Thứ 3, 23/04/2024, 18:32[GMT+7]

"Thủ tục làm người còn sống" đã có hậu

Thứ 2, 04/06/2018 | 09:16:58
4,188 lượt xem
Báo Thái Bình số ra ngày 25/5/1988 và Tuần báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) ra ngày 27/5/1988 đăng bút ký “Thủ tục làm người còn sống” của nhà báo Minh Chuyên viết về Trần Quyết Định, người lính bị thương từ chiến trường trở về chỉ mang theo giấy chứng thương mà không có giấy phục viên, xuất ngũ. Trần Quyết Định phải đến nhiều nơi và nhiều năm sau để được công nhận là người còn sống...

Nhà văn, nhà báo Minh Chuyên trao đổi về bản thảo và tác phẩm “Người không cô đơn” với ông Trần Nhuệ, dịch tác phẩm này sang tiếng Anh.

Tổng biên tập tự giác nhận trách nhiệm

Hội nghị giải quyết về những ý kiến trái chiều trong bút ký “Thủ tục làm người còn sống” của nhà báo Minh Chuyên ngày ấy của Tỉnh ủy Thái Bình do ông Đỗ Quang Thường, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì. Dự hội nghị có đại biểu Cục Chính sách (Bộ Quốc phòng), Bộ Tư lệnh Quân khu 3, Bộ CHQS tỉnh và các ban, ngành có liên quan của tỉnh. 

Gặp lại người chủ trì hội nghị, ông Đỗ Quang Thường nay đã ở tuổi 82, ông bảo mấy chục năm công tác, chủ trì nhiều hội nghị nhưng hội nghị giải quyết bút ký “Thủ tục làm người còn sống” của Minh Chuyên là ông nhớ nhất. Ông khẳng định, trước khi vào hội nghị ông đã tham vấn ý kiến từ nhiều người, từ cơ quan chức năng, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh và cả nhà báo Minh Chuyên nữa. Nếu kết luận thiếu khách quan sẽ ảnh hưởng lớn đến sinh mệnh chính trị một con người, làm thui chột một tài năng, nhất là Minh Chuyên từng là một người lính, một thương binh đi qua gian khổ chiến trường, hiểu về người lính và trực tiếp đi cùng nhân vật qua nhiều cấp, nhiều nơi để xin xác nhận mà không được quan tâm, giải quyết. Kết luận của ông Thường lúc đó là “giao cho các cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp làm việc cụ thể với đơn vị, cơ quan cấp trên giải quyết chế độ, chính sách cho Trần Quyết Định theo đúng quy định của quân đội và chính sách của Nhà nước về văn phong báo chí của bút ký có chi tiết nào chưa chuẩn xác thì rút kinh nghiệm còn bản chất sự việc là đúng, không vì chi tiết mà quy kết động cơ người viết báo làm sai được”. 

Đồng quan điểm với ông Đỗ Quang Thường là ông Phạm Văn Bài năm nay 81 tuổi, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Ông Bài lấy ví dụ năm 1972 ông tham gia chiến đấu ở tỉnh Công Pông Chàm của Campuchia sau một trận đánh ông cùng một đồng đội lạc đơn vị tới hai ngày may mà tìm về được đơn vị, không thì rơi vào tay Pôn Pốt. Trần Quyết Định là người gốc giáo, vừa vào chiến trường là tham gia chiến đấu ngay và bị thương nặng ngay trận đầu tiên, được đưa về phía sau điều trị, vết thương lành quay lại tìm đơn vị thì đơn vị đã chuyển qua nước bạn chiến đấu thì tìm đơn vị sao nổi và phải quay lại Sài Gòn tá túc rồi về quê. Do vậy chỉ có chứng thương mà không có giấy phục viên, xuất ngũ là đương nhiên. Ai phát biểu là Định không lạc đường, lạc đơn vị là người đó không hiểu gì về chiến trường. Địa hình chiến trường rừng núi, thiên la địa võng, lại là lính mới thì tránh sao khỏi lạc mà thế mới là hậu quả chiến tranh, thế mới là việc của cơ quan chức năng phải làm, phải trả lời để người ta đi ngược xuôi Nam Bắc, lên huyện, lên sở, lên tỉnh, lên trung ương, vào đến tận nghĩa trang để tự xác minh mà vẫn còn khó dễ… Bức xúc ấy là bức xúc của bút ký “Thủ tục làm người còn sống” Minh Chuyên dồn nén vào chứ sao. Bi kịch của người lính trong chiến tranh trở về không tập trung giải quyết lại đi bắt bẻ chi tiết, đẩy sự thật buồn vào một bi kịch khác. 

Ông Bài nhấn mạnh và nói thêm, cả buổi dự hội nghị hôm ấy Minh Chuyên chỉ có khóc, Chuyên khóc vì sự thật phũ phàng, khóc vì điều cần nói, cần phát biểu đã dồn nén vào tác phẩm cả rồi. Phải nói là Minh Chuyên là người cầm bút có bản lĩnh, có tâm và có năng lực viết về đề tài hậu chiến tranh. Ông Bài tâm đắc và nhắc lại phát biểu của cố Tổng biên tập Báo Thái Bình Nguyễn Như Hinh tại hội nghị hôm đó: “Nếu phải đi tù hoặc bị xử lý kỷ luật thì tôi chịu trách nhiệm chứ không phải anh Minh Chuyên…”.

 Ba mươi năm sau viết “Thủ tục làm người còn sống”

“Thủ tục làm người còn sống” đã gây quá nhiều sóng gió và phiền toái cho nhà báo Minh Chuyên, có lúc ông phải lẩn tránh thực tế như người có tội và nếu như không có tâm, không có bản lĩnh thì Minh Chuyên đã gục ngã từ ba mươi năm về trước. Nhưng không, Minh Chuyên vẫn đi, vẫn đến và vẫn tìm tòi, các góc khuất của hậu chiến tranh vẫn hiện ra trong mỗi trang viết của Minh Chuyên. Bài viết sau, tác phẩm sau sâu sắc và nhân văn hơn tác phẩm trước, nhiều thân phận người lính trở về, nhiều thương binh, thanh niên xung phong, nạn nhân chất độc da cam/Điôxin được Minh Chuyên nhìn nhận khắc họa, vừa lột tả hậu quả nỗi đau chiến tranh, gợi mở một chủ trương, một chính sách dành cho người có công với đất nước. 

Tác phẩm “Người lang thang không cô đơn” Minh Chuyên dành nhiều giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Bộ Quốc phòng, 9 huy chương vàng, bạc cho vở kịch “Người lang thang không cô đơn” đó còn là những tác phẩm “Linh hồn việt cộng”, “Đứa con màu da thú”, “Vào chùa gặp lại”, “Những linh hồn da cam”, “Huyền thoại người Thái Bình”… Tác phẩm điện ảnh, truyền hình “Cha con người lính” tham dự liên hoan phim quốc tế lần thứ X tại Bình Nhưỡng đạt huy chương vàng. 

Ba mươi năm sau bút ký “Thủ tục làm người còn sống”, Minh Chuyên đã viết tiếp 75 tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài chiến tranh cách mạng, trong đó đã xuất bản 30 quyển tác phẩm, 45 bản thảo quyển tác phẩm đang tiếp tục đến với bạn đọc. Minh Chuyên còn là tác giả viết kịch bản và đạo diễn 250 tập phim tài liệu, có 3 phim dự liên hoan phim quốc tế: “Cha con người lính”, “Linh hồn việt cộng”, “Chuyện ông và cháu”; 15 tập phim về “Đoàn tàu không số”; 15 tập phim “Bất khuất Côn Đảo”; 25 tập phim “Ký ức chiến tranh nhìn từ hai phía”, “Liệt sĩ Gạc Ma vòng tròn bất tử”, “Con đường tới dinh Độc Lập”; 7 tập phim “Đi qua một thế kỷ”; 52 tập phim “Bức thông điệp lịch sử”; 5 tập phim “Ông cố vấn” và còn nhiều tác phẩm điện ảnh nổi tiếng khác ghi dấu một thời hào hùng của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống xâm lược. 

Thống kê một vài số liệu như vậy để thấy sức lao động và sáng tạo của Minh Chuyên. Ba mươi năm sau “Thủ tục làm người còn sống” nhà văn, nhà báo Minh Chuyên đã ở tuổi 72, tóc ông đã bạc đi nhiều vì sương gió vì các trang viết để đời. Minh Chuyên đã có 109 chứng chỉ khen thưởng, giải thưởng trong nước và quốc tế, trong đó có giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật, hàng trăm bài báo, hàng nghìn trang viết của đồng nghiệp và độc giả viết và chia sẻ cùng Minh Chuyên. 

Anh nói: Chiến tranh đã qua, nỗi đau thì còn đó nhưng hận thù và tội ác thì khép lại, viết như vậy sẽ có nhiều bạn đọc, viết như vậy mới nhân văn. Tham quan nhà bảo tàng lưu giữ tác phẩm hậu chiến tranh Minh Chuyên sẽ cảm nhận về sức lao động, sáng tạo, nhiệt tâm với nghề báo và văn học nghệ thuật của nghệ sĩ ưu tú, đạo diễn cao cấp, nhà văn, nhà báo Minh Chuyên trong nghề cầm bút. Bút ký “Thủ tục làm người còn sống” đã có hậu. Năm 2007, “thủ tục chuyển đổi” từ một liệt sĩ sang một thương binh của Trần Quyết Định hoàn tất. Nay Trần Quyết Định là thương binh hạng 2/4, sống ở xã Minh Khai, huyện Vũ Thư.

Nguyễn Công Liêm

Thành phố Thái Bình