Thứ 2, 01/07/2024, 05:19[GMT+7]

Bước lùi trong nỗ lực cân bằng quan hệ Mỹ - Nga

Thứ 6, 09/08/2013 | 16:06:02
855 lượt xem
Vụ bê bối Xnâu-đơn được cho là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới quyết định của Nhà trắng hủy cuộc gặp cấp cao Mỹ-Nga sắp tới. Ðộng thái này không chỉ gây thất vọng với Mát-xcơ-va, mà cả cộng đồng quốc tế và cho thấy bước thụt lùi của Mỹ trong nỗ lực thúc đẩy quan hệ Mỹ - Nga phát triển bền vững và cân bằng.

Cuộc gặp cấp cao Nga-Mỹ được lên kế hoạch diễn ra trước thềm Hội nghị mùa thu của Nhóm các nền kinh tế phát triển mới nổi hàng đầu thế giới (G20) được tổ chức tại Xanh Pê-téc-bua của Nga trong hai ngày 5 và 6-9 tới. Nếu được tổ chức, đây sẽ là cuộc gặp cấp cao Nga-Mỹ lần thứ hai kể từ cuối tháng 4 vừa qua, khi hai nước nhất trí khôi phục tiến trình "cài đặt lại" quan hệ song phương bị bế tắc do bất đồng trong nhiều vấn đề. Tổng thống Nga V.Pu-tin và Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma có cuộc gặp song phương gần đây nhất là bên lề Hội nghị cấp cao G8, tại Bắc Ai-len (Anh).

 Quyết định của Mỹ hủy cuộc gặp song phương với Nga được người phát ngôn Nhà trắng G.Các-ni giải thích, do thiếu tiến triển trong một loạt vấn đề trong quan hệ giữa Mỹ và Nga, gồm phòng thủ tên lửa và kiểm soát vũ khí, các vấn đề nhân quyền và xã hội dân sự, quan hệ thương mại, an ninh toàn cầu... Và tất nhiên, có cả "sự thất vọng" của Oa-sinh-tơn về việc Mát-xcơ-va cấp quy chế tị nạn tạm thời một năm tại Nga cho cựu nhân viên Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) E.Xnâu-đơn. Cuộc gặp sẽ được nối lại khi chương trình nghị sự chung giữa hai nước đạt tiến bộ hơn.

 Theo lời phát ngôn viên Nhà trắng, vụ bê bối Xnâu-đơn không là nguyên nhân chính, nhưng lại là yếu tố trực tiếp dẫn tới quyết định của Oa-sinh-tơn hủy kế hoạch gặp cấp cao Mỹ-Nga. Vụ Xnâu-đơn xảy ra vào thời điểm được cho là tồi tệ trong quan hệ Mỹ và Nga, với nhiều bất đồng lên đỉnh điểm, từ kế hoạch lá chắn tên lửa của Mỹ ở châu Âu, cuộc khủng hoảng Xy-ri, đến các vấn đề nhân quyền. Nga cương quyết phản đối dùng vũ lực lật đổ chế độ Tổng thống Xy-ri A.Át-xát trong khi Mỹ tìm cách vận động quốc tế ủng hộ loại bỏ nhà lãnh đạo được ví như "cái gai" trong mắt Oa-sinh-tơn. Nga mạnh mẽ chỉ trích chính sách của Mỹ và phương Tây trừng phạt I-ran. Trong vấn đề nhân quyền, Mát-xcơ-va không khoan nhượng sức ép từ Oa-sinh-tơn. Căng thẳng khiến Tổng thống Ô-ba-ma không thể thúc đẩy đàm phán với Nga về thỏa thuận cắt giảm vũ khí hạt nhân, điều ông kỳ vọng là "tài sản" nổi bật sau hai nhiệm kỳ làm tổng thống Mỹ. Trong bối cảnh ấy, việc Mát-xcơ-va mở lối thoát cho cựu điệp viên CIA như "giọt nước tràn ly" làm Oa-sinh-tơn bẽ mặt và thêm tức giận, đưa tới quyết định hủy cuộc gặp tại Xanh Pê-téc-bua.

 Với Nga, việc cho phép "kẻ tội đồ của Mỹ" tị nạn tạm thời chỉ mang ý nghĩa nhân đạo. Tổng thống Pu-tin nhiều lần khẳng định không để vụ Xnâu-đơn tác động tiêu cực quan hệ với Mỹ. Thực tế, cựu điệp viên Mỹ tuân thủ những yêu cầu của chính quyền Crem-li, kể từ khi đặt chân xuống khu quá cảnh tại sân bay ở Nga đã không tiết lộ thêm bất kỳ thông tin "gây sốc" nào gây hại cho Oa-sinh-tơn. Giữa Nga và Mỹ không có quy chế hợp tác dẫn độ, trong khi từng nhiều lần Oa-sinh-tơn viện lý do này để từ chối trao trả công dân Nga bị kết tội. Quyết định của Nhà trắng hủy kế hoạch gặp song phương Mỹ-Nga gây thất vọng, nhưng Mát-xcơ-va tuyên bố vẫn tiếp tục hợp tác với Oa-sinh-tơn trong các chương trình nghị sự song phương và đa phương.

 Tuy nhiên, với Mỹ, quyết định hủy cuộc gặp cấp cao song phương Mỹ - Nga không đồng nghĩa Oa-sinh-tơn từ bỏ hợp tác với Mát-xcơ-va. Có thể, với động thái này ông Ô-ba-ma chỉ  nhằm đáp trả việc Nga "phớt lờ" yêu cầu của Oa-sinh-tơn  trao trả Xnâu-đơn về Mỹ. Ngay cả việc thông báo quyết định đó cũng cho thấy Nhà trắng muốn giảm nhẹ tính chất nghiêm trọng của sự việc. Bởi, nó không được Tổng thống Ô-ba-ma đích thân đưa ra, mà chỉ do một phát ngôn viên Nhà trắng thông báo. Hơn nữa, ông Ô-ba-ma vẫn giữ nguyên lịch trình tham dự Hội nghị cấp cao G20 tại Xanh Pê-téc-bua. Theo giới quan sát, quyết định hủy cuộc gặp của các ông Ô-ba-ma và Pu-tin chỉ nhằm làm dịu sức nóng chỉ trích từ các nghị sĩ Mỹ thuộc cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đang phẫn nộ trước việc "kẻ phản bội" Xnâu-đơn được tị nạn tại Nga.

 Dù với lý do gì, việc bỏ lỡ cơ hội thảo luận cấp cao về các vấn đề song phương và toàn cầu cũng thể hiện sự lúng túng của chính quyền Ô-ba-ma trong việc thúc đẩy quan hệ với Nga. Và càng cho thấy Mỹ chưa thật sự sẵn sàng "cài đặt lại" quan hệ với Nga theo hướng cân bằng và bền vững như Oa-sinh-tơn từng cam kết.

Theo Nhân dân

  • Từ khóa