Thứ 2, 23/12/2024, 10:08[GMT+7]

Phát huy vai trò của khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp

Chủ nhật, 09/12/2018 | 16:34:46
1,181 lượt xem
Những năm qua sản xuất nông nghiệp của tỉnh liên tục có sự tăng trưởng vượt bậc; năng suất cây trồng, vật nuôi từng bước được nâng lên; chất lượng nông sản được cải thiện theo hướng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Để có được kết quả đó ngành Nông nghiệp đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ được coi là khâu tạo sự đột phá.

Xử lý rơm để trồng nấm tại xã Lê Lợi (Kiến Xương)

Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được các cấp, ngành, địa phương triển khai qua 10 năm trong đó tiềm lực khoa học công nghệ phục vụ cho chương trình phát trình phát triển "tam nông” được nâng cao. Toàn tỉnh đã nâng cấp 30 phòng thí nghiệm, thử nghiệm chuyên ngành phục vụ công tác nghiên cứu, quản lý và sản xuất kinh doanh thuộc các lĩnh vực hóa, lý, sinh học, giống cây trồng, vệ sinh dịch tễ… Trong đó có 01 phòng thử nghiệm đạt chuẩn quốc gia VILAS, 05 phòng thử nghiệm đạt chuẩn LAS-XD. Đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ trong ngành Nông nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng, đến nay, có trên 2.000 cán bộ có trình độ từ cao đẳng trở lên. Toàn tỉnh đã thực hiện 226 chương trình, đề tài, dự án khoa học, công nghệ về nông nghiệp và phát triển nông thôn. Các chương trình, dự án đã hướng vào tập trung chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tạo ra sản phẩm hàng hóa mới trong nông, lâm nghiệp và thủy sản, góp phần xây dựng và phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được quan tâm đầu tư và huy động vốn đầu tư của nhân dân. Từ năm 2008 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ mua 2.227 máy (gồm máy gặt đập liên hợp, máy gặt rải hàng, máy làm đất, máy gieo hạt), 1.650 công cụ sạ hàng và 23 kho lạnh (đưa tổng số kho lạnh toàn tỉnh lên 98 kho) với tổng kinh phí hỗ trợ 184 tỷ đồng. Đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa các khâu: làm đất và tưới tiêu đạt 100%, thu hoạch đạt 80%. Việc đẩy mạnh cơ giới hóa đã làm giảm đáng kể giá thành sản xuất và giải quyết được tình trạng thiếu lao động vào thời điểm có tính mùa vụ cao, tạo quỹ đất cho sản xuất vụ hè thu và vụ đông.

Nông dân xã An Ninh (Tiền Hải) thu hoạch củ đậu

Các biện pháp canh tác tiên tiến được đẩy mạnh ứng dụng như công nghệ làm đất tối thiểu, làm màn, làm giàn; chăn nuôi kiểu chuồng khép kín, tự động cấp thoát nước và điều khiển nhiệt độ, không khí; bán tự động trong vệ sinh phòng dịch; nuôi tôm công nghệ cao; cải hoán, nâng cấp tàu khai thác xa bờ, cải tiến lưới nghề, công cụ khai thác và trang bị máy thông tin liên lạc hiện đại để định vị tàu thuyền, cảnh báo bão lũ và thiên tai. Ứng dụng công nghệ Biogas, công nghệ vi sinh vật hữu hiệu và một số chế phẩm vi sinh khác để xử lý môi trường chăn nuôi, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Thông qua kết quả của các mô hình đã nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò của khoa học công nghệ trong sản xuất, tạo tiền đề cho việc chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn trong những năm tiếp theo.

Việc nghiên cứu và đưa vào ứng dụng thành công các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế ngành Nông nghiệp. Tốc độ tăng trưởng bình quân khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2008 – 2017 là 3,96%/năm, vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 26 đề ra. Trong lĩnh vực trồng trọt đã duy trì năng suất lúa trên 130 tạ/ha/năm, bảo đảm an ninh lương thực đồng thời đã có sản lượng xuất khẩu ra một số nước trong khu vực; tăng diện tích cây vụ đông, đưa hệ số sử dụng đất lên 2,4 lần, giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác năm 2017 đạt 133,19 triệu đồng, tăng 2,11 lần so với năm 2008. Chăn nuôi, thủy sản phát triển mạnh theo quy mô lớn, áp dụng công nghệ hiện đại tạo khối lượng hàng hóa lớn.

Tới đây, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp tiếp tục được triển khai, trong đó thực hiện điện khí hóa, hiện đại hóa hệ thống thủy lợi, giải quyết tốt nhu cầu tưới tiêu khoa học cho nông nghiệp; đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ sinh học; xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao là những nhiệm vụ trọng tâm đặt ra để hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn với tốc độ cao, ổn định và bền vững.

Lưu Ngần 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày