Thứ 2, 23/12/2024, 22:33[GMT+7]

Thoát nghèo nhờ nuôi dê

Thứ 2, 21/10/2019 | 09:22:28
4,560 lượt xem
Từ một hộ có điều kiện kinh tế rất khó khăn, sau 7 năm nuôi dê lấy thịt theo hình thức bán chăn thả, đến nay, gia đình ông Lại Văn Sinh, thôn Tây Hồ, xã Hòa Bình (Vũ Thư) đã vươn lên có thu nhập ổn đinh, đặc biệt nhờ nuôi dê, gia đình ông đã có điều kiện nuôi được 2 con học đại học.

Nhờ nuôi dê, gia đình ông Lại Văn Sinh đã có thu nhập ổn định và nuôi được 2 con học đại học.

Cùng ông Sinh ra thăm chuồng trại nuôi dê, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì thật ra chuồng trại nuôi dê của gia đình ông khá đơn giản, chỉ là khu chuồng trại nuôi lợn trước kia, cải tạo lại và kê sàn gỗ để dê đứng không bị lạnh chân. Ông Lại Văn Sinh nhớ lại: Năm 1997, khi nghe đài phát thanh nói về một mô hình nuôi dê ở tỉnh ngoài, ông đã thấy rất ấn tượng về con dê. Là người kiên trì, hàng ngày ông Sinh chịu khó xem ti vi, sách báo, đặc biệt các chương trình hướng dẫn kỹ thuật dành cho nhà nông trên kênh VTV2, Đài Truyền hình Việt Nam, ông Sinh cẩn thận ghi chép lại. Cứ tỉ mỉ học hỏi như vậy nhiều năm ông Sinh đã nắm bắt khá chắc lý thuyết chăm sóc, nuôi dê. Ông luôn ao ước mua dê về để “thực hành” nuôi dê phát triển kinh tế gia đình, tuy vậy, những năm trước kia, kinh tế gia đình ông Sinh thực sự khó khăn, không có vốn để đầu tư con giống. Mãi đến năm 2012 – 2013, vợ chồng ông Sinh mới quyết định mạnh dạn vay mượn 15 triệu đồng đầu tư mua 5 con dê giống, trong đó có 4 con dê cái về chăn nuôi. Ngay lứa đầu tiên, 4 con dê cái đã sinh sản cho gia đình ông Sinh 7 con dê con, năm đầu tiên nuôi dê, ông Sinh đã có lãi, có thể trả khoản tiền vay mượn đầu tư mua dê giống. Đây là động lực lớn giúp vợ chồng ông Sinh kiên trì phát triển, mở rộng đàn dê.

Ông Sinh chia sẻ: Nuôi dê lãi hơn nhiều so với các loại vật nuôi khác vì nguồn thức ăn của dê rất đa dạng như cỏ, các loại lá xoan, lá mít, lá chuối, lá sanh, si. Đây là những loại cây rất sẵn ở các vùng nông thôn nên không tốn chi phí đầu tư thức ăn cho dê. Gia đình ông Sinh áp dụng hình thức nuôi dê bán chăn thả, mỗi ngày thả cho dê ăn cỏ từ 2 – 3 tiếng đồng hồ ở đồng hoặc bờ đê, kết hợp cắt lá cho dê ăn thêm tại chuồng. Dê ăn khá tạp, tuy nhiên thường hay bị chướng bụng đầy hơi và một số bệnh lây nhiễm như long móng, lở mồm. Nắm bắt đặc điểm này, gia đình ông Sinh luôn chú trọng kiểm tra nguồn thức ăn để bảo đảm sạch. Những đợt bà con phun thuốc trừ sâu, thuốc cỏ trên đồng ruộng, hay khi trời mưa, cỏ, lá cây còn ướt, ông Sinh tuyệt đối tránh chăn thả dê. Dê không khó nuôi nhưng mẫn cảm với thời tiết, ông luôn cẩn thận chăm sóc đàn dê nhất là trong những thời điểm thay đổi thời tiết; định kỳ bổ sung thêm một số loại vitamin và khoáng chất giúp dê nâng cao sức đề kháng. Mỗi con dê như một người bạn của ông Sinh, bất cứ khi nào có 1 con trong đàn dê có biểu hiện ốm, ăn kém, ông Sinh đều dễ dàng nhận thấy và kịp thời chăm sóc, điều trị.

Trong 7 năm qua, gia đình ông Sinh chưa bị thiệt hại con dê nào do bệnh tật. Đàn dê của gia đình ông Sinh thường xuyên duy trì ở mức 20 – 30 con, thời kỳ cao điểm nhất đạt 50 con. Những năm trước giá thịt dê thương phẩm chưa cao như hiện nay, trừ chi phí, bình quân mỗi năm gia đình ông Sinh thu lãi 50 – 70 triệu đồng từ nuôi dê. Việc tiêu thụ đàn dê không mấy khó khăn vì chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Bà Nguyễn Thị Kim Thương, vợ ông Sinh phấn khởi chia sẻ: Chính nguồn thu nhập này đã giúp vợ chồng ông Sinh nuôi 2 con gái học đại học, từ đó giúp con gái lớn của ông bà tìm được việc làm ổn định khi ra trường, con gái thứ 2 chuẩn bị tốt nghiệp đại học. Ngoài ra, nhờ nuôi dê, kinh tế gia đình khá hơn trước kia, đời sống từng bước được nâng cao.

Mấy năm trước, gia đình ông Đặng Văn Cương, thôn Ngũ Lão xã Hòa Bình được ông Sinh vận động và nhiệt tình hỗ trợ kỹ thuật, nhờ đó mạnh dạn nuôi dê. Hiện nay, gia đình ông Cương duy trì phát triển ổn định đàn dê với quy mô đàn thường xuyên 20 – 30 con và có hiệu quả kinh tế tương tự gia đình ông Sinh. “Hiện nay giá thịt dê thương phẩm tăng, nhu cầu thị trường tiêu thụ thịt dê lại rất thuận lợi, dê là con vật nuôi khá phù hợp để nông dân chọn nuôi. Các hộ có nhu cầu học hỏi kỹ thuật nuôi dê, chỉ cần tìm đến nhà “Sinh dê” ở thôn Tây Hồ, tôi sẽ nhiệt tình hướng dẫn. Tôi mong sao mình có thể giúp đỡ cho nhiều hộ, nhất là những hộ có hoàn cảnh khó khăn có thể vươn lên thoát nghèo bền vững nhờ nuôi dê” – ông Sinh chia sẻ thêm.

Quỳnh Lưu

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày