhiều. Đúng là có rơi vào hoàn cảnh ốm đau, bệnh tật, đặc biệt đối với những người mắc bệnh hiểm nghèo như suy thận mãn mới hiểu hết giá trị của tấm thẻ BHYT. Vì vậy, mỗi người dân hãy ý thức thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ tham gia BHYT, cùng chung tay sớm đạt tới mục tiêu BHYT toàn dân.

Hà Dung 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày