Chủ nhật, 30/06/2024, 19:55[GMT+7]

Nỗ lực thúc đẩy đàm phán hòa bình giữa I-xra-en và Pa-le-xtin

Thứ 6, 04/10/2013 | 15:31:17
842 lượt xem
Với sự trung gian của Mỹ, cuộc đàm phán trực tiếp I-xra-en - Pa-le-xtin đã chính thức được tái khởi động sau ba năm gián đoạn. Trong cuộc đàm phán này, hai bên thảo luận về các vấn đề cốt lõi, gồm tình hình an ninh, vấn đề định cư, biên giới và vấn đề an ninh... Tuy nhiên, con đường tiến tới giải pháp hai nhà nước để kiến tạo nền hòa bình lâu dài cho nhân dân I-xra-en và Pa-le-xtin còn nhiều chông gai.

I-xra-en xây dựng nhà định cư trên vùng đất chiếm đóng của Pa-le-xtin. Ảnh AFP

Trong nỗ lực mới nhất nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Ðông, ngày 30-9 vừa qua, tại Nhà trắng, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma đã hội đàm với Thủ tướng I-xra-en B.Nê-ta-ni-a-hu, điểm lại tình hình liên quan các vòng đàm phán mới đây giữa I-xra-en và Pa-le-xtin. Cuộc hội đàm giữa Tổng thống Ô-ba-ma và Thủ tướng Nê-ta-ni-a-hu diễn ra trong bối cảnh I-xra-en và Pa-le-xtin ngày 29-7 vừa qua đã gặp nhau tại Oa-sinh-tơn để thảo luận về việc nối lại các cuộc đàm phán hòa bình bị đình trệ gần ba năm qua.

Ðến nay, I-xra-en và Pa-le-xtin đã có bảy vòng đàm phán, nhưng vẫn còn nhiều tranh cãi chung quanh các vấn đề cốt lõi như các tuyến biên giới giữa hai nhà nước I-xra-en và Pa-le-xtin, việc bảo đảm an ninh, tương lai của các khu định cư, quy chế cuối cùng đối với thành phố Giê-ru-xa-lem và số phận của người tị nạn Pa-le-xtin.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma ngày 24-9 đã có cuộc gặp với Tổng thống Pa-le-xtin M.Áp-bát bên lề khóa họp lần thứ 68 của Ðại hội đồng LHQ ở Niu Oóc, Mỹ. Phát biểu ý kiến tại cuộc gặp, Tổng thống Mỹ cho biết, cả I-xra-en và Pa-le-xtin đều không ảo tưởng rằng "việc đạt được hòa bình là dễ dàng". Tổng thống Pa-le-xtin M.Áp-bát cam kết không rút khỏi các cuộc đàm phán hòa bình với I-xra-en, mặc dù cho đến nay tiến trình này chưa có tiến triển nào. Trong khi đó, Oa-sinh-tơn khẳng định sẽ can dự nhiều hơn nữa để tạo sức ép đối với I-xra-en.

Cuộc đàm phán trực tiếp I-xra-en - Pa-le-xtin đã chính thức được tái khởi động sau ba năm gián đoạn do I-xra-en mở rộng khu định cư ở Bờ Tây và Ðông Giê-ru-xa-lem. Vòng đàm phán thứ hai và thứ ba đã diễn ra tại Giê-ru-xa-lem ngày 14-8 và 20-8, bất chấp việc Pa-le-xtin chỉ trích I-xra-en thông qua kế hoạch xây dựng 3.100 căn nhà mới cho người định cư Do Thái.

Ðể tiến tới việc cùng ngồi vào bàn thương lượng, phía Pa-le-xtin đã chấp nhận đàm phán mà không coi vấn đề nhà tái định cư là điều kiện tiên quyết, đổi lại I-xra-en quyết định trả tự do cho hơn 100 tù nhân Pa-le-xtin trong vòng tám tháng tới và đợt đầu đã trả tự do cho 26 tù nhân. Trong các vòng đàm phán trước, hai bên chủ yếu giải quyết các vấn đề kỹ thuật, như cách thức tiến hành đàm phán và nội dung các vấn đề cần thảo luận.

Trong đó, I-xra-en đã một lần nữa trình bày văn kiện 21 điểm từng được đưa ra tại thủ đô Am-man của Gioóc-đa-ni cách đây hai năm. Văn kiện này gồm những vấn đề chính mà I-xra-en muốn thảo luận trong đàm phán, trong đó có sáu điểm được xem là những vấn đề cốt lõi: các đường biên giới, an ninh, Giê-ru-xa-lem, người tị nạn, các khu định cư và nguồn nước. Các điểm còn lại là những phát sinh từ những vấn đề cốt lõi, như kiểm soát không phận, công nhận I-xra-en là nhà nước Do Thái...

Tuy nhiên, cuộc đàm phán vừa được tái khởi động này đã vấp phải thử thách lớn, đe dọa đóng sập cánh cửa tiến trình hòa dịu vừa hé mở. Nguyên nhân dẫn đến nguy cơ này là trong lúc hai bên đang ngồi vào bàn thương lượng thì vào sáng 26-8, quân đội I-xra-en lại bắn chết ba người Pa-le-xtin và làm bị thương 19 người trong cuộc đụng độ tại Bờ Tây. Pa-le-xtin ngay lập tức lên án hành động bạo lực này của I-xra-en và đe dọa hủy bỏ cuộc đàm phán vừa được nối lại để bày tỏ sự phản đối về vụ I-xra-en bắn chết dân thường Pa-le-xtin.

Trước nguy cơ cuộc đàm phán đi vào bế tắc, Tướng Giôn A-len, đặc phái viên của Mỹ tại khu vực Trung Ðông đã gặp Tổng thống Pa-le-xtin M.Áp-bát và chuyển cho Tổng thống Áp-bát một bức thư, trong đó tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với tiến trình hòa bình Trung Ðông trên nền tảng thành lập một nhà nước Pa-le-xtin độc lập. Với động thái kịp thời này của "nhà trung gian hòa giải", vòng đàm phán tiếp theo giữa các nhà đàm phán I-xra-en và Pa-le-xtin đã được nối lại tại thành phố Gie-ri-cô ở khu Bờ Tây.

Hoan nghênh việc I-xra-en và Pa-le-xtin nối lại cuộc đàm phán trực tiếp, Ai Cập khẳng định ủng hộ Pa-le-xtin trong việc thành lập một nhà nước độc lập theo đường biên giới năm 1967. Trong khi đó, dư luận thế giới một mặt bày tỏ hy vọng về một nền hòa bình lâu dài giữa I-xra-en và Pa-le-xtin vừa được "nhen nhóm", mặt khác cho rằng cuộc đàm phán I-xra-en - Pa-le-xtin vẫn còn nhiều chông gai. Trong đó, trở ngại hàng đầu là việc I-xra-en tiếp tục kế hoạch mở rộng khu định cư Do Thái trên các vùng đất chiếm đóng của người Pa-le-xtin. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ G.Ke-ri nêu rõ, việc xây dựng các khu định cư này là bất hợp pháp.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng ra tuyên bố chỉ trích kế hoạch định cư mới của I-xra-en. Nhiều nước châu Âu cũng bày tỏ quan ngại trước động thái mới của chính quyền Ten A-víp. Người phát ngôn của bà C.A-stơn, đại diện cấp cao Liên hiệp châu Âu phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại cho rằng, các khu định cư của I-xra-en ở khu Bờ Tây là bất hợp pháp theo luật quốc tế.

Theo Nhân dân

  • Từ khóa