Thứ 4, 25/12/2024, 09:05[GMT+7]

Dũng Nghĩa: Bù đắp thiệt hại cho nông nghiệp

Thứ 5, 05/12/2019 | 09:11:50
1,397 lượt xem
Cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, năm nay, sản xuất nông nghiệp của xã Dũng Nghĩa (Vũ Thư) chịu nhiều thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi và chuột gây hại. Để duy trì tốc độ phát triển kinh tế và bù đắp thiệt hại cho ngành Nông nghiệp, cấp ủy, chính quyền xã Dũng Nghĩa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ.

Nghề mộc phát triển mạnh ở xã Dũng Nghĩa, tạo việc làm và thu nhập cho hơn 120 lao động địa phương. Trong ảnh: Cơ sở mộc gia dụng và mỹ nghệ của gia đình ông La Văn Luyến, thôn Vô Thái, xã Dũng Nghĩa.

Đầu tháng 4/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã khiến nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Dũng Nghĩa rơi vào cảnh lao đao. Số lợn bị nhiễm bệnh phải tiêu hủy hơn 50 tấn, ước thiệt hại trên 2 tỷ đồng. Dịch bệnh kéo dài khiến cho việc tái đàn phục hồi nghề chăn nuôi lợn của nông dân không thể thực hiện ngay. Thêm vào đó, thiếu hụt lực lượng lao động trong trồng trọt, cộng với chuột phá hoại mùa màng nên nông dân không mặn mà với việc thâm canh lúa và rau màu dẫn đến giá trị sản xuất, chăn nuôi của địa phương bị suy giảm đáng kể. 

Ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch UBND xã Dũng Nghĩa chia sẻ: Nhìn thấy khó khăn của ngành Nông nghiệp nên ngay từ đầu năm, cấp ủy, chính quyền tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển, tăng giá trị các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ.

Gia đình ông La Văn Luyến là một trong những hộ làm nghề tiểu thủ công nghiệp thôn Vô Thái, xã Dũng Nghĩa chuyên sản xuất đồ gỗ gia dụng và mỹ nghệ. Được sự hỗ trợ của địa phương về mặt bằng, gia đình ông đã đầu tư thêm nhiều máy móc mở rộng quy mô sản xuất. 

Ông Luyến cho biết: Sản phẩm chủ yếu của cơ sở là bàn, ghế gia dụng và văn phòng, tủ, giường, cầu thang phục vụ các công trình dân dụng, doanh nghiệp, trường học và người dân. Sản phẩm của chúng tôi ngoài tiêu thụ trong tỉnh còn có mặt ở thị trường Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh. Nhờ có sự giúp đỡ của UBND xã, chúng tôi đã mở rộng được nhà xưởng đáp ứng nhu cầu sản xuất phục vụ các đơn hàng của đối tác trong và ngoài tỉnh. Doanh thu của cơ sở năm 2019 ước đạt hơn 10 tỷ đồng; công nhân có việc làm thường xuyên, thu nhập bình quân đạt 6 triệu đồng/người/tháng.

Được cấp ủy, chính quyền vận động, hỗ trợ, không riêng ông Luyến, nhiều hộ dân xã Dũng Nghĩa mạnh dạn đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với các nghề: mộc, mây tre đan, cơ khí, chế biến nông sản. Toàn xã có 150 hộ sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 800 lao động của địa phương. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng cơ bản của xã năm 2019 ước đạt 90 tỷ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2018.

Cùng với thúc đẩy công nghiệp tăng trưởng, xã Dũng Nghĩa cũng tạo mọi điều kiện để người dân phát triển thương mại, dịch vụ. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, địa phương đã quy hoạch mở rộng chợ Vô Ngại lên 2.500m2 và đầu tư 2,9 tỷ đồng để xây dựng 70 ki-ốt và các công trình phụ trợ. Hạ tầng chợ tốt đã thu hút hơn 200 tiểu thương ở trong và ngoài xã đăng ký kinh doanh tại chợ không chỉ đáp ứng nhu cầu mua sắm, sinh hoạt của nhân dân mà còn kích thích bà con phát triển sản xuất, nghề chế biến nông sản và thương mại, dịch vụ. 

Ông Nguyễn Văn Thụ cho biết thêm: Ngoài các hộ kinh doanh tại chợ, xã Dũng Nghĩa có 121 hộ kinh doanh thương mại tại gia đình dọc các tuyến đường trục xã, đường liên xã. Toàn xã có 419 thành viên tham gia hoạt động quỹ tín dụng nhân dân với mức huy động tiền gửi gần 20 tỷ đồng; dư nợ cho vay đạt trên 26 tỷ đồng góp phần giúp các hộ dân đầu tư phát triển kinh tế hiệu quả. Giá trị thương mại, dịch vụ của xã Dũng Nghĩa năm 2019 ước đạt trên 60 tỷ đồng.

Mặc dù giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp bị sụt giảm nhưng nhờ công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển mạnh nên xã Dũng Nghĩa vẫn hoàn thành mục tiêu năm 2019, tổng giá trị sản xuất đạt 174,5 tỷ đồng theo kế hoạch đề ra. Đặc biệt, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt 31,76 triệu đồng/năm, tăng 1,2 lần so với thời điểm xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (năm 2014).


Khắc Duẩn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày