Thứ 2, 23/12/2024, 22:59[GMT+7]

Vũ Vân: Dân nhẹ người vì xóa tục “cỗ to”

Thứ 2, 21/10/2019 | 16:36:18
1,732 lượt xem
Làm cỗ mời khi nhà có việc vui, buồn hay “bị mời” đi ăn cỗ đều là nỗi lo lắng thậm chí trở thành gánh nặng của người dân xã Vũ Vân, huyện Vũ Thư do tục lệ tổ chức cỗ bàn linh đình ở đây. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của những năm trước kia, giờ đây nhờ thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, đến nay người dân đã “nhẹ người” vì xóa bỏ được hủ tục đã tồn tại lâu đời tại địa phương.

Những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp trong đám cưới vẫn được người dân Vũ Vân gìn giữ.

Lãng phí vì “cỗ to”

Thái Sa là 1 trong 5 thôn và cũng là thôn có tập tục cỗ bàn linh đình, nặng nề nhất của xã Vũ Vân. Ông Bùi Đình Riểu, thôn Thái Sa cho biết: Những năm trước đây, mỗi gia đình có đám cưới, đám tang ở thôn đều làm tối thiểu khoảng 100 mâm cỗ trở lên để mời khách, tục ăn cỗ kéo dài 3 – 4 ngày liền. Mặc dù ăn không xuể nhưng đã dọn cỗ ra, cỗ phải có đầy đủ món... Trong khi đó, đời sống của bà con ở thôn chỉ ở mức trung bình, thậm chí nhiều hộ còn khó khăn, để lo hàng trăm mâm cỗ mời khách, chủ nhà phải “è cổ” trả nợ. Nhưng đã trở thành tập tục nên không ai dám bỏ, nhà này nhìn nhà kia, sợ làng xóm, bà con chê cười nên gia đình nào có đám hiếu, hỷ, công kia việc nọ đều phải mở cỗ bàn mời khắp lượt họ hàng, làng xóm xa gần. Người “bị” mời cũng cảm thấy phiền hà, mệt mỏi, tốn kém vì phải mang tiền đi mừng, đi phúng, lại mất thời gian ăn uống, nhưng cũng không dám từ chối.

Bà Nguyễn Thị Tẹo, thôn Quang Trung chia sẻ: Trước kia, các gia đình có đám hiếu thường lo cho người mất thì ít mà lo cho người sống nhiều hơn, là bởi lẽ sẽ phải lo làm hàng trăm mâm cỗ đãi khách trong mấy ngày liền, vất vả, tốn kém vô cùng. Tôi nhớ mãi hình ảnh khi đi đưa tiễn người đã khuất ra nghĩa trang, thì chỉ đi khoảng vài trăm mét khỏi ngõ là khoảng một nửa đoàn đưa tang sẽ bị người nhà lôi kéo, chào mời, ép buộc quay lại gia đình để ăn cỗ thay vì đi đưa tang, Người nhà phải làm vậy vì hàng trăm mâm cỗ đã làm sẵn, nếu không chia bớt một nửa số khách về ăn cỗ trước, thì sẽ không có chỗ bày cỗ và không phục vụ xuể! Việc này khiến đám tang mất tính trang nghiêm và phiền hà cho nhiều khách dự, đặc biệt lãng phí khoảng 40 – 50 triệu đồng/đám tang cho việc cỗ bàn.

Nếu ở các làng quê khác, 1 mâm cỗ đám cưới thường dành cho 6 người ăn thì ở Vũ Vân chỉ có 5 người ăn. Mâm cỗ vẫn phải làm đầy đủ món, số lượng nhiều, chủ yếu để bà con lấy phần mang về. Chủ nhà rất muốn sắp xếp 6 người vào 1 mâm cho tiết kiệm nhưng cũng không dám thay đổi tập quán này. Do cách xếp mâm như vậy, tính ra mỗi đám cưới ở Vũ Vân thường tăng thêm hàng chục mâm cỗ, lãng phí vài chục triệu đồng. Số tiền này chủ yếu các đôi vợ chồng trẻ phải “gánh”, khiến họ không còn điều kiện chăm lo gia đình, phát triển kinh tế. Đám cưới ở Vũ Vân trước đây cũng thường mời rất nhiều khách, từ họ hàng cho đến làng xóm không kể thân, sơ, nên bà con cũng nơm nớp nỗi lo đi “trả nợ miệng”.  

Diện mạo làng quê Vũ Vân đổi thay, đời sống người dân cũng văn minh hơn.

Quyết liệt loại bỏ hủ tục

Nhận thấy việc bày cỗ bàn linh đình trong đám cưới, đám tang ở địa phương đã trở thành hủ tục gây nhiều hệ lụy xấu cho nhân dân, năm 2014, cấp ủy, chính quyền xã Vũ Vân quyết định vào cuộc để vận động bà con thay đổi hủ tục này. Năm 2015, UBND xã ban hành quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang, quy định chi tiết 9 điều về các vấn đề để tổ chức lễ tang theo nếp sống văn minh, trong đó quy định “cấm làm cỗ mời khách trong đám tang”. Xã chỉ đạo các ngành, đoàn thể, các thôn, đặc biệt thôn Thái Sa tập trung tuyên truyền để nhân dân nắm vững quy định này.

Ông Bùi Quang Minh, Chủ tịch UBND xã Vũ Vân cho biết: Bắt tay vào triển khai, ở những đám tang đầu tiên, xã trích kinh phí hỗ trợ tiền chè nước cho gia đình, huy động 100% cán bộ xã, thôn trực tiếp tham gia hỗ trợ, giám sát, đôn đốc các gia đình ở từng khâu tổ chức lễ tang. Đặc biệt, xã quán triệt, ký cam kết với gia đình không tổ chức cỗ bàn linh đình, chỉ làm cơm với thực đơn dưới 300.000 đồng/mâm và chỉ dành cho con cháu trực tiếp phục vụ đám tang, không làm cỗ mời khách. Ban tổ chức lễ tang cũng thông báo công khai trên loa đài việc chủ nhà không mời cơm khách theo quy định của địa phương, nhờ đó chủ nhà không phải e ngại vì đã không theo tập tục mà khách cũng hài lòng ra về. Có 1 vài đám cố tình không theo quy định, vẫn làm cỗ bàn, nhưng chính bà con đã thay đổi nhận thức, không ở lại ăn cỗ đám tang nên chủ nhà đã bị “ế” cỗ. Từ đó, bà con rút kinh nghiệm và bảo nhau thực hiện rất tốt các quy định về tổ chức lễ tang theo nếp sống văn minh. Hiện nay 100% đám tang đã xóa bỏ được việc tổ chức cỗ bàn linh đình. Mỗi năm Vũ Vân có khoảng 50 – 60 đám tang, ước tính người dân trong xã tiết kiệm được hàng tỷ đồng mỗi năm nhờ thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang.

Trên “đà” thành công của thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang, đầu năm 2018, Vũ Vân tiếp tục vận động bà con thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới. Ông Lưu Văn Vinh, Bí thư Chi bộ thôn Thái Sa cho biết: Đầu năm 2018, khi xã có chủ trương này đúng dịp địa bàn thôn có đám cưới con trai của gia đình ông Thơ trong thôn. Đội ngũ cán bộ xã, thôn đến gia đình ông Thơ trực tiếp vận động gia đình làm cỗ gọn nhẹ trong đám cưới, cụ thể là sắp xếp mâm cỗ 6 người (trước kia là 5 người), làm thực đơn vừa đủ ăn, giảm số món, giảm 1/3 số mâm cỗ so với dự định ban đầu của gia đình. Ban đầu ông Thơ rất lo ngại, băn khoăn bà con cười chê, nhưng sau khi thực hiện theo nếp sống văn minh, gia đình ông Thơ đã tiết kiệm được vài chục triệu đồng mà không ai chê cười, mọi người đều rất phấn khởi. Hiện 100% đám cưới ở thôn đã theo nếp sống văn minh.

Không riêng việc cưới, việc tang, các đám giỗ chạp, “sang cát”, cất nhà… ở Vũ Vân hiện nay đã cơ bản xóa bỏ hủ tục bày biện cỗ bàn linh đình và dần thực hiện theo nếp sống văn minh, góp phần đáng kể trong việc thực hành tránh phô trương, lãng phí, tích cực cài thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng quê xa trung tâm huyện, thị.

Quỳnh Lưu

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày