Thứ 3, 06/05/2025, 12:09[GMT+7]

Những thách thức chờ đợi tân Tổng thống Iran

Thứ 3, 06/08/2013 | 16:26:12
820 lượt xem
Ngày 4-8, ông Hassan Rouhani chính thức trở thành Tổng thống Iran. Giành chiến thắng trong cuộc bầu cử với lời hứa tìm cách dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và khôi phục nền kinh tế, liệu ông Rouhani có thể thực hiện được lời hứa này?

Trước mắt, vị Tổng thống thứ 7 của nước CH Hồi giáo Iran sẽ phải đối mặt không ít thách thức, cả đối nội và đối ngoại.

Khôi phục kinh tế suy thoái

Với tốc độ tăng trưởng âm, nền kinh tế Iran đang trong giai đoạn suy thoái. Tỷ lệ lạm phát gần 36%, còn con số không chính thức cao hơn nhiều. Mức lạm phát giá lương thực đã lên tới 55%.

Tỷ lệ thất nghiệp khoảng 12% vẫn đang tăng lên. Các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế cũng góp phần tàn phá nền kinh tế Iran, riêng trong lĩnh vực xuất khẩu dầu lửa đã làm giảm nguồn thu ngân sách khoảng 65%. Trừng phạt trong lĩnh vực ngân hàng khiến Iran không thể chuyển tiền từ bán dầu mỏ về nước. Thiếu hụt tiền tệ đã làm cho đồng rial của Iran mất giá trầm trọng, khoảng 80% trong năm ngoái.

Tổng thống mới có thể hy vọng cải thiện khả năng quản lý, nhưng điều cấp bách hơn là phải tìm cách chấm dứt các lệnh trừng phạt nếu muốn đưa Iran hồi phục

Bế tắc hạt nhân với các cường quốc

Để dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, trước hết ông Rouhani cần phải phá vỡ được bế tắc trong các cuộc đàm phán hạt nhân với nhóm P5+1 (bao gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và Đức).

Trong buổi tranh luận được truyền hình trực tiếp trong giai đoạn tranh cử, hầu hết các ứng cử viên đều chỉ trích ứng cử viên Saeed Jalili không thể tạo ra tiến triển trong đàm phán quốc tế, khiến Iran phải hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt hơn bắt chấp ông Jalili là nhà thương thuyết hàng đầu hạt nhân của Iran kể từ năm 2007. Như thế, rõ ràng ngay những quan chức hàng đầu trong chính phủ cũng có những chia rẽ sâu sắc về cách thức đàm phán hạt nhân.

Khi bị chỉ trích về những nhượng bộ ngoại giao của mình, ông Rouhani đã khẳng định rằng “chúng ta phải có chương trình hạt nhân của mình, nhưng không phải bằng bất cứ giá nào”. Ông cũng cho rằng Iran nên chủ động hơn trong các cuộc đàm phán và minh bạch hơn trong các hoạt động hạt nhân. Ông muốn Iran đạt được một vị thế tin cậy với các cường quốc thế giới.

Tuy nhiên, khó khăn là ông Rouhani không phải người có tiếng nói quyết định. Các nhà quan sát tin rằng Đại Giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei của Iran mới là người đưa ra những quyết định cuối cùng. Thêm vào đó, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC), một đồng minh gần gũi với ông Khamenei, cũng có ảnh hưởng đáng kể trong việc đưa ra những chính sách an ninh chiến lược của đất nước.

Mặc dù vậy, nếu ông Rouhani tìm ra cách thức đúng đắn, ông có thể sẽ nhận được sự ủng hộ của Đại giáo chủ Khamenei. Nếu không, bóng ma của chiến tranh sẽ tiếp tục đe dọa Iran.

Quan hệ với thế giới bên ngoài

Hầu hết những vấn đề mà ông Rouhani phải giải quyết xuất phát từ những mối quan hệ khó khăn với phương Tây. Đây là khu vực mà tân Tổng thống Iran có thể đặt được dấu ấn của mình dễ dàng hơn so với các vấn đề khác mà ông đang phải đối mặt.

Tân Tổng thống có nhiều kinh nghiệm ngoại giao, từng là nhà thương thuyết hạt nhân hàng đầu của Iran trong nhiều năm và có quan hệ với các cường quốc phương Tây ở mức độ cao nhất.

Trước mắt, Tổng thống Rouhani có thể bắt đầu bằng cách tái thiết lập quan hệ với Anh, nước đã từng đóng cửa Đại sứ quán Anh ở Tehran vào năm 2011 và cũng là người sau đó đã ra lệnh đóng cửa Đại sứ quán Iran ở London.

Với Mỹ, phản ứng đầu tiên về chiến thắng của ông Rouhani trong cuộc bầu cử là các cuộc đối thoại trực tiếp với Tehran về chương trình hạt nhân của Iran cũng như về mối quan hệ song phương. Trong bầu không khí phấn khích ở Tehran, rất nhiều người tin rằng bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra.

Theo Nhân dân

  • Từ khóa