Nửa thế kỷ một cái Tết
Ảnh minh họa.
Chạng vạng tối. Cánh rừng già và thưa trên vùng đất giáp ranh biên giới Việt Nam - Campuchia vẫn còn rõ nét. Những vệt nắng cuối cùng loang lổ những vệt sáng yếu ớt trên các lối mòn mà bộ đội ta tạo ra. Chúng tôi im lặng dọn dẹp các căn hầm nằm sâu vào lòng đất. Lũ vượn vẫn vô tư hú gọi nhau về tổ vang cả cánh rừng. Thi thoảng vài cơn gió cuối năm ào ạt trên mặt rừng. Khí tiết ở vùng đất phía Nam này không rõ nét mùa xuân. Ở đây chỉ có hai mùa, mùa mưa và mùa khô. Bấy giờ đang mùa khô. Gió khô khốc ào trên mặt rừng. Trời nóng nực và khó chịu.
Khoảng tám giờ tối, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4 Long Xuân Chi cùng chú liên lạc Vũ Việt Tăng đến kiểm tra nơi trú quân của đại đội. Tiểu đoàn trưởng Chi thì giờ tôi mới giáp mặt. Đó là một người dân tộc to khỏe và rất kiệm lời, quê ở Bắc Giang, từng là người lính tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Theo nhận xét của Đại đội trưởng Khánh thì ông là người trầm lặng, sâu sát, có chiến thuật và rất thương lính. Còn Vũ Việt Tăng vẫn mặc bộ quần áo Tân Châu màu xanh đã cũ nhưng vẫn xanh màu lá lúa, thì tôi biết từ thời cùng Trung đoàn 8 đóng quân ở Quảng Ninh. Một chú lính hơi gầy, dong dỏng cao nhưng rất lanh lẹn và xởi lởi. Tăng quê xã Đại Tập, huyện Khoái Châu (Hải Hưng), hành quân vào Nam cùng tôi mới mười tám tuổi. Lâu lâu không gặp nhau, Tăng ôm chặt lấy tôi kể bao nhiêu là chuyện về quê hương, về những ngày nhập ngũ, về những kỷ niệm cuộc hành quân kéo ba bốn tháng trời và nỗi lòng khi chuẩn bị đón cái tết của đời lính đầu tiên trên mặt trận B2, về vị Tiểu đoàn trưởng như một ông nông dân cần cù, chịu khó và tỉ mỉ từng chi tiết trước mỗi trận đánh. Tự nhiên em ôm chặt lấy vai tôi thút thít khóc, nói là nhớ nhà, nhớ một cô thôn nữ nào đó đẹp và ngoan, ngày ngày cặm cụi trên bãi sông Hồng trồng khoai, tỉa bắp... Tôi ôm chặt em và thầm thì bên tai, rằng người lính ai cũng có nỗi nhớ quê hương, gia đình, bạn bè nhưng đã nằm giữa chiến trường, cái chết luôn luôn rình rập thì hãy tạm quên những nỗi nhớ đó đi mà sống và chiến đấu. Những người nhiều tuổi hơn em như Tiểu đoàn trưởng Chi, như Đại đội trưởng Khánh và cả tôi, cả nhiều người nữa, nỗi nhớ không ai để lộ trên khuôn mặt khắc khổ của người lính đã có nhiều năm trên chiến trường... Tôi ôm chặt lấy Tăng và em cũng ôm tôi, quệt vội nước mắt. Tôi cũng muốn khóc, khóc to lên một chút, bởi chỉ ngày mai, ngày kia thôi, chúng tôi sẽ không còn những giờ phút bên nhau như tối nay. Một lát sau có tiếng của Tiểu đoàn trưởng: Tăng đâu, Tăng đâu, ta về Tiểu đoàn bộ đi. Tăng nhô cao trên miệng chiếc hầm nửa nổi, nửa chìm dưới rừng cây săng lẻ, nói nhỏ: Thủ trưởng ơi, xuống đây làm hơi thuốc đã. Thuốc lá rubi chiến lợi phẩm đấy thủ trưởng ạ!
*
* *
Còn chục ngày nữa mới đến tết Nhâm Tý 1972, nhưng chúng tôi vẫn âm thầm chuẩn bị tết, như báo trước một điều gì lớn lao lắm. Lệnh trên truyền xuống tới cán bộ đại đội và trung đội là chuẩn bị cho chiến dịch mang tên một người anh hùng dân tộc trên tầm với chiến dịch Mậu Thân (1968). Lính tráng cũng mang máng nhận ra rằng, đây sẽ là một cái tết sớm, bí mật và khẩn trương. Các tiểu đội vẫn cho chiến sĩ sửa hầm, lau chùi vũ khí và bổ sung cơ chế đạn, trang bị thêm mỗi người hai quả lựu đạn mỏ vịt do Mỹ sản xuất, vài gói cơm sấy và một gói ruốc bò, lạng thuốc rê và lọ dầu chống muỗi. Mỗi tiểu đội cử thêm hai chiến sĩ lên đại đội nhận thịt lợn, thịt bò theo tiêu chuẩn mỗi người khoảng một lạng, năm người một cái bánh tét. Rồi cà chua, bí đỏ, cải bắp, trà Thông Nguyên... Chúng tôi ăn tết sớm trước gần chục ngày và một thông điệp quen thuộc: Sẵn sàng chiến đấu, không được rời vũ khí và vị trí, bồng, ba lô luôn bên người, có lệnh là lên đường ngay! Tôi đã có tám cái tết lính xa nhà. Giữa chiến trường ác liệt này, người lính ăn tết sớm hoặc muộn cũng là chuyện thường nhưng tết này tôi thấy nó lặng lẽ hơn và cũng vội vã hơn.
Ngay đêm ba mươi tết, chúng tôi được lệnh hành quân về Nam. Bấy giờ binh lính mới được biết, trở về nước tham gia chiến dịch Nguyễn Huệ. Mọi quân tư trang được kiểm tra khắt khe đến từng thứ mang theo bên người.
Ba giờ sáng chúng tôi hành quân đến một khu rừng không biết tên và mỗi người chọn một gốc cây để nghỉ. Nghiêm cấm gây ra tiếng động dù nhỏ. Cấm nói chuyện, cấm hút thuốc và phát ra ánh lửa. Đội hình hành quân của sư đoàn theo khoảng cách nhất định. Mọi hoạt động nhỏ đều nhất nhất theo lệnh. Cuối giờ chiều chúng tôi vội vàng ăn cơm vắt, nghỉ ngơi chút ít để chuẩn bị vượt biên giới về Tây Ninh và thẳng về Bình Long. Khi qua lộ đỏ (thường gọi là lộ Lệ Xuân) chúng tôi tạm giãn cách đội hình trong bụi le và chờ lệnh. Con đường đất đỏ này, nghe nói bà Lệ Xuân, vợ cố vấn Ngô Đình Nhu, làm để vận chuyển gỗ lậu từ Campuchia về từ những năm đầu của thập kỷ sáu mươi. Bộ phận tiền trạm nhanh chóng trải nilon lên mặt đường cho từng tốp bộ đội nhanh chóng vượt qua và tránh để lại dấu vết. Quá nửa đêm chúng tôi về tới địa điểm tập kết gần Tầu Ô - Xóm Chợ. Đêm hôm sau chúng tôi ra hai bên lộ 13 đào hầm cá nhân và hào sâu nối các hầm, ngụy trang và thực hiện cuộc chốt chặn lịch sử trên lộ 13 kéo dài mấy tháng trời.
Vẫn còn hơi hám của tết. Trong mỗi bữa ăn có thêm ruốc bò, canh cải bắp nấu loãng. Gần sáu giờ chiều mà mặt trời vẫn đỏ chói chang. Khô và nóng. Thi thoảng một cơn gió nhẹ thổi dọc con đường nhựa rồi tràn qua hầm con người cũng thấy dễ chịu. Trời chập choạng tối là lúc bọn thám báo, thiên nga nống ra dò xét. Chúng tôi vẫn phải im lặng ém quân trong các hầm và công sự dưới rừng le khô khốc, dưới các thảm cây xấu hổ dày đặc, bên các ụ mối như bãi tha ma dưới rừng le rậm rạp. Im lặng đến ngột thở. Giữa hai trận đánh bao giờ cũng có một khoảng lặng. Thời điểm đó những người lính chỉ nhìn nhau, khẽ gật đầu và vội vã vuốt lại bộ quân phục lấm lem bụi cát đỏ, lau chùi sơ qua vũ khí, tăng thêm cơ chế đạn rồi nhanh chóng trở về công sự giương súng chờ đợi...
