Chủ nhật, 22/12/2024, 21:25[GMT+7]

Hiệu quả mô hình sử dụng phân vi sinh trên cây lúa

Thứ 6, 09/11/2018 | 08:14:45
5,757 lượt xem
Những đánh giá tích cực từ kết quả bước đầu của mô hình khảo nghiệm phân bón vi sinh đa chủng đa chức năng Azotobecterin kết hợp với chế phẩm Trichodecma bón cho lúa do Trung tâm Khuyến nông thực hiện ở vụ mùa vừa qua mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường.

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông hướng dẫn người dân sử dụng phân vi sinh và chế phẩm để xử lý đất.

Hiện nay, với sự phát triển mạnh của nền nông nghiệp đã tạo ra một lượng lớn lương thực đáp ứng cho con người. Tuy nhiên do mức độ thâm canh cao, đất liên tục được sử dụng dẫn đến cây trồng dễ bị ngộ độc hữu cơ do rơm rạ được vùi xuống đất nhưng chưa kịp phân hủy. Bên cạnh đó, việc sử dụng ngày càng nhiều phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật làm cho đất bị chai cứng, chua hóa, không giữ được phân bón, cây trồng phát triển không cân đối dẫn đến một số đối tượng sâu bệnh mới như bệnh lùn sọc đen, vàng lùn, lùn xoắn lá… phát sinh, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng nông sản. Do vậy, hiện nay với xu hướng phát triển nông nghiệp có chất lượng cao, thân thiện với môi trường đang được phát triển mạnh, việc sử dụng phân vi sinh và các chế phẩm thay thế phân hóa học nhằm tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao để nâng cao giá trị nông sản đang được quan tâm, đẩy mạnh. Trên cơ sở đó, vụ mùa năm 2018, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với một số đơn vị triển khai mô hình khảo nghiệm sử dụng phân bón vi sinh Azotobacterin kết hợp với chế phẩm Trichodecma bón cho lúa, không sử dụng phân bón hóa học với diện tích 10 sào tại xã Đông Hải (Quỳnh Phụ).

Phân bón vi sinh Azotobacterin giúp phân hủy nhanh các chất hữu cơ, tạo ra chất mùn bổ sung dinh dưỡng cho đất và hạn chế cây trồng bị ngộ độc hữu cơ do thời gian chuyển vụ nhanh, cung cấp thêm chất dinh dưỡng cho cây phát triển cân đối. Chế phẩm Trichodecma có tác dụng giảm thiểu bệnh hại, tăng khả năng đề kháng bệnh của cây trồng, không làm ảnh hưởng đến môi trường như các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học khác, giải độc kim loại nặng trong đất.

Mô hình sử dụng 100% phân hữu cơ vi sinh và chế phẩm với lượng 40kg phân vi sinh/sào, 2kg chế phẩm/sào, gieo cấy giống lúa HY198 trên cả ruộng mô hình và đối chứng với tổng chi phí 330.000 đồng/sào, cao hơn ruộng đối chứng sử dụng hoàn toàn phân hóa học 108.000 đồng/sào. Sử dụng phân bón và chế phẩm sau khi cày lồng dập ra, bón lót trước khi lồng cấy và 2 lần bón thúc. Qua theo dõi, đánh giá cho thấy lúa trong mô hình có thời gian sinh trưởng ngắn hơn 3 ngày so với ruộng đối chứng, lá lúa từ đầu vụ đến cuối vụ có màu xanh vàng, độ tàn lá bền đến cuối vụ, bộ rễ phát triển khỏe mạnh; cây lúa ít sâu bệnh (chỉ phải phun 2 lần, chủ yếu bằng thuốc sinh học trong khi ruộng đối chứng phải phun 5 lần), là một ưu thế giúp nông dân tiết kiệm chi phí thuốc BVTV, hạn chế độc hại cho con người và môi trường, tạo sản phẩm sạch. Về năng suất, ruộng mô hình và ruộng đối chứng cho năng suất tương đương nhau, tuy nhiên nếu hạch toán hiệu quả kinh tế khi lúa trong mô hình ký kết hợp đồng với các công ty, doanh nghiệp thu mua gạo hữu cơ sẽ chênh lệch cao hơn 4.776.200 đồng/ha, tương đương 172.000 đồng/sào so với lúa ở ruộng đối chứng sử dụng phân hóa học.

Các đại biểu tham quan, đánh giá tác dụng của phân vi sinh trong việc phân hủy rơm rạ khi làm đất tại mô hình.

Mục tiêu chính của mô hình chính là tạo được sản phẩm sạch, an toàn cho người sử dụng, bảo vệ môi trường, cải tạo đất và hệ sinh thái, nâng cao sức khỏe cộng đồng theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông đã thành công. Tuy nhiên đây mới là vụ đầu tiên thực hiện với diện tích nhỏ vì vậy cần thực hiện nhiều mô hình với diện tích lớn hơn, trên nhiều vùng sinh thái để khuyến cáo người dân thực hiện.

Quy trình kỹ thuật khi sử dụng phân bón vi sinh Azotobecterin và chế phẩm Trichodecma với lúa:

- Lượng sử dụng cho 1 sào: 40kg phân và 2kg chế phẩm

- Sau khi cày lồng dập ra bón 10kg phân và 0,5kg chế phẩm để phân hủy nhanh chất hữu cơ, hạn chế ngộ độc cho lúa.

- Bón lót trước khi lồng cấy với lượng 10kg phân kết hợp 0,5kg chế phẩm.

- Bón thúc lần 1 với lượng 10kg phân và 0,5kg chế phẩm.

- Bón thúc lần 2 với lượng 10kg phân và 0,5kg chế phẩm.

Trung tâm Khuyến nông Thái Bình

Lưu Ngần


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày