Thứ 4, 21/05/2025, 16:17[GMT+7]

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 Bước đi lịch sử đặt nền móng cho việc tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước

Thứ 4, 21/05/2025 | 09:22:13
153 lượt xem
Từ ngày 6/5/2025, cùng với cả nước, tỉnh Thái Bình tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Đây không chỉ là một hoạt động chính trị - pháp lý quan trọng mà còn là bước đi lịch sử trong công cuộc hoàn thiện thể chế, kiến tạo nền tảng pháp lý cho việc tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Phóng viên Báo Thái Bình có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Xuyền, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội để làm rõ hơn ý nghĩa, tầm quan trọng cũng như nội dung trọng tâm của việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này.

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013? 

Ông Bùi Văn Xuyền: Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là bước đi cần thiết nhằm thể chế hóa đầy đủ và kịp thời các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là chủ trương về tinh gọn bộ máy nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh mới. 

Hiến pháp là đạo luật gốc, có giá trị pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật nước ta. Do đó, chỉ khi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp mới có cơ sở pháp lý để tiếp tục sửa đổi các đạo luật liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước. Qua đó thể chế hóa chủ trương đổi mới, tinh gọn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của Đảng và Nhà nước một cách toàn diện và có hệ thống. 

Lần sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp này tập trung vào hai nội dung lớn là tổ chức lại cơ cấu của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội và định hình mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Tổng thể, có 3 nội dung cốt lõi, tác động đến 8 điều trong Hiến pháp. Những nội dung này đều mang tính chiến lược, tạo cơ sở hiến định vững chắc cho quá trình chuyển đổi mạnh mẽ về tổ chức bộ máy nhà nước trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. 

Phóng viên: Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 tập trung vào việc định hình mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, loại bỏ sự giao thoa, cồng kềnh của mô hình chính quyền hiện hành. Ông có thể phân tích thêm về vấn đề này? 

Ông Bùi Văn Xuyền: Một nội dung sửa đổi, bổ sung mang tính đột phá và có tác động sâu rộng lần này là các quy định về tổ chức đơn vị hành chính (Điều 110) và chính quyền địa phương (Điều 111, 112, 114, 115). Trong thực tiễn, mô hình tổ chức chính quyền địa phương ba cấp gồm tỉnh, huyện, xã đã tồn tại từ khi lập nước, từng phát huy vai trò trong giai đoạn trước đây. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào quản lý nhà nước, những bất cập của mô hình này ngày càng bộc lộ rõ ràng. 

Việc duy trì cấp chính quyền trung gian - cấp huyện trong nhiều trường hợp đã dẫn tới sự cồng kềnh, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, gây lãng phí nguồn lực và hạn chế tính linh hoạt, phản ứng nhanh trong tổ chức thực hiện. Mặt khác, năng lực cán bộ và cơ sở vật chất không đồng đều giữa các cấp cũng là rào cản trong triển khai hiệu quả chính sách. Những vấn đề này cho thấy sự cần thiết và cấp bách phải thay đổi mô hình tổ chức. 

Trên cơ sở đó, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 nhằm thực hiện Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 11 (khóa XIII), trong đó định hướng tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình 2 cấp và chấm dứt hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện kể từ ngày 1/7/2025. Theo dự thảo Hiến pháp sửa đổi, các đơn vị hành chính của nước ta sẽ gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị hành chính trực thuộc cấp tỉnh. Việc xác định cụ thể các loại đơn vị hành chính cấp dưới sẽ do Quốc hội quyết định trên nguyên tắc phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, địa lý, văn hóa... của từng vùng miền. Điều này vừa tạo tính linh hoạt vừa bảo đảm tính thống nhất trong mô hình tổ chức. Một điểm đáng chú ý là dự thảo không còn sử dụng thuật ngữ “cấp chính quyền địa phương” dàn trải như trước mà thay vào đó việc tổ chức HĐND, UBND sẽ căn cứ trên từng loại đơn vị hành chính cụ thể, tránh nhầm lẫn, bảo đảm tính rõ ràng trong thiết kế tổ chức bộ máy nhà nước ở địa phương. 

Ngoài ra, dự thảo Hiến pháp sửa đổi cũng điều chỉnh nội dung liên quan đến hoạt động giám sát của đại biểu HĐND. Cụ thể, các chức danh như Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân sẽ không còn bắt buộc phải trả lời chất vấn tại HĐND cấp địa phương bởi lẽ mô hình tổ chức tòa án, viện kiểm sát theo khu vực không còn gắn trực tiếp với một đơn vị hành chính cụ thể. Sự thay đổi này nhằm tập trung quyền giám sát của HĐND vào hoạt động của UBND và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND, từ đó nâng cao tính thực chất và hiệu quả của công tác giám sát tại địa phương. Có thể nói, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 lần này là một quyết sách đúng đắn, thể hiện tầm nhìn chiến lược và quyết tâm đổi mới mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước. Những thay đổi không chỉ hướng tới khắc phục những bất cập đã và đang tồn tại, mà còn nhằm hiện đại hóa bộ máy nhà nước, tinh gọn tổ chức, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, đồng thời phát huy mạnh mẽ vai trò làm chủ của nhân dân, bảo đảm nguyên tắc “Nhà nước của dân, do dân, vì dân”. Đây chính là tiền đề để tạo động lực mới, bền vững cho sự phát triển quốc gia trong thời kỳ mới. 

Đoàn viên thanh niên đến tận gia đình người dân tuyên truyền tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Phóng viên: Theo ông, để đợt lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đạt hiệu quả, cần tập trung vào những nhiệm vụ gì? 

Ông Bùi Văn Xuyền: Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 lần này là hoạt động có ý nghĩa bản lề, tạo tiền đề cho nhiều cải cách thể chế quan trọng trong tương lai. Việc lấy ý kiến rộng rãi từ nhân dân không chỉ nhằm hoàn thiện nội dung dự thảo, mà còn thể hiện bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là thời điểm để mỗi người dân thể hiện vai trò chủ thể trong việc xây dựng Hiến pháp - đạo luật gốc của quốc gia. 

Để việc lấy ý kiến nhân dân đạt kết quả thực chất, tôi cho rằng cần tập trung vào ba nhiệm vụ trọng tâm: Thứ nhất, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về mục đích, ý nghĩa của đợt sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này. Người dân phải hiểu rằng đây không chỉ là công việc của Quốc hội hay Chính phủ mà là trách nhiệm của toàn dân trong việc tham gia xây dựng nền tảng pháp lý của đất nước. 

Thứ hai, cần làm rõ những nội dung chính được sửa đổi, lý do sửa đổi và ý nghĩa thực tiễn của từng nội dung và phải được trình bày rõ ràng, dễ hiểu để người dân có thể tham gia góp ý một cách hiệu quả. 

Thứ ba, việc thiết kế hệ thống câu hỏi góp ý cần khoa học, cụ thể, phù hợp với trình độ, điều kiện tiếp cận thông tin của người dân. Nên có mẫu câu hỏi gợi ý, cung cấp các phương án trả lời ngắn gọn, để người dân dễ tham gia và cơ quan chức năng dễ tổng hợp ý kiến. Thông qua đó, không chỉ thu nhận được ý kiến đa chiều, mà còn nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức trách nhiệm công dân và tạo sự đồng thuận xã hội trong quá trình tổ chức thực hiện sau này. 

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông! 

Tỉnh đoàn Thái Bình tổ chức cho đoàn viên, thanh niên tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Đoàn viên thanh niên Trường Đại học Y Dược Thái Bình tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. 

Nguyễn Hình - Cao Biền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày