Thứ 2, 29/07/2024, 19:18[GMT+7]

Vì sao kế hoạch ám sát Hít-le bị hủy?

Thứ 3, 14/05/2013 | 08:45:50
2,500 lượt xem

Hít-le cùng các tướng của y xem xét đại bản doanh “Vervolph”.

 Trong cuộc Chiến tranh ái quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô chống phát xít Đức xâm lược, Ni-cô-lai I-va-nô-vích Cu-dơ-nhét-xốp (1911-1944)-nhà tình báo quân sự Xô-viết, anh hùng Liên Xô, được gọi như ngôn ngữ thời nay là “kẻ hủy diệt” như tên một bộ phim hành động của Mỹ. Mà ông chỉ “hủy diệt” những nhân vật quan trọng cấp cao của Đức Quốc xã và ngụy quyền tay sai vào những năm 1942-1944 trên đất U-crai-na bị kẻ thù chiếm đóng. Đặc biệt, ông đã dự thảo một kế hoạch khá công phu tiêu diệt trùm phát xít Hít-le (Hitler) tại sở chỉ huy tiền phương của chúng trên mặt trận Xô-Đức. Nhưng kế hoạch này đã bị hủy. Vì sao?

 

“Ngài Thượng úy Pa-un Di-bớc (Paoun Zibert)” nguy hiểm!

 

Tốt nghiệp Trường Đại học Công nghiệp U-ran (1938), chàng trai nông dân vùng Dư-ri-an-ca tỉnh Péc-ma Ni-cô-lai Cu-dơ-nhét-xốp ra làm kỹ sư ở một số nhà máy. Tháng 8-1942, anh xung phong vào đội du kích hoạt động tại các vùng bị phát xít chiếm đóng ở miền Tây U-crai-na. Phong trào du kích này do Đại tá N.I. Mét-vê-đép (1898-1954, anh hùng Liên Xô) chỉ huy. Vốn có tài tháo vát, nhanh nhạy, ứng đối lanh lợi, thông minh, lại có tài bắn tỉa và đặc biệt là thông thạo 6 ngữ của tiếng Đức, anh được nhận vào đội tình báo đặc biệt, hoạt động trong vùng địch chiếm. Từ đó, Cu-dơ-nhét-xốp được mang biệt danh “Thượng úy Pa-un Di-bớc” của quân đội Đức, có đầy đủ giấy chứng minh, hồ sơ cần cho vị “sĩ quan” đó.

 

Giấy chứng minh của nhà tình báo mang tên “Thượng úy Pa-un Di-bớc”.

 

Theo thống kê về chiến công của nhà tình báo này, có tới 11 tên tướng cấp cao và quan chức tay sai đắc lực của ngụy quyền U-crai-na bị chính tay “Thượng úy Di-bớc” tiêu diệt. Trong số các vị cấp cao quan trọng bị ăn đạn “của thượng úy” này có: Chánh án khét tiếng gian ác-người của tổ chức SS Đức Quốc xã là Phun-cơ; cố vấn của tên cầm đầu ngụy quyền U-crai-na Gen-li và thư ký của hắn là Vin-te; Phó thống đốc ngụy quyền Ốt-tô Bao-uê; các tướng từng tung hoành trận mạc Giéc-man, Knút, Mắc In-ghen... Với những chiến công này, thời đó Cu-dơ-nhét-xốp được quân Đức “tặng” biệt danh là “kẻ hủy diệt” của tình báo quân sự Xô-viết. Chúng tìm mọi cách truy lùng mà vẫn không thể nào nhìn thấy con người này bằng xương bằng thịt.

 

Ngày 7-2-1943, Cu-dơ-nhét-xốp đã bắt sống được tên sĩ quan tùy tùng của Toàn quyền U-crai-na - Thiếu tá Ga-an. Trong cặp da của y có một bản đồ bí mật. Sau cuộc tra hỏi tên này, nhà tình báo Xô-viết đã giải mã được tài liệu bí mật đó.

 

Chiếc hầm ngầm của sở chỉ huy tiền phương Đức

 

Từ chiếc cặp da của Thiếu tá trợ lý Ga-an, nhà tình báo Cu-dơ-nhét-xốp đã làm sáng tỏ được chiếc hầm ngầm của sở chỉ huy tiền phương ở mặt trận phía đông của Hít-le, nơi tên trùm phát xít này đã tới đây nhiều lần để trực tiếp chỉ huy các chiến dịch quan trọng. Cách thành phố Vi-ni-xa của U-crai-na bị chiếm 8km, một hầm ngầm được xây dựng với đầy đủ tiện nghi, phương tiện kỹ thuật cho việc chỉ huy trực tiếp các chiến dịch. Nó được gọi với mật danh “Vervolph”. Một đường cáp điện thoại nối thẳng tới văn phòng của Hít-le ở Béc-lin được bảo vệ an toàn tuyệt đối... Hầm ngầm này được bảo vệ nghiêm ngặt, cẩn trọng do một trung đoàn đặc nhiệm của tổ chức SS. Trên mặt đất có một sân bay dã chiến bí mật nhỏ được ngụy trang bằng một bể tắm; xung quanh có các khẩu đội pháo, các lô cốt phòng thủ kiên cố luôn ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

 

Anh hùng Liên Xô N. Cu-dơ-nhét-xốp năm 1943.

 

Những người thợ xây dựng công trình này sau nửa năm mới làm xong và tất cả họ đều bị Hít-le giết chết để bịt đầu mối, giữ bí mật. Đó là những tù binh người Ba Lan, Tiệp Khắc và Liên Xô. Trong các chiến dịch lớn trên lãnh thổ Liên Xô (như Xta-lin-grát, Cuốc-xơ...) Hít-le đã tới đại bản doanh tiền phương này để trực tiếp chỉ huy, phối hợp các mặt trận. Ngày 16-7-1942, lần đầu tiên y cùng “cánh tay phải” của mình là Gơ-rinh tới đây và ở đó cho tới ngày 31-10-1942 để trực tiếp đốc thúc các tập đoàn quân Đức đánh chiếm thành phố Xta-lin-grát. Mùa xuân 1943, Hít-le cùng những tên tướng trong bộ tổng chỉ huy lại tới đây suốt một tháng để trực tiếp tham gia trận chiến vòng cung Cuốc-xơ...

 

Ngày 20-4-1943, viên Toàn quyền U-crai-na Erix Cốc đã tiếp “Thượng úy Di-bớc ” để đàm đạo về một việc riêng. Tại cuộc gặp mặt, Cu-dơ-nhét-xốp đã chuẩn bị giết tên này bằng tay không, khi đã bị đội bảo vệ của y nắm giữ “vũ khí nóng” của anh. Tuy nhiên, nhà tình báo Xô-viết liền thay đổi ý định, vì muốn gây tình thân với hắn để nhờ sự giúp đỡ của hắn mà có thể được gặp Hít-le trong thời gian y tới Vi-ni-xa đốc thúc cuộc chiến. Ngày 27-8-1943, Hít-le lại bay tới hầm ngầm “Vervolph” trong một ngày duy nhất với sự tháp tùng của hai trung đoàn SS. Có lẽ cuộc viếng thăm của trùm phát xít này là “chớp nhoáng” nên Cu-dơ-nhét-xốp không được “vinh dự yết kiến” chăng?

 

Vì sao kế hoạch bị hủy?

 

Xtê-pan Lê-ven-bớt, nhà sử học Cộng hòa dân chủ Đức, đã viết trong một tác phẩm nghiên cứu của mình: Mùa hè năm 1943, tình báo của Đức Quốc xã đã nhận được một báo cáo khẩn của một điệp viên Đức được cài trong Bộ Nội vụ Liên Xô với nội dung: Mát-xcơ-va đang bàn thảo kế hoạch ám sát Hít-le. Nhưng Quốc trưởng đế chế không phải lo lắng về việc này. Bởi vì sau khi đã biết rõ chính xác vị trí của chiếc hầm ngầm quan trọng này, Mát-xcơ-va không có một ý định nào tiêu diệt “Vervolph”, dù chỉ là dùng máy bay ném bom.

 

Trung tướng của Bộ Nội vụ Liên Xô Pa-ven Xu-đốp-la-tốp, người trực tiếp phụ trách chỉ đạo công tác của Cu-dơ-nhét-xốp thì nói rõ trong hồi ký của mình: Mùa xuân 1943, nhiều người đã đề nghị với Xta-lin tiêu diệt Hít-le. Trong việc này, nữ diễn viên On-ga Trê-khốp, cháu nội của nhà văn, nhà phê bình văn học Nga nổi tiếng An-tôn Trê-khốp (1860-1904), sẽ giúp sức, vì nữ nghệ sĩ xinh đẹp tài ba này được Hít-le sủng ái và ngưỡng mộ. Tuy nhiên, Xta-lin đã ngăn chặn việc đó. Và sau quyết định này của lãnh tụ thì không còn ai bàn luận gì về tính mạng của Hít-le nữa. Theo kiến giải của vị tướng này thì Xta-lin lo sợ rằng, nếu ký kết hòa ước với Đồng minh, quân Đức sẽ dồn tất cả lực lượng để đánh Liên Xô là điều hoàn toàn bất lợi và khó lường cho cuộc chiến đang dần chuyển sang thế tổng phản công của quân đội Xô-viết. Vậy là đề nghị của nhiều người, trong đó đặc biệt là của tình báo viên Cu-dơ-nhét-xốp đã bị hủy.

 

Nhà báo, nhà nghiên cứu lịch sử chiến tranh của Ba Lan Mê-chi-xláp Ma-dô-ve-xki cho rằng, sự hoạt động theo cảm tính và “quá” linh hoạt của “kẻ hủy diệt” Cu-dơ-nhét-xốp đã được kịp thời cảnh báo và ngăn chặn. Và có lẽ do vậy mà nhà tình báo có nhiều chiến công đặc biệt này đã bị triệu hồi về Mát-xcơ-va.

 

Ngày 9-3-1944, khi vượt qua trận tuyến tại làng Bô-ri-a-ti-no, Ni-cô-lai Cu-dơ-nhét-xốp đã bị rơi vào ổ phục kích của địch. Đánh trả kẻ thù mãnh liệt, nhưng rồi hết đạn. Để không rơi vào tay giặc, Cu-dơ-nhét-xốp đã dùng quả lựu đạn cuối cùng kết thúc cuộc đời tình báo của mình. Và mấy tên giặc xông vào anh cũng bị mất mạng. Có lẽ dưới suối vàng, nhà tình báo vĩ đại này vẫn còn tiếc mãi là không nhận được nhiệm vụ đặc biệt: Giết tên trùm phát xít diệt chủng Hít-le? Các nhà nghiên cứu lịch sử chiến tranh ở Liên Xô và Nga thì cho rằng, có lẽ phải 80 năm sau cuộc chiến đó-2025-hồ sơ tư liệu đầy đủ về nhà tình báo Ni-cô-lai Cu-dơ-nhét-xốp mới được khám phá đầy đủ. Vì ông là một trong những nhà tình báo của Liên Xô có nhiều thành tích đặc biệt và hiệu quả nhất.

 

Một số nhà văn quân đội Xô-viết đã có tác phẩm về ông. Đặc biệt, cuốn tiểu thuyết “Đội quân tiến về phía Tây” của nhà văn Mét-vê-đép, nguyên là đại tá chỉ huy phong trào du kích trong vùng bị Đức tạm chiếm, xuất bản năm 1948 mà nhân vật chính của truyện là chính nhà tình báo quân sự Ni-cô-lai Cu-dơ-nhét-xốp.

Nguồn qdnd.vn

 

  • Từ khóa