Khoảng cách giữa chúng tôi và địch không xa lắm. Nghe rõ tiếng địch và cả mùi thuốc lá thơm thi thoảng phảng qua. Trận địa của địch được chắn che bởi những bao cát màu xanh rêu. Nhìn rõ khẩu pháo 105 ly hạ thấp nòng bắn thẳng. Không có tiếng đề - pan thông thường. Thỉnh thoảng bọn địch bắn về phía chốt chặn của chúng tôi. Tiếng đạn pháo xé tan sự yên tĩnh mỗi khi nghi ngờ có bóng quân giải phóng hay một tiếng động nhỏ nào đó. Gần địch nên không phải chịu trận những đợt pháo tầm xa mà chúng tôi gọi vui là dàn nhạc Tân Tây lan từng đợt, từng đợt chụp xuống trận địa. Khoảng cách hai nòng súng gần lắm. Và cái chết cũng gần lắm. Suốt gần hai tháng chốt chặn và vượt lên những trận địa nổi, chúng tôi tiếp cận và chiến đấu ác liệt với những trận địch nống ra hòng chiếm lại địa bàn, tập kích đánh những đoàn xe DMC của địch từ Thủ Dầu Một tiếp tế cho lực lượng địch đang tử thủ tại Bình Long, tiếp cận ngay những trận địa mới của địch vừa thả xuống bằng trực thăng có cả xe tăng, pháo hạng nặng... Sau mỗi trận đánh quân số cứ vơi dần mà quân ta chưa kịp bổ sung. Những người lính thân cận bên tôi cứ vơi dần. Đại đội trưởng Khánh quê Thanh Hóa, Trung đội trưởng Thắng quê Vĩnh Phúc, rồi Đạo quê Hải Hậu (Nam Định), Quốc quê Ninh Bình, Vũ Việt Tăng liên lạc của tiểu đoàn và hàng chục các tay súng thiện xạ của Đại đội 1 đã hy sinh. Số ít bị thương trong đó có tôi cũng lần lượt rời đơn vị. Tôi không phải quân lực nên cũng không biết Tiểu đoàn 4 và các đơn vị của Tiểu đoàn ai hy sinh, ai thành phế binh; nhưng một điều tôi biết là, chỉ sau hơn một tháng các đại đội, trung đội, tiểu đội và chiến sĩ đã thay thế đến ba bốn đợt...
*
* *
Ngày 13 tháng 6 năm 2016, kỷ niệm 50 năm thành lập Sư đoàn 7 (1966 - 2016) tại Hà Nội, tôi gặp lại bốn người từng chốt chặn trên đường 13 năm 1972. Tiểu đoàn trưởng Long Xuân Chi, Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Thấu sau đó làm Đại đội trưởng Đại đội 1, thương binh cụt cánh tay phải, Đinh Mạnh Hùng quê Vũ Thắng, Thái Bình thương binh đang đau đớn bởi chất độc da cam và anh Tôn là y tá Đại đội cũng là thương binh nặng. Anh Chi ôm lấy chúng tôi mà nước mắt lưng tròng: Chúng nó đi đâu hết rồi mà sao chỉ còn bốn thằng? Tôi hiểu, đó là một câu hỏi khó của Tiểu đoàn trưởng mà không có câu trả lời. Họ có thể đã hy sinh hoặc là thương binh nặng, hoặc nhiễm chất độc da cam, ốm yếu hay lại cuốn vào chuyện cơm áo gạo tiền... Chúng tôi chỉ còn ôm chặt lấy nhau để nhớ về một thời máu lửa.
Đến tết Nhâm Dần năm 2022 này, tôi cũng không có câu trả lời với người Tiểu đoàn trưởng đã cùng chúng tôi những ngày chốt chặn đường 13 trong mùa xuân của người lính đã tròn nửa thế kỷ.
Thiếu Văn Sơn
(Thành phố Thái Bình)
Tin cùng chuyên mục
- Dấu ấn Thủ tướng Abe trong quan hệ Việt - Nhật 01.09.2020 | 20:05 PM
- Triều Tiên và những điều có thể bạn chưa biết về đất nước bí ẩn nhất thế giới 21.02.2019 | 10:10 AM
- Những con số "giải mã" nguồn cơn bạo động rung chuyển nước Pháp 06.12.2018 | 10:14 AM
- Cuộc đời của George H.W. Bush: Từ phi công chiến đấu, Tổng thống Mỹ tới nhà từ thiện tỷ đô 03.12.2018 | 14:31 PM
- Những cái bắt tay làm thay đổi lịch sử thế giới 12.06.2018 | 15:16 PM
- "Thủ tục làm người còn sống" đã có hậu 04.06.2018 | 17:14 PM
- (Inforgraphic) Mỹ có gì ở đảo Guam mà Triều Tiên lại đe dọa tấn công? 14.08.2017 | 16:26 PM
- Các đô thị lớn trên thế giới xử lý vi phạm lòng đường, vỉa hè như thế nào? 23.03.2017 | 10:51 AM
- Các nước phát triển quản lý vỉa hè và bán hàng rong như thế nào? 23.03.2017 | 09:33 AM
- Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đồng chủ trì Thượng đỉnh ASEAN - Mỹ 16.09.2010 | 07:44 AM
Xem tin theo ngày
-
Đoàn đại biểu tỉnh Thái Bình viếng đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến về một số báo cáo, tờ trình
- Khởi công dự án khu phức hợp đô thị, du lịch sinh thái, sân golf Khoái Châu
- UBND tỉnh nghe và cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng
- Thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025
- Đưa tỉnh Thái Bình trở thành trung tâm kết nối của vùng, khu vực và quốc tế
- 110 tập thể, cá nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn xét khen thưởng cấp nhà nước năm 2024
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh: Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Kế tục xuất sắc sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm quán triệt tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị