Chủ nhật, 22/12/2024, 21:40[GMT+7]

Nam Hà phát triển nghề tại nông thôn

Chủ nhật, 04/11/2018 | 18:55:06
1,058 lượt xem
Những năm qua, hoạt động ngành nghề nông thôn ở xã Nam Hà (Tiền Hải) luôn được chú trọng phát triển như nghề may, móc hộp, đồ gỗ mỹ nghệ, đặc biệt là nghề làm nón lá, ngoài bảo tồn và gìn giữ nét văn hóa truyền thống của địa phương còn đem lại thu nhập ổn định về kinh tế cho hàng trăm hộ dân.

Nghề làm nón lá tại xã Nam Hà (Tiền Hải) tạo thêm nguồn thu nhập cho nhân dân.

Xác định phát triển nghề tại nông thôn luôn có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, xã Nam Hà luôn chủ động tuyên truyền, khuyến khích người dân duy trì và ổn định nghề truyền thống, du nhập các nghề tiểu thủ công mới về địa phương. Thường xuyên phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh hoạt động khuyến công, góp phần khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân nông thôn. Do đó nghề truyền thống ở Nam Hà đã phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, từng bước thích nghi với sự phát triển kinh tế thị trường. 

Đến thăm tổ hợp sản xuất nón lá của gia đình Trịnh Thị Mến, thôn Hướng Tân chúng tôi được chứng kiến các chị em phụ nữ quây quần bên nhau ngồi khâu nón. Tổ hợp của gia đình chị Mến đã tạo việc làm cho hơn 20 lao động với thu nhập khoảng 1,5-2 triệu đồng/ người/tháng. Trung bình mỗi tháng bán ra thị trường 300 chiếc nón, giá mỗi chiếc từ 45-50 ngàn đồng. 

Chị Mến chia sẻ: Nghề làm nón lá ở Nam Hà có từ rất lâu, được các cụ truyền lại từ đời này qua đời khác. Để làm ra được chiếc nón, phải trải qua khá nhiều công đoạn như: xở lá, là lá, vào vành, lên nón, vào mo, lợp lá ngoài, xổ nhôi… Tất cả các công đoạn đều được các chị em phụ nữ nơi đây làm cẩn thận, tỉ mỉ qua từng bước. Nón lá thường có ba lớp: lớp ngoài bằng lá non, loại đẹp và trắng nhất, lớp ở giữa là lá già và lớp trong cũng bằng lá non nhưng đẹp không bằng lớp ngoài. 

Là một trong những hộ chuyên cung cấp vật liệu làm nón lá, anh Trịnh Văn Khiết cho biết: Để làm ra những chiếc nón đẹp thì yếu tố nguyên liệu rất quan trọng vì vậy gia đình anh Khiết đã lên các tỉnh miền núi, trung du lựa chọn kỹ tre làm vành nón, lá cọ, bẹ tre… mang về xử lý. Lá cọ phơi làm sao phải cho lá chuyển màu trắng bạc, mỏng nhưng vẫn bền, dai, phẳng mà không rách, tre dẻo, mềm, để cung ứng cho các hộ dân làm nón tại địa phương. Mỗi năm gia đình anh Khiết cung ứng khoảng 10 -20 tấn lá cọ, tre, nứa đem lại thu nhập 60-80 triệu đồng/năm. 

Hiện nay nghề làm nón của Nam Hà không còn được hưng thịnh như trước, nhưng vẫn tạo được công ăn việc làm ổn định cho 730 hộ với 1.117 lao động. Hàng năm, người dân Nam Hà sản xuất hàng vạn chiếc nón bán ra thị trường, được người tiêu dùng đánh giá cao về mẫu mã, chất lượng. Thị trường tiêu thụ nón lá rộng khắp trong, ngoài tỉnh và được xuất sang Trung Quốc. 

Ngoài nghề làm nón lá, trên địa bàn xã còn mở rộng thêm một số ngành nghề khác như nghề may, nghề mộc và xây dựng... Hiện nay, toàn xã có hàng chục xưởng may đang hoạt động giải quyết việc làm và đem lại thu nhập ổn định cho hơn 400 lao động. 

Ngoài ra, UBND xã còn có nhiều giải pháp để thu hút một số doanh nghiệp tư nhân đầu tư như: Công ty Sản xuất gạch tuynen, Công ty Liên Sơn chuyên sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ và đào tạo dạy nghề cho người khuyết tật… Hoạt động kinh doanh, thương mại và dịch vụ của xã cũng được duy trì và phát triển tốt, các loại hàng hóa ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Việc Nam Hà phát triển các ngành nghề ở nông thôn bền vững sẽ tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lao động ở nông thôn. Qua đó, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới.

Mạnh Thắng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày