Thứ 6, 03/05/2024, 02:23[GMT+7]

Trợ giúp pháp lý góp phần xây dựng nông thôn mới

Chủ nhật, 18/12/2022 | 20:59:24
2,001 lượt xem
Nhằm tăng cường hiệu quả công tác nâng cao nhận thức, thông tin về trợ giúp pháp lý (TGPL) trong xây dựng nông thôn mới, Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn số 1918/BTP-TGPL về việc thực hiện một số nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Cán bộ cơ sở trợ giúp pháp lý cho người dân.

 Sở Tư pháp Thái Bình đã ban hành các công văn về việc thực hiện một số nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có mục “Nâng cao nhận thức, thông tin về TGPL; tăng cường khả năng thụ hưởng dịch vụ TGPL và việc hướng dẫn tiêu chí huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới, tiêu chí tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025”.
Trên cơ sở đó, trong năm 2022, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước (Sở Tư pháp) đã tổ chức 24 hội nghị truyền thông nâng cao nhận thức thông tin về TGPL tại 5 huyện với hơn 3.000 người tham dự. Qua đó góp phần nâng cao năng lực, kiến thức của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở trong việc truyền thông, thông tin cho người dân về TGPL; tăng cường khả năng hiểu biết về TGPL, kịp thời tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ TGPL chất lượng cho người được TGPL. Tại các hội nghị truyền thông nâng cao nhận thức về TGPL, Trung tâm đã giới thiệu một số quy định của pháp luật về TGPL, các hoạt động TGPL và các văn bản pháp luật liên quan mật thiết đến đời sống nhân dân như pháp luật về dân sự, đất đai, hôn nhân gia đình... giúp người dân nâng cao hiểu biết pháp luật, bảo đảm công bằng cho mỗi người dân khi thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định pháp luật. Ngoài ra, Trung tâm đã biên soạn và in 15.000 tờ gấp “Nâng cao nhận thức thông tin TGPL trong xây dựng nông thôn mới nâng cao”, đồng thời lắp đặt 24 bảng thông tin để tuyên tuyền về hoạt động TGPL tại trụ sở UBND cấp xã để tuyên truyền sâu rộng hơn về hoạt động TGPL. Bên cạnh đó, Trung tâm còn tiếp tục đổi mới hình thức TGPL theo hướng đa dạng hóa, triển khai các hình thức phù hợp với từng đối tượng, địa bàn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; truyền thông trên mạng xã hội; tăng thời lượng và nội dung TGPL trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh...

Đối với việc nâng cao nhận thức, thông tin về TGPL, tăng cường khả năng thụ hưởng dịch vụ TGPL, bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước cho biết: Theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp, các đơn vị thực hiện nội dung TGPL của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 có trách nhiệm tuyên truyền, TGPL giúp nâng cao năng lực, kiến thức, hiểu biết điểm hoặc luân phiên theo địa bàn về TGPL cho những người có uy tín trong cộng đồng và đội ngũ cán bộ ở cơ sở (công an xã, cán bộ tư pháp - hộ tịch...), các tổ chức, đoàn thể của cấp xã để kịp thời giải thích cho người dân về quyền được TGPL, hướng dẫn người thuộc diện TGPL liên hệ với tổ chức thực hiện TGPL, người thực hiện TGPL tại địa phương. Tăng cường hiểu biết về TGPL của người dân vùng nông thôn nhằm kịp thời tiếp cận TGPL khi có yêu cầu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân khi có tranh chấp, vướng mắc pháp luật. Thông tin, truyền thông rộng rãi về công tác TGPL dưới nhiều hình thức tại vùng nông thôn. Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động TGPL, thu hút các nguồn lực tham gia vào hoạt động TGPL tại vùng nông thôn. Tăng cường mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các cơ quan, tổ chức hữu quan tại cơ sở ở các địa phương. Nghiên cứu để có thể thực hiện phối hợp các hoạt động TGPL phù hợp trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với các chương trình mục tiêu quốc gia liên quan nhưng bảo đảm không chồng chéo về đối tượng và nội dung hỗ trợ trên cùng địa bàn.

Nguyễn Thơi

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